Sức đề kháng đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe, là “vũ khí” giúp kháng lại các virus và các tác nhân gây bệnh. Khi sức đề kháng yếu, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ giảm làm tăng các nguy cơ mắc những căn bệnh truyền nhiễm. Vậy nên ăn gì để tăng sức đề kháng cho cơ thể?
Bệnh cảm cúm chiếm gần 2/3 nguyên nhân gây sốt và viêm đường hô hấp ở trẻ em. Để tăng sức đề kháng cho trẻ em phòng tránh viêm hô hấp, có nhiều biện pháp gồm tiêm chủng đầy đủ cho trẻ, sử dụng khẩu trang khi đi xe gắn máy, giữ ấm cho trẻ… trong đó chế độ ăn cũng góp phần quan trọng. Khoa học đã chứng minh có vài vitamin và khoáng chất giúp tăng sức đề kháng, đặc biệt là vitamin A và kẽm.
Vitamin A được chứng minh có vai trò tăng miễn dịch chống bệnh nhiễm trùng, có nhiều trong các loại trái cây màu vàng đậm, đặc biệt là ba loại thức ăn phổ biến: khoai lang, cà chua và cà rốt. Trong rau và trái cây, vitamin A có ở dưới dạng beta-caroten là tiền chất và sẽ chuyển sang vitamin khi vào cơ thể. Trong động vật, vitamin nhiều nhất trong các món ăn từ gan, ví dụ gan và patê.
Theo chúng tôi, khoai lang là loại thức ăn tuyệt vời mà tạo hóa ban cho con người vì chứa rất nhiều vitamin, đặc biệt là vitamin A, C và vitamin nhóm B. Về khoáng chất, khoai lang chứa rất nhiều khoáng chất trong đó có kali và manhê; khoai lang cũng chứa rất nhiều chất xơ. Từ đó khoai lang được xếp vào loại thực phẩm có tính kháng viêm rất cao, giúp phòng chống bệnh mãn tính không lây như đái tháo đường, tăng huyết áp. Chưa kể khoai lang lại là thức ăn rẻ và phổ biến ở nước ta.
Kẽm cũng liên quan đến sức đề kháng. Ngoài các chức năng có lợi cho sức khỏe như sức khỏe sinh sản ở nam giới, tăng chiều cao ở trẻ em, kẽm được khoa học chứng minh vai trò rất quan trọng trong hệ miễn dịch. Kẽm có nhiều nhất trong thịt bò, giúp cơ thể sản xuất đủ tế bào miễn dịch phòng chống các tác nhân nhiễm trùng. Do đó cần ăn thịt bò 2-3 lần trong tuần để cung cấp đủ chất kẽm cho cơ thể. Ngoài ra kẽm còn có nhiều trong con hàu và sò.
Việc chú ý tăng sức đề kháng quan trọng cho tất cả mọi người, tuy nhiên cần lưu ý ở các đối tượng có nhiều nguy cơ hơn, ví dụ: trẻ em sau 6 tháng tuổi (khi đó kháng thể của mẹ truyền qua đã giảm), trẻ em mới bắt đầu đi học mẫu giáo (thường dễ bị lây bệnh của bạn), trẻ em mắc bệnh hen phế quản (thường cảm cúm sẽ dẫn đến hen phế quản), người cao tuổi, người ăn chay (vì chế độ ăn thiếu kẽm), trẻ biếng ăn do ăn không đa dạng, người ở vùng sâu vùng xa.
Ở những đối tượng nguy cơ nêu trên nếu không tiêu thụ đủ và đa dạng thực phẩm thì cần có chế độ bổ sung vitamin A và kẽm theo dạng thuốc để tăng sức đề kháng.