Theo thuật ngữ da liễu, chàm gọi là eczema (ecdema). Chàm má thường gặp ở trẻ nhỏ từ 2-3 tháng đến 2-3 tuổi (dân gian gọi là tướt sữa). Mới đầu chỉ là một đám đỏ có vẩy nhỏ hoặc sẩn như hạt kê ở 2 gò má hoặc giữa hai lông mày.
Sau đó có thể do mẹ bôi thuốc không thích hợp hoặc do bé dụi gãi, đám sẩn ngày càng lan rộng ra hai má, trán, cằm, chuyển thành những đám mụn nước bị trợt, chảy dịch, đóng vẩy. Có khi cả đám bị trợt đỏ, rớm nước, bị nhiễm khuẩn thứ phát mưng mủ đóng vẩy tiết nâu. Trường hợp nặng lan cả lên da đầu hoặc rải rác xuống thân mình, chân tay, nổi hạch cổ nách bẹn, phát sốt. Nhiễm khuẩn nặng có thể dẫn tới viêm cầu thận cấp hoặc nhiễm khuẩn máu đe dọa tính mạng. Chàm trẻ em có thể tái phát nhiều đợt kéo dài hằng tháng, hằng năm, lúc tăng lúc giảm. Đến 10-12 tuổi có thể lặn ở má nhưng lại chuyển thành hen hoặc thành chàm đối xứng ở khoeo tay khoeo chân (chàm thể địa).
Nguyên nhân chàm ở trẻ em phức tạp. Có trường hợp là hậu quả của rối loạn tiêu hóa: táo bón, ăn quá bổ, thất thường. Có em do bị dị ứng sữa bò, lòng trắng trứng hoặc một loại đạm nào đó như tôm cua, nhộng, mực. Có em do một bệnh ngoài da khác như ghẻ sẩn ngứa, viêm da mủ, bị chàm hóa thứ phát, hay nổi mẩn ở thân mình và các chi.
Tùy trạng thái tổn thương ướt hay khô, cấp tính hay mạn tính, tùy nguyên nhân, tùy triệu chứng kèm theo (ngứa, hạch, sốt), thầy thuốc chuyên khoa sẽ chỉ định cho dùng thuốc bôi và thuốc toàn thân thích hợp. Thuốc bôi gồm các loại kem mỡ, hồ nước có kháng sinh, corticoid, ôxyt kẽm… Thuốc toàn thân thường gồm kháng sinh, thuốc chống ngứa, chống dị ứng (kháng histamin), nếu cần cả corticoid.
Về phía gia đình, khi phát hiện trẻ bị chàm má phải kịp thời cho trẻ đi khám bệnh ngay, không tự động hoặc nghe mách bảo mà tự bôi thuốc linh tinh: nước hoa, quết trầu, mỡ penicillin, bột sulfamid…. Không nên rửa nước nhiều, chà xát bằng khăn lên tổn thương gây xây xước da, dễ dẫn tới nhiễm khuẩn thứ phát. Theo lời khuyên của thầy thuốc có thể điều chỉnh chế độ ăn của bé như bớt sữa bò, bớt đạm, tăng rau quả tươi, nhưng không nên bắt trẻ kiêng khem quá mức dễ thành suy dinh dưỡng. Trường hợp bị nhiễm khuẩn thứ phát mưng mủ, nổi hạch, phát sốt, nặng mặt, nặng chân, phù nề, càng cần cho trẻ đi khám bệnh sớm và kịp thời xử trí những biến chứng nguy hiểm. Đối với chàm trẻ em, bà mẹ cần xác định kiên trì điều trị lâu dài không thể nôn nóng, nhất là không bao giờ được tự động dùng thuốc.
GS. Nguyễn Xuân Hiền – SKĐS