Bệnh cận thị ở trẻ em đang ngày càng gia tăng và trở thành mối lo ngại của nhiều bậc cha mẹ. Hãy cùng tìm hiểu chứng bệnh này ở trẻ nhỏ và cách thức phòng tránh.
Cận thị là gì?
Tật cận thị là một dạng lỗi khúc xạ ảnh hưởng đến cơ chế hội tụ của mắt. Do nhãn cầu bị dài ra, tia sáng sẽ hội tụ trước võng mạc thay vì ngay võng mạc. Và kết quả của điều này là những vật thể ở gần thì ta sẽ nhìn thấy rõ còn những vật ở xa thì lại mờ.
Nguyên nhân trẻ bị cận thị
- Trẻ thiếu ngủ hoặc ít ngủ: đặc biệt là từ 7 – 9 tuổi và 12 – 14 tuổi, trong khoảng thời gian này nếu trẻ ngủ quá ít hoặc do không đủ thời gian để ngủ vì cha mẹ bắt học quá nhiều rất dễ gây ra cận thị.
- Trẻ sinh ra mà trọng lượng cơ thể quá nhẹ: hầu hết trẻ sinh ra với trọng lượng cơ thể dưới 2,5 kg, đến tuổi thiếu niên đều bị cận thị.
- Trẻ sơ sinh thiếu tháng: trẻ sinh thiếu tháng từ 2 tuần trở lên thường bị cận thị từ khi học vỡ lòng.
- Bố mẹ bị cận thị rất dễ di truyền sang con cái: mức độ di truyền này liên quan mật thiết với mức độ cận thị của bố mẹ. Thông thường bố mẹ bị cận thị dưới 3 đi-ốp thì khả năng di truyền sang con cái rất nhỏ. Nếu bố mẹ bị cận thị từ 6 đi-ốp trở lên thì khả năng di truyền sang con cái là 100%.
- Trẻ xem ti-vi quá gần: nếu như ngày nào trẻ cũng xem ti-vi nhiều hơn 2 giờ, với khoảng cách từ mắt tới ti-vi nhỏ hơn 3m sẽ làm cho thị lực suy giảm rất nhiều. Trong điều kiện như vậy, một số trẻ bị cận thị, một số khác thì không.
Phòng ngừa cận thị ở trẻ em
- Một trong những điều cốt yếu nhất về thị lực là ánh sáng thích hợp. Hãy luôn luôn đảm bảo cho con bạn có ánh sáng tốt khi đọc sách hoặc học tập. Cả ánh sáng quá mạnh lẫn ánh sáng quá mờ đều làm cho mắt trẻ mệt mỏi, cần phải tránh.
- Không để trẻ đọc sách, viết chữ liền trong thời gian dài. Chỉ 1 giờ là phải nghỉ đọc, viết một lát, nhìn ra xa để cho mắt được nghỉ ngơi thư giãn. Cũng không nên xem ti vi 2 – 3 giờ liền.
- Kiểm soát khoảng cách đọc sách và viết chữ của trẻ. Khoảng cách từ mắt đến mặt trang sách, trang giấy cần khoảng 30 – 50cm. Đồng thời phải chú ý đến cả tỷ lệ cao thấp của ghế tựa. Nếu độ cao này không thích hợp, phải điều chỉnh.
- Tư thế ngồi học của trẻ phải ngay ngắn. Khi viết không để đầu trẻ nghiêng ngả hoặc không nằm xem sách, vừa ăn vừa xem sách báo, xem ti vi, hoặc vừa đi vừa xem.
- Cần hình thành thói quen tự giác, kiên trì làm những động tác nhắm mắt, không những làm vào thời gian qui định trên lớp học, mà ngay cả sau những lúc học tập, xem sách đều cần thường xuyên làm.
- Chú ý đến chế độ dinh dưỡng của trẻ. Cho trẻ ăn nhiều các thực phẩm gồm các chất protein và vitamin. Khi học tập căng thẳng, càng phải chú ý bổ sung dinh dưỡng, tăng cường tập luyện thể thao thể dục.
- Giáo dục cho trẻ thói quen giữ gìn đôi mắt sạch sẽ.
- Trẻ em nên được kiểm tra thị lực ít nhất mỗi năm một lần để đảm bảo sự phát triển thích hợp của thị giác.
- Nếu bạn nghi ngờ con mình mắc tật cận thị, hãy kiểm tra thị lực cho con ngay lập tức, để tình trạng không nặng thêm. Thời điểm tốt nhất để kiểm tra thị lực cho trẻ là trước khi bé bắt đầu đến trường. Thị giác và tình trạng mắt mập mờ không được phát hiện có khả năng gây mù trong tương lai, đặc biệt suốt trong những giai đoạn quyết định của sự phát triển mắt, tức là từ 6 – 9 tuổi.
BS. VŨ LONG – SKĐS