Sự phát triển trí não của trẻ gần đạt mức tối đa vào 3 năm đầu đời. Thật uổng phí nếu từ khi nằm trong bụng mẹ cho đến 3 tuổi, trẻ không được cha mẹ chú ý tác động, kích thích đúng mức để não phát triển tối đa.
Khoa học cho thấy, não trẻ có thể ghi nhận thông tin ngay từ khi bé còn nằm trong bụng mẹ. Sau khi ra đời, trọng lượng não của trẻ chỉ bằng 25% trọng lượng não người trưởng thành. Tuy nhiên trọng lượng não tăng lên rất nhanh, gấp 3 lần khi trẻ được một tuổi (khoảng 75%) và đến năm 6 tuổi, não trẻ đã bằng 100% não của người lớn.
Não bộ phát triển khi tế bào não (neuron) được nối kết với nhau qua những kích thích từ môi trường bên ngoài lên các giác quan, định hình nên sự hoàn thiện của trí não.
Sự phát triển trí não của trẻ coi như gần đạt mức độ tối đa vào 3 năm đầu đời. Do đó thật uổng phí nếu ngay từ khi nằm trong bụng mẹ cho đến năm 3 tuổi, trẻ không được cha mẹ chú ý tác động, kích thích đúng mức để não phát triển đạt mức tối đa theo độ tuổi. Có thể nói những kinh nghiệm đầu đời giúp định hướng sự phát triển của não bộ, từ đó hình thành cách học hỏi, suy nghĩ và cách ứng xử của trẻ trong suốt cuộc đời sau này.
Ngay từ khi mang bầu, các bà mẹ nên khám thai định kỳ để bảo đảm cho sự phát triển toàn diện của trẻ; đồng thời nếu thai nhi có vấn đề gì sẽ được phát hiện và chữa trị kịp thời.
Trẻ 20 tháng tuổi trở lên rất thích vẽ, có thể nguệch ngoạc mọi nơi ở trong nhà. |
Sau khi trẻ ra đời, cha mẹ nên duy trì một môi trường sống lành mạnh và ăm ắp tình yêu thương, kích thích sự phát triển bằng âm nhạc, ngôn ngữ, thường xuyên trò chuyện và tiếp xúc với trẻ để nắm bắt được xu hướng phát triển. Đặc biệt cho trẻ chơi những trò chơi kích thích sự phát triển của trí não như xếp hình, ghép tranh, tô màu…
Các hoạt động vui chơi phù hợp
Từ tháng thứ 2, bé đã có thể biểu hiện các đáp ứng khi thích một món đồ chơi nào đó. Sang tháng thứ 3, bé đã bắt đầu giao tiếp với thế giới bên ngoài nhiều hơn và đặc biệt là đã có đáp ứng với nhiều loại kích thích khác nhau, thích những vật thể có nhiều màu sắc và kiểu dáng, rất thích chơi những đồ chơi như lục lạc, trái banh mềm, đồ chơi để bé ôm ấp…
Từ 6 tháng tuổi, tính tò mò của bé đang phát triển, bé thích khám phá môi trường xung quanh một cách nghiêm túc. Lớn hơn nữa, việc vui chơi của bé sẽ liên quan nhiều đến các thử nghiệm như: “Chuyện gì xảy ra nếu mình thả rơi cái tách nhựa?”, hoặc “Nếu mình chà ngón tay vào xốt cà chua thì sao nhỉ?” và bé thích quan sát điều xảy ra sau khi bé làm gì đó.
Các bậc cha mẹ thay vì tìm cách áp đặt con phải học điều này điều nọ thì nên khuyến khích con nâng cao trí tuệ và sự sáng tạo, thông qua những hoạt động học tập, vui chơi phù hợp với lứa tuổi. Hãy tạo cho trẻ được vui chơi trong môi trường phong phú đầy tính kích thích, không gian của hoạt động nên nhiều màu sắc
Hãy trò chuyện với trẻ thường xuyên, hát những bài hát ru trẻ, mở nhạc cho trẻ nghe hoặc lúc lắc đồ chơi phát ra âm thanh như lục lạc cho trẻ nghe. Cho bé thấy những bức tranh và những mẫu hình đơn giản có màu sáng và có trang trí, treo những vật quay nho nhỏ hay đồ chơi màu sáng ở nôi bé. Để gần bé những vật có màu sáng và hấp dẫn dễ nhìn, nghe hay sờ nhưng phải lớn để bé không bỏ chúng vào miệng. Khuyến khích bé vươn tới vật thể đó hay chạm tới chúng. Mỗi khi bạn hài lòng hay thích thú với những gì bé làm, hãy khen bé và gọi tên bé.
Hạn chế trẻ xem tivi, nếu thời tiết cho phép, hãy đưa bé ra ngoài mỗi ngày. Đây là cách tốt nhất để giúp bé tiếp thu, quan sát và khám phá thế giới xung quanh. Hãy tạo cơ hội cho bé chơi gần những bé khác. Nếu trong quá trình chơi đùa, bé có những hành động không tốt, hãy dạy cho bé hiểu rằng những hành động như thế không bao giờ được chấp nhận…
Quan trọng hơn cả là cha mẹ phải dành thời gian để vui chơi với trẻ, các em luôn mong muốn có cha mẹ chơi cùng. Việc này không những gây hứng thú cho trẻ mà còn giúp các em thấy yên tâm khi thực hiện những hoạt động tìm hiểu phám phá thế giới xung quanh đầy ngộ nghĩnh của mình.
Chú ý đến chế độ dinh dưỡng hợp lý
Song song với giáo dục và môi trường sống tốt, một chế độ dinh dưỡng khoa học là yếu tố bên trong nuôi dưỡng trí não phát triển, giúp trẻ tăng năng lực học hỏi và khám phá.
Trong thời kỳ mang thai, các bà mẹ nên bổ sung các chất hỗ trợ tốt nhất cho sự phát triển não bộ của trẻ như: đạm, iốt, sắt, axit folic, các axit béo chưa no: DHA, ARA… các chất này có nhiều trong cá, thịt, tôm, cua, sữa, trứng, rau sống, trái cây…
Trong 2 năm đầu đời, đôi khi mẹ không đủ sữa hoặc một vài lý do riêng nào đó trẻ không bú sữa mẹ, thì nên lựa cho bé một sữa ngoài có những dưỡng chất đầy đủ tương tự như sữa mẹ đồng thời cung cấp thêm các chất DHA, ARA… giúp bé thông minh và phát triển tốt những kỹ năng nghe nhìn.
Theo các chuyên gia về phát triển hành vi của trẻ, ngoài yếu tố di truyền,yếu tố dinh dưỡng, các vùng chuyên biệt của não bộ quy định các kỹ năng xã hội của con người được phát triển mạnh nhờ vào quá trình rèn luyện – học tập thông qua môi trường có yếu tố kích thích với các hoạt động vui chơi thông minh ngay từ giai đoạn sơ sinh.
Khi tham gia các trò chơi, các neuron thần kinh sẽ truyền tín hiệu từ nơi tiếp nhận đến não bộ rồi chuyển đến cơ quan đáp ứng để đưa ra quyết định xử lý tốt nhất, vì vậy nếu trẻ vui chơi nhiều sẽ kích thích truyền tín hiệu nhiều và kỹ năng xử lý tình huống sẽ ngày càng thuần thục hơn. Vui chơi với những trẻ khác cũng làm phát triển khả năng lãnh đạo, kỹ năng xã hội, phát triển cảm xúc của trẻ, đồng thời phát huy được sự hợp tác giữa các trẻ khi cùng chơi. Tất cả những kỹ năng này có thể dự đoán được khả năng thích nghi khi chúng lớn lên. Báo cáo của Hunt 1997 cũng đã phát hiện rằng sự kích thích từ môi trường gồm các trò chơi có thể làm tăng IQ từ 20 đến 40 điểm nhờ vào việc gia tăng mạng lưới tế bào thần kinh trong não bộ. |
Bác sĩ Thái Thanh Thủy – Trưởng khoa tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2