Con kén ăn, nôn ói hoặc tiêu chảy, nhiều phụ huynh cứ thế mua chế phẩm bổ sung men vi sinh vì cho rằng có thể hỗ trợ chữa được bệnh. Tuy nhiên theo các dược sĩ, việc tự ý dùng men vi sinh, men tiêu hóa như vậy là vô bổ.
Thấy cậu con trai 4 tuổi thi thoảng lại bị tiêu chảy, đầy bụng, nghĩ men vi sinh có thể giúp bé hết bệnh, chị Hương (quận 8, TP HCM) ra nhà thuốc mua cho uống. Gần một tháng sau, bé vẫn còn nguyên triệu chứng.
“Tôi cứ nghĩ đơn giản là hệ tiêu hóa của cháu không tốt nên cần bổ sung thêm men kích thích ruột”, người mẹ cho biết.
Đưa con đến khám tại Trung tâm dinh dưỡng TP HCM sau hơn một tháng cho bé dùng men vi sinh nhưng vẫn không dứt chứng đầy bụng, kém ăn, chị Tuyết ở Đồng Nai được các bác sĩ cho hay, chị đã cho con dùng men vi sinh sai cách. Thay vì pha với nước nguội, chị lại hòa với nước sôi nên không có tác dụng.
Chị Nhung nhà ở Bà Rịa – Vũng Tàu thì thường xuyên bổ sung một loại chế phẩm có chứa men vi sinh, với mong muốn kích thích hệ tiêu hóa để cải thiện chứng biếng ăn của cậu con trai 6 tuổi. Tuy nhiên sau gần nửa năm, con trai chị vẫn không cải thiện nhiều về cân nặng. Đến khoa dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM, để được tư vấn, phụ huynh này mới biết mình đã “chữa trị” sai bởi men vi sinh không có tác dụng tăng cân.
Phó giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức, ĐH Y Dược TP HCM cho biết, hiện có khá nhiều thuốc, chế phẩm có tác dụng giúp chức năng tiêu hóa tốt hơn, trong đó có men vi sinh (probiotic) chứa vi sinh vật có ích giúp cải thiện sự cân bằng của hệ tạp khuẩn ruột.
Giải thích nguyên nhân của việc bổ sung men vi sinh, ông Đức cho biết, trong con người hiện diện rất nhiều loại vi khuẩn tạo thành một quần thể gọi là tạp khuẩn ruột. Trong tạp khuẩn ruột, ngoài vi khuẩn gây hại còn có vi khuẩn có ích, các vi khuẩn này giúp tiêu hóa tốt thức ăn, tiêu sạch và tái hấp thu phần thức ăn còn sót lại ở ruột già, giúp tổng hợp vitamin nhóm B, K, đặc biệt là cân bằng với vi khuẩn có hại, làm cho vi khuẩn có hại không tăng sinh quá đáng gây bệnh.
“Vì các lý do như ăn uống không hợp vệ sinh, uống quá nhiều rượu bia, uống nhiều kháng sinh, có thể khiến vi khuẩn có hại lấn át dẫn đến tình trạng rối loạn đường ruột. Biểu hiện như tiêu chảy, khó tiêu, trướng ruột, giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng. Đây là lúc cần bổ sung men vi sinh”, ông Đức cho biết.
Khẳng định vai trò của men vi sinh trong việc chữa trị chứng rối loạn tiêu hóa, tuy nhiên theo Tiến sĩ Đức, việc tự ý dùng và dùng dài lâu không mang lại kết quả như mong muốn.
“Men vi sinh thường có mặt trên thị trường dưới dạng thực phẩm chức năng, chính vì thế, người dùng không nên lạm dụng hoặc dùng để điều trị rối loạn tiêu hóa thay cho thuốc. Đặc biệt, những người bị viêm tụy cấp, phẫu thuật ruột thì không nên dùng men vi sinh vì sẽ có hại.
Về việc sử dụng men vi sinh, dược sĩ Nguyễn Anh Dũng, nguyên giảng viên Trường ĐH Y Dược TP HCM, cũng cho rằng, nếu người bệnh chưa được bác sĩ thăm khám để xác định nguyên nhân mà cứ bổ sung chế phẩm thì chưa chắc đã chữa được bệnh.
Còn theo tiến sĩ Phạm Hùng Vân, cùng công tác tại Trường ĐH Y Dược TP HCM, đó là chưa kể đến việc người mua chọn chế phẩm bị lẫn các loại vi sinh có hại, công bố loại vi sinh này nhưng thực ra là vi sinh khác, hoặc công bố trên bao bì hàm lượng vi sinh ’trên trời’ nhưng thực tế lượng vi sinh có thực lại ’dưới đất’.
Về cách sử dụng, theo các chuyên gia vi sinh, người dùng không nên pha các chế phẩm men vi sinh với nước có nhiệt độ cao hơn nhiệt độ cơ thể, hoặc “pha buổi sáng uống buổi chiều”, vì như thế vi sinh sẽ bị chết. Việc đặt chế phẩm ở nhiệt độ không thích hợp cũng làm vi sinh bị chết.
“Ngoài việc dùng men vi sinh, các loại thức ăn như kim chi, sữa chua, dưa chua cũng góp phần cung cấp các loại men vi sinh có lợi. Tất nhiên các loại thực phẩm này phải đảm bảo an toàn vệ sinh”, một dược sĩ cho biết.