Đang lúi húi chuẩn bị cơm tối, Minh thấy Bill (con trai cô, 4 tuổi) chạy tới mách: ‘Bạn Béo lại đánh con, còn đấm con một cái vào tay nữa’.
Gần một tháng nay, Minh phát bực khi cu Bill đi mẫu giáo, bị cu Béo (một bạn mới chuyển đến) bắt nạt. Lần đầu tiên, Minh dạy con phải kể ngay với cô giáo nhưng cu Bill mếu máo: “Con kể rồi nhưng cô giáo không nghe”. Nhiều lần sau, vẫn thấy con bị bạn mẫu giáo đánh vào tay, Minh về thật sớm, thay phiên bà nội đi đón con. Cô tìm được cu Béo, nhắc nhở: “Cháu không được đánh bạn Bill nghe chưa?” thì cu cậu không nói gì, còn người ông ngoại đi đón cháu lại nói đỡ: “Bọn trẻ con chơi với nhau là bình thường thôi. Ở lớp đã có cô giáo rồi”.
Không thể lúc nào cũng ở bên cạnh để bảo vệ, Minh muốn dạy con kỹ năng đối phó khi bị bắt nạt nhưng chưa biết làm sao cho hiệu quả. Cô cho biết, nếu tình trạng này còn kéo dài, cô sẽ tìm cách chuyển trường cho con.
Hiên (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng lúng túng vì con gái (3 tuổi) quá hiền, ở lớp mẫu giáo toàn bị bạn cào, cắn, giành đồ chơi. Xót ruột vì có những hôm Hiên đón con về, trên bắp tay con còn hằn vết cắn của bạn ở lớp, Hiên đã nói chuyện với cô giáo của con. Tuy nhiên, tình hình không mấy khả quan.
Dù Hiên đã dạy: “Nếu bị bắt nạt, con phải thưa cô ngay” nhưng bé nhà Hiên lại nói: “Con mách là các bạn đánh con tiếp”. “Dạy cháu đánh lại các bạn thì không ngoan. Cháu cũng hiền và nhát quá. Mình cũng đang nghĩ cách chuyển trường cho con” – Hiên chia sẻ.
Dạy con biết ứng phó
Ngay từ khi còn nhỏ, cha mẹ nên giáo dục cho con đức tính tự lập, tự tin, hòa đồng. Cũng không nên chờ con bị bắt nạt mới trang bị cho bé những kỹ năng cần thiết. Chẳng hạn, có thể hướng dẫn bé, khi bị bạn chơi xấu, hãy nói thật dõng dạc: “Không được đánh tớ”. Sau đó, cần chọn các biện pháp hỗ trợ khác như chạy đi, tìm người giúp đỡ, thưa với cô giáo… Tất nhiên, không dạy bé cam chịu hoặc tấn công lại, chỉ nên dạy bé cách phòng vệ chính đáng.
Nhiều bé bị bắt nạt mà không dám nói ra, vì thế, cha mẹ cần tìm hiểu những dấu hiệu cho thấy bé đang bị đối xử không tốt ở lớp. Nếu bé bỗng dưng quấy khóc, không muốn đi học thì cha mẹ cần kiểm tra nguyên nhân. Nhiều bé trai có thể sợ tắm, sợ đi vệ sinh vì bị bạn mẫu giáo trêu chọc và làm tổn thương vùng kín.
Những dấu hiệu tiềm ẩn khác chứng tỏ bé đang bị “khủng bổ” ở lớp là bé đột nhiên lo lắng, chán ăn, kém ngủ, sợ khi thấy mẹ chuẩn bị đưa đi mẫu giáo…
Khi nghe con kể bị bạn bắt nạt, phụ huynh cần bĩnh tĩnh. Không nên nóng nảy mà nhẹ nhàng hỏi xem có chuyện gì đã xảy ra với con, nhất là tìm hiểu xem bé làm gì để phòng vệ trong tình huống đó. Tránh hăm dọa: “Bạn ấy thật đáng ghét. Mẹ sẽ ‘xử’ bạn ấy” vì như thế, bé không thể tự giải quyết vấn đề của mình. Phụ huynh có thể gặp thầy cô giáo, bố mẹ của “kẻ gây sự” nhưng vẫn cần dạy bé cách phản ứng chính đáng.
Ngoài ra, cũng cần dạy bé tìm hiểu nguyên nhân mình bị bắt nạt để có cách ứng phó. Điều này còn giúp bé tự tin khi đối mặt với những khó khăn khác sau này. Đồng thời, động viên bé kể chuyện với cha mẹ, thầy cô để bé biết, bé không chỉ có một mình.
Theo Mẹ và bé