Cận thị là một tật khúc xạ gây rối loạn chức năng thị giác và chiếm một vị trí đáng kể trong nhóm tật về thị giác, đặc biệt ở học sinh và người lao động trẻ. Người bị cận thị nhìn rõ khi vật gần mắt và nhìn mờ khi vật xa mắt.
Xã hội càng phát triển, trẻ em sớm được tiếp cận với những phương tiện máy móc tiện ích phục vụ việc học tập và nhu cầu giải trí thì số lượng người cận thị ngày càng tăng lên nhanh chóng, đặc biệt gần đây tỷ lệ trẻ em bị cận thị tăng cao, có những em còn rất nhỏ. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có khoảng trên 800 triệu người bị cận thị. Cận thị làm giảm sức nhìn cho con người, gây cản trở, khó khăn trong công việc hàng ngày. Các em học sinh từ 7-16 tuổi rất dễ mắc chứng cận thị, mà độ cận thị tiến triển nhanh do mức độ làm việc nhìn gần bằng mắt nhiều đây là một điều nguy hiểm vì cận thị xuất hiện càng sớm thì mức độ tăng số kính càng nhanh.
Triệu chứng cận thị
Cận thị bẩm sinh thường được phát hiện sơm khi trẻ 1-2 tuổi, cận thị bẩm sinh thường có số kính cao và tăng số nhanh bất bình thường
Cận thị khởi phát ở thiếu niên là cận thị xuất hiện ở trẻ từ 5-6 tuổi, và được phát hiện khi trẻ đến trường. Trẻ em nhìn không rõ mờ khi vật ở xa, không phân biệt hoặc nhầm lẫn nét số và chữ trên bảng, mỏi mắt khi đọc sách, tiến gần khi xem vô tuyến, xem phim.
Cận thị khởi phát ở người lớn xuất hiện ở khoảng 20 tuổi. Công việc nhìn gần nhiều là yếu tố nguy cơ cho sự phát triển cận thị ở tuổi này.
Nguyên nhân phát triển cận thị
Có nhiều nguyên nhân gây phát triển cận thị. Các nguyên nhân chính là:
- Làm việc, nhìn gần bằng mắt nhiều (trong điều kiện ánh sáng thiếu và không được nghỉ ngơi thích hợp).
- Di truyền.
- Thành củng mạc (lớp vỏ nhãn cầu) đàn hồi kém. Cơ địa mắt to hơn bình thường.
- Cơ điều tiết mắt phát triển kém: bẩm sinh, nguyên phát.
Phân loại cận thị
Cận thị có nhiều loại khác nhau.
- Cận thị sinh lý (thường gọi là cận thị học đường): thường xuất hiện ở học sinh phổ thông, cận thị nhẹ hoặc vừa.
- Cận thị bệnh lý (cận thị ác tính, cận thị tiến triển, cận thị thoái hoá) do khúc xạ của giác mạc hoặc thể thuỷ tinh cao hơn bình thường hoặc độ dài trục nhãn cầu phát triển quá mức bình thường, độ cận thị thường trên 6,0 D, số kính cận thị tăng trên 1,0 D/ năm và có tổn hại dịch kính, võng mạc).
Cận thị có thể dược phân chia thành 3 loại sau:
- Cận thị nhẹ < – 3,0D
- Cận thị trung bình – 3,0D đến – 6,0D
- Cận thị nặng > – 6,0D.
Nếu người cận thị có kính cận thị tăng nhanh trên 1,0 D/ năm thì sẽ tiếp tục tăng sau tuổi trưởng thành, có khi tới -20,0 D. Trục nhãn cầu phát triển quá mức dễ gây biến chứng cận thị: giãn lồi võng mạc, xuất huyết võng mạc, dịch kính, thoái hoá , teo hắc võng mạc dẫn đến giảm thị lực trầm trọng gây mù loà.
Điều trị cận thị
Người cận thị nhìn xa rõ khi được chỉnh kính phân kỳ (kính – điốp hay gọi là kính cận thị).
Kính gọng là một trong những biện pháp cần thiết để điều chỉnh tật cận thị. Tuỳ theo mức độ cận thị, bệnh nhân cần đeo kính thường xuyên hay chỉ cần đeo kính khi nhìn xa (các bác sĩ nhãn khoa sẽ tư vấn cụ thể cho từng trường hợp). Nếu bệnh nhân cận thị được chỉnh kính đúng, thích hợp tiến triển cận thị sẽ chậm hơn.
Ngoài kính gọng bệnh nhân có thể dùng kính tiếp xúc, phương pháp này có lợi ích mỹ quan. Tuy nhiên người sử dụng phải đặc biệt thận trọng giữ vệ sinh nếu không sẽ tổn hại đến giác mạc có thể gây viêm hoặc loét giác mạc.
Đeo kính cận thị không thể làm dừng lại mức độ tăng số kính mà nó chỉ có thể điều chỉnh mức độ quang học. Nếu thị lực kém đi và cần tăng số kính cận thị có nghĩa là cận thị tiến triển (độ cận thị năng thêm).
Ngoài việc chỉnh kính, để hạn chế cận thị tiến triển, giữ ổn định số kính cận thị và đề phòng các biến chứng cận thị như xuất huyết dịch kính, võng mạc, bong võng mạc … dẫn đến giảm thị lực trầm trọng, bệnh nhân cần được điều trị bằng một số phương pháp thích hợp làm hạn chế tăng số kính cận thị tiến đến ổn định độ cận thị và đề phòng biến chứng cận thị.
Vật lí trị liệu: tác động làm phục hồi chức năng điều tiết mắt, tăng cường tuần hoàn cơ thể mi, võng mạc, tăng cường trao đổi chất, tăng cường trương lực cơ như : Luyện tập điều tiết trên máy, thuốc tác động lên điều tiết, dùng sóng siêu âm, điện, điện tử, lazer năng lượng thấp.
Phẫu thuật:
- Đối với trẻ em cận thị có số kính tăng nhanh (trên 1,0 điốp/ năm) cần can thiệp phẫu thuật ghép độn củng mạc để hạn chế mức độ tăng số kính và giãn lồi củng mạc.
- Đối với bệnh nhân trên 18 tuổi có độ cận thị ổn định có thể phẫu thuật điều trị cận thị bỏ kính bằng laser excimer (LASIK).
Cận thị tiến triển (tăng số kính) – đây không chỉ là đơn thuần rối loạn chức năng thị giác có thể chỉnh kính mà là một biểu hiện bệnh lý có biến chứng tương đối nguy hiểm. Phương pháp dùng laser hồng ngoại năng lượng thấp có độ dài bứơc sóng 1,3 micromet tác động gián tiếp xuyên qua củng mạc kích thích cơ thể mi kết hợp luyện tập điều tiết trên máy là một trong những phương pháp mới, hiện đại điều trị tiến triển cận thị ở trẻ em dựa trên nguyên lý: Tăng cường tuần hoàn, tăng cường trao đổi chất của cơ điều tiết – đang được áp dụng điều trị tại Bệnh viện Mắt TW.
Đeo kính cận thị không thể làm dừng lại mức độ tăng số kính mà nó chỉ có thể điều chỉnh mức độ quang học. Nếu thị lực kém đi và cần tăng số kính cận thị có nghĩa là cận thị tiến triển (độ cận thị năng thêm).
Theo SKĐS