Hiện nay, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, nhiều phương pháp điều trị cận thị đã ra đời như các phương pháp phaco lạnh, laser excimer nhưng những phương pháp này có hạn chế nhất định khi sử dụng cho trẻ em.
Để hạn chế quá trình cận thị tăng nặng ở trẻ và có thể chữa khỏi khi bệnh ở giai đoạn sớm, Bệnh viện Mắt Trung ương đã ứng dụng thành công phương pháp dùng laser năng lượng thấp kết hợp tập luyện điều trị cận thị tiến triển cho trẻ.
Điều trị cận thị bằng laser năng lượng thấp.
Cận thị có gây biến chứng không?
Gần đây, bà Tâm thấy cháu nội học lớp 6 có những biểu hiện rất lạ, khi xem tivi thì hay nheo mắt, nghiêng đầu và thích ngồi gần, bà nhắc thế nào cũng không nghe. Ở trên lớp thì cuối năm học lớp 5 vừa qua, cô giáo chủ nhiệm có nhận xét trong học kỳ 2, mặc dù vẫn được học sinh giỏi nhưng sức học của cháu giảm đi, thường xuyên phải chép bài của bạn. Kỳ kiểm tra thử cuối năm còn chép sai đề bài… khiến bà lo lắng. Trong dịp kiểm tra sức khỏe để vào lớp 6, bác sĩ phát hiện cháu nội bà mắc cận thị học đường, độ cận thị là -0,75 điốp.
TS. BS. Nguyễn Thị Minh, Khoa mắt trẻ em – Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết: Cận thị là một tật khúc xạ gây rối loạn chức năng thị giác. Ở trẻ em trong độ tuổi từ 7-16 có độ cận thị tiến triển nhanh do mức độ làm việc nhìn gần bằng mắt nhiều. Đây là một dấu hiệu nguy hiểm vì cận thị xuất hiện càng sớm thì mức độ tăng số kính càng nhanh. Cận thị nếu không được phát hiện sớm và điều chỉnh kịp thời sẽ làm giảm khả năng học tập, ảnh hưởng đến thể chất (trẻ không muốn vận động, ngại chơi thể thao dễ dẫn đến béo phì hoặc suy dinh dưỡng), ảnh hưởng đến tinh thần của trẻ (trẻ có cảm giác tự ti, mất tự tin khi giao tiếp với bạn bè). Ngoài ra, nếu người cận thị có độ cận thị tăng nhanh trên -1,0 điốp/năm thì sẽ tiếp tục tăng sau tuổi trưởng thành, có thể lên đến -20 điốp. Khi đó, trục nhãn cầu phát triển quá mức dễ gây biến chứng cận thị như xuất huyết võng mạc, giãn lồi, thoái hóa, teo hắc võng mạc dẫn đến giảm thị lực trầm trọng gây mù lòa.
Để điều trị cận thị, một phương pháp được ưa chuộng hiện nay là sử dụng kính gọng. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có một số bất lợi cho người sử dụng như vướng víu và đặc biệt, độ cận thị vẫn có thể tăng lên. Khắc phục nhược điểm này, hiện nay người bệnh cận thị có thể được điều trị bằng laser năng lượng thấp và tập luyện để ngăn ngừa độ tiến triển của cận thị với những trường hợp cận thị ở mức vừa và nặng, đồng thời có thể chữa khỏi khi người bệnh ở mức cận thị nhẹ, được phát hiện sớm.
Điều trị cận thị bằng laser năng lượng thấp được thực hiện như thế nào?
TS.BS. Nguyễn Thị Minh – Bệnh viện Mắt Trung ương, người đầu tiên thực hiện thành công phương pháp này ở Việt Nam cho biết: phương pháp dùng laser năng lượng thấp điều trị cận thị là phương pháp sử dụng laser có độ dài bước sóng 1,3 micromet tác động gián tiếp xuyên qua củng mạc kích thích cơ thể mi kết hợp luyện tập điều tiết trên máy dựa trên nguyên tắc tăng cường tuần hoàn, tăng cường trao đổi chất của cơ điều tiết giúp ổn định độ cận thị và ngăn ngừa biến chứng của bệnh.
Khi áp dụng phương pháp này, người bệnh sẽ được điều trị trong thời gian khoảng 10-15 phút/ngày, một ngày có thể điều trị 2 lần, mỗi lần cách nhau ít nhất 30 phút trong vòng 7 ngày. Người bệnh được điều trị ngoại trú, điều trị lại sau 6 tháng trong khoảng 2 năm. Trong và sau điều trị, người bệnh không cảm thấy đau, không có biến chứng và tác dụng phụ. Sau mỗi đợt điều trị, người bệnh sẽ không phải đeo kính hoặc giảm được số kính cận thị, giảm triệu chứng mỏi mắt và tăng cường chức năng điều tiết của mắt. Quan trọng hơn, về lâu dài, người bệnh sẽ ổn định được tình trạng cận thị, hạn chế tăng số kính cận và ngăn ngừa những biến chứng ở mắt do cận thị gây ra.
Phương pháp này có thể áp dụng cho mọi lứa tuổi có độ cận thị từ -0,25 đến -6 điốp, điều trị các triệu chứng mỏi mắt do điều tiết, học, đọc sách, xem vô tuyến, làm việc nhiều bằng mắt, làm việc với máy vi tính. Điều trị triệu chứng do rối loạn chức năng điều tiết ở một số bệnh nhân có tật khúc xạ (đặc biệt những người có loạn thị), lác, rung giật nhãn cầu.
Phương pháp này cũng có thể được áp dụng cho những trường hợp đã phẫu thuật chỉnh tật khúc xạ bằng laser – lasik… Tuy nhiên, sử dụng laser năng lượng thấp kết hợp tập luyện trên máy không được thực hiện với những trường hợp đang có bệnh truyền nhiễm, viêm đường hô hấp, sốt cao, u ác tính, người bệnh có tiền sử đái tháo đường, tăng huyết áp, động kinh, có rối loạn tiền đình.
Nhắc trẻ để ngồi học đúng tư thế tránh cận thị.
Trong và sau điều trị, người bệnh cần chú ý gì?
Theo lời khuyên của bác sĩ, sau khi điều trị và ngay cả trong quá trình điều trị, người bệnh cần thực hiện nghiêm túc những biện pháp bảo vệ mắt và giữ đúng phong cách sinh hoạt, học tập có lợi cho mắt. Cụ thể như ngồi học đúng tư thế, khoảng cách từ mắt đến sách, vở trong khoảng 30- 40cm, học ở nơi đủ ánh sáng, không được nằm đọc sách. Khi làm việc 30 phút với máy tính thì nên cho mắt nghỉ ngơi bằng cách đi lại trong phòng hoặc nhìn ra xa từ 3- 5 phút. Khi xem tivi hoặc video, không nên để mắt làm việc quá sức và phải giữ khoảng cách an toàn, tốt nhất là khoảng 2,5- 3m. Khi tham gia giao thông (trên ô tô, tàu hỏa, tàu thủy…), không nên đọc sách, báo do chuyển động lắc lư gập ghềnh của phương tiện khiến mắt phải điều tiết liên tục gây mỏi.
Theo Sức Khỏe & Đời Sống