Tình trạng béo phì, lạm dụng các loại thuốc, hóa mỹ phẩm chứa nội tiết tố là nguyên nhân khiến số trẻ dậy thì sớm gia tăng.
ThS Bùi Phương Thảo, Phó trưởng khoa Nội Tiết – Chuyển hóa – Di truyền, bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, cách đây hơn 10 năm, tuổi dậy thì trung bình của trẻ em Việt Nam là 13 – 14 tuổi, nay giảm xuống còn 8 – 9 tuổi. Thậm chí, bệnh viện Nhi T.Ư từng điều trị cho cháu bé mới 2 tuổi đã dậy thì.
Lối sống gây dậy thì sớm
Theo ThS Thảo, ngoài những trường hợp dậy thì sớm thật do bệnh: u não, tổn thương não, teo não, động kinh, u nang buồng trứng, u tuyến thượng thận… (rất dễ dẫn đến tử vong), hiện gặp rất nhiều trường hợp dậy thì sớm giả (vô căn) không tìm ra nguyên nhân bệnh lý. Những trường hợp này mắc bệnh chủ yếu là do lối sống. Trên thế giới đã nghiên cứu hiện tượng dậy thì sớm là hậu quả từ sự lạm dụng hóa chất, mỹ phẩm và các chất gây ô nhiễm môi trường, gọi chung là “endocrine disruptors”. Chất này gây rối loạn nội tiết, có thể là nguyên nhân phát triển sớm các cơ quan chức năng sinh lý liên quan như vú, cơ quan sinh dục và những triệu chứng khác của tuổi dậy thì. Nếu vô tình tiếp xúc với loại kem testosterol bôi trên da hoặc thuốc xịt để gia tăng ham muốn tình dục của cha mẹ thì trẻ dễ bị dậy thì sớm.
Luyện tập thể thao thường xuyên và vừa sức giúp trẻ tránh được nhiều bệnh tật
Tại Việt Nam, ThS Thảo cho biết, đã có một số trường hợp trẻ bị bệnh do uống nhầm một hoặc hai viên thuốc tránh thai của mẹ hay các thuốc có chứa hormon… Ngoài ra, trẻ xem ti vi hoặc sử dụng máy vi tính quá nhiều khiến lượng melatonin trong cơ thể suy giảm, hàm lượng hormon giấc ngủ thấp, thúc đẩy quá trình dậy thì của trẻ.
Người ta cũng ghi nhận, trẻ sống trong gia đình có nhiều xung đột và căng thẳng thường dậy thì sớm hơn so với những em bé sống trong gia đình hạnh phúc, ít xung đột. Thói quen âu yếm vào bộ phận sinh dục trẻ của một số cha mẹ cũng là điều kiện dễ gây dậy thì sớm.
TS Nguyễn Thị Hoàn, Trưởng khoa Nội tiết – Chuyển hóa – Di truyền, BV Nhi T.Ư, nhấn mạnh, trẻ em được ăn uống quá nhiều chất bổ, đồ ăn nhanh nhiều calorie nhưng lại lười vận động, khiến tỷ lệ béo phì tăng cao cũng là nguyên nhân khiến trẻ dậy thì sớm.
Cần chăm sóc đặc biệt
TS Hoàn cho biết, trẻ dậy thì sớm thường cảm thấy sợ hãi, bất an nên cha mẹ cần có sự quan tâm đặc biệt. Khi trẻ có bất kỳ dấu hiệu phát triển bất thường nào cần cho trẻ đi khám ngay. Ngoài việc chữa trị, cha mẹ cần quan tâm đặc biệt tới vấn đề tâm lý và kiến thức cho các bé gái bị dậy thì sớm. Cần hướng dẫn trẻ cách giữ vệ sinh hằng ngày trong kỳ kinh bởi có nhiều bé gái mới 10 – 12 tuổi đã bị viêm nhiễm âm đạo do vệ sinh không đúng cách. Một số trường hợp còn bị sưng tấy vùng này, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến viêm dính âm hộ, âm đạo, nhiễm trùng vùng tử cung, buồng trứng.
Với những trường hợp ra huyết nhiều, cần đưa trẻ đến bệnh viện để được điều trị vì tình trạng này sẽ làm trẻ mệt mỏi, thiếu máu. Ngoài ra, cần giáo dục giới tính để trẻ biết cách tránh bị lạm dụng tình dục.
Trẻ được coi là dậy thì sớm, nếu ở bé gái trước 8 tuổi đã xuất hiện những dấu hiệu đặc trưng giới tính như: có lông mu, âm vật lớn lên, ngực phát triển và thấy kinh lần đầu trước 12 tuổi. Với trẻ nam, trước 9 tuổi đã có râu, yết hầu lớn lên, tiếng nói trầm khàn… |