Sau một thời gian triển khai dự án Xây dựng hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng tại TP.HCM, Cà Mau, Đồng Tháp, Tổ chức Cứu trợ trẻ em Việt Nam cho biết, dự án đã mang đến nhiều cơ hội cho các đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tiếp cận được dịch vụ chăm sóc sức khỏe y tế, giáo dục và văn hóa, xã hội.
Thu hẹp khoảng cách đối với trẻ em di cư
Làn sóng trẻ em cùng gia đình hoặc đơn thân di cư vào các thành phố lớn, nhất là TP.HCM để mưu sinh ngày càng gia tăng. Bên cạnh những “cơ hội” hiếm hoi có được, phần lớn trẻ em phải đối mặt với nhiều nguy cơ bị xâm hại, lạm dụng tình dục, bị bóc lột sức lao động… Đây cũng là nguyên nhân kéo dài thêm khoảng cách tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội đối với trẻ em di cư.
Riêng tại TP.HCM, trong tổng số 1,63 triệu trẻ em dưới 16 tuổi thì có đến 386.000 trẻ em nhập cư, trên 69.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung – Phó giám đốc Sở LĐ,TB&XH TP.HCM cho biết, những vấn đề nổi cộm trong công tác bảo vệ trẻ em trên địa bàn TP hiện nay là tình hình trẻ lao động sớm, trẻ lang thang, trẻ bị ảnh hưởng HIV, trẻ vi phạm pháp luật, trẻ bị bạo hành ngược đãi, bạo hành học đường… có chiều hướng gia tăng; đặc biệt là trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ lang thang có xu hướng tăng nhanh gần gấp đôi. Tuy nhiên, thông qua cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư cũng như phong trào xây dựng Khu dân cư văn hóa, Gia đình văn hóa; nhiều mô hình bảo vệ trẻ em của các tổ chức xã hội, trong đó có dự án xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng do Tổ chức Cứu trợ trẻ em Việt Nam tài trợ được triển khai dưới nhiều hình thức đa dạng và phong phú, góp phần thu hẹp khoảng cách tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội đối với trẻ em di cư.
Bà Bùi Thị Thu Hằng, cán bộ quản lý dự án khu vực phía Nam của Tổ chức Cứu trợ trẻ em cho biết, với mục tiêu chính là xây dựng hệ thống bảo vệ trẻ em gắn liền với hệ thống và chính sách của chính quyền địa phương, dự án hoạt động vì lợi ích của trẻ em đã và đang tập trung hỗ trợ trẻ em; đặc biệt là trẻ em di cư không có người chăm sóc, trẻ em mồ côi di cư đối mặt với nhiều rủi ro, trẻ em bị buôn bán hoặc di cư quay trở về và có nguy cơ bị phân biệt hoặc lạm dụng; trẻ em nghèo, dễ bị tổn thương sống trong khu vực có nguy cơ di cư cao; trẻ em đang phải đối mặt với tình trạng bạo lực… được tiếp cận những dịch vụ cơ bản như giáo dục, chăm sóc sức khỏe, pháp lý, vui chơi giải trí và các dịch vụ tư vấn liên quan.
Ngăn ngừa và hỗ trợ kịp thời
Tại tỉnh Đồng Tháp, hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng được xây dựng tại các địa bàn “nóng” là phường 3, 4, 11, Mỹ Phú và xã Tân Thuận Tây thuộc TP. Cao Lãnh. Ông Nguyễn Ngọc Bảy, Trưởng phòng LĐ,TB&XH thuộc Sở LĐ,TB&XH tỉnh Đồng Tháp cho biết, đây là những địa phương có các tệ nạn xâm hại trẻ em ngày càng gia tăng. Sau gần 2 năm triển khai mô hình bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng với những giải pháp sát thực trong từng chương trình hành động cụ thể nhằm hướng đến bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại, bạo lực, bóc lột…, tình hình “nóng” ở đây đã được cải thiện về nhiều mặt như điều kiện chăm sóc sức khỏe, học hành, vui chơi giải trí dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ngày càng cao, góp phần giảm đến 50% số trẻ em vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, số trẻ bị xâm hại tình dục có dấu hiệu gia tăng. Đối với những trường hợp này, dự án thực hiện hỗ trợ khẩn cấp để kịp thời động viên các em. Đặc biệt, thông qua dự án, các ban ngành, đoàn thể quan tâm nhiều hơn đến công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, các địa phương nắm bắt tốt hơn thực trạng và những vấn đề bức xúc về trẻ em xảy ra trên địa bàn để kịp có biện pháp xử lý. Nhờ đó mà nhiều vấn đề xâm hại đến trẻ được phát hiện và ngăn ngừa kịp thời.
Đối với tỉnh Cà Mau, đã thực hiện 74 đợt khám và tuyên truyền sức khỏe định kỳ cho trẻ di cư trên các địa bàn triển khai dự án gồm phường 8, 9 và phường Tân Xuyên thuộc TP Cà Mau. Trên 600 lượt trẻ em di cư được hỗ trợ học các lớp tình thương, hỗ trợ làm khai sinh cho gần 550 em. Bà Trương Ánh Hoa, Phó phòng LĐ,TB&XH – Sở LĐ,TB&XH Cà Mau chia sẻ, vấn đề đáng ngại nhất hiện nay vẫn là tình trạng trẻ em di cư bị xâm hại tình dục. Từ khi triển khai dự án (2009) đến nay đã xảy ra 8 trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục, chủ yếu là trẻ em gái. Đối tượng xâm hại phần lớn là người thân trong nhà, người quen và có cả những kẻ xấu lợi dụng trẻ em tật nguyền để xâm hại. Tuy nhiên, các tình nguyện viên thuộc dự án cùng chính quyền địa phương có những tác động kịp thời giúp các em khắc phục mặc cảm đối với bạn bè và xã hội để hòa nhập lại với cộng đồng. Đặc biệt, các em được hỗ trợ học nghề đến khi thành thạo và tìm được việc làm.
Thông qua dự án, năng lực của đội ngũ tình nguyện viên trẻ em tại các địa phương cũng được nâng cao, góp phần nâng cao chất lượng bảo vệ chăm sóc trẻ em tại cộng đồng.