Chàm và dị ứng da là bệnh thường gặp ở mọi người, mọi lứa tuổi. Ở nhiều người, bệnh thường tái đi, tái lại…
Chàm và dị ứng da: Nhỏ hay lớn tuổi đều dễ gặp…
Chàm thể tạng là 1 bệnh rất hay gặp trong bệnh da. Bệnh được coi như 1 biểu hiện dị ứng của cơ thể và chịu nhiều ảnh hưởng của yếu tố di truyền trong gia đình. Người thân của bệnh nhân cũng hay mắc các bệnh dị ứng như bệnh viêm mủi dị ứng, suyển hoặc mề đay.
Bệnh thường bắt đầu ở trẻ dưới 2 tuổi. Ngay khi mới sinh trẻ có thể đã có ngay biểu hiện khô da, tróc vẫy nhẹ và đôi khi có dầy sừng lỗ chân lông ở mắt duỗi của các chi.
Ở trẻ 3 tháng tuổi, biểu hiện sớm nhất là là các mụn nước li ti, rịn nước và đóng mài trên một nền da đỏ sau đó xuất hiện các vết cào sướt và các vết nứt. Thương tổn thường xuất hiện ở mặt (thường gọi là lác sữa ), ở da đầu và rất ngứa.
Ở trẻ lớn hơn (nhất là trẻ biết đi chập chững), bệnh xuất hiện ở các nếp gấp của tứ chi (như khuỷu tay, nhượng chân).
Tuổi bệnh nhân lớn dần thì thương tổn cũng bắt đầu thay đổi, các mụn nước bắt đầu giảm đi và thay vào đó da càng ngày càng dầy hơn và có màu sậm hơn.
Ở 1 vài vị trí có viêm nhẹ và vì có lớp vẫy bên trong nên ánh nắng không xuyên qua được, không tạo được sắc tố đen nên vùng đó có màu trắng giống như tình trạng lang ben nhưng bờ thì không rõ như lang ben và được gọi là vẫy phấn trắng.
Về cơ chế sinh bệnh, dị ứng với thức ăn và các dị ứng nguyên trong không khí là yếu tố quan trọng nhất. Dị ứng nguyên là từ trong y học để chỉ những chất gây dị ứng. Do đó ta cần tìm hiểu xem các dị ứng nguyên này là những chất gì ?
Dị ứng: Do di truyền?
Như ta đã biết không phải ai cũng bị dị ứng mà chỉ có một số người bị, số còn lại thì không.
Một số công trình nghiên cứu đã chứng minh rằng những người dễ bị dị ứng là do khi sanh ra cha mẹ họ đã truyền cho họ một yếu tố đặc biệt trên 2 vị trí nhiễm sắc thể của họ. Chính do có sự khác biệt này mà họ dễ dị ứng hơn các người khác.
Giữa việc dị ứng với thức ăn và việc dị ứng với các dị ứng nguyên (chất gây dị ứng) trong không khí cũng có sự liên quan với nhau.
Mặc dù người ta chưa biết rõ tại sao nhưng người ta đã ghi nhận rằng ở những trẻ nhỏ nếu lúc xưa đã bị dị ứng với thức ăn thì khi lớn lên chúng lại dễ bị dị ứng với các dị ứng nguyên trong không khí. Thí dụ như nếu trẻ bị dị ứng với trứng gà lúc trẻ được 1 tuổi thì lúc trẻ được 3 tuổi dễ bị dị ứng với các dị ứng nguyên trong không khí.
Các thức ăn nào dễ gây dị ứng nhất :
Mặc dù bất cứ thức ăn nào cũng có thể gây dị ứng nhưng ta cũng cần biết là có 1 số thức ăn dễ gây dị ứng hơn các thức ăn khác.
Đối với trẻ nhỏ, thức ăn mà trẻ có thể dễ bị dị ứng nhất là trứng gà (tỷ lệ bị dị ứng là 48%), kế đến là đậu phộng (21%), tiếp theo là sữa bò (7%). Các loại thức ăn mà có trẻ bị dị ứng có trẻ không là: bột mì, đậu nành và cá (cá nước ngọt, cá biển).
Ở trẻ lớn và ở người lớn thì dễ bị dị ứng với tôm, cua, sò, ốc và đậu phọng, và hột của các loại trái cây. Tuổi càng lớn thì số thức ăn gây dị ứng càng tăng như: dưới 6 tháng tuổi có thể có 2 loại thức ăn gây dị ứng nhưng từ 1 đến 3 tuổi thì có thể có 20 loại thức ăn có thể gây dị ứng.
Ngoài các thức ăn vừa kể trên, một số thức ăn sau đây cũng được ghi nhận là có thể gây dị ứng: dâu tây, cà tô mát, phô mai, chocolat, đồ hộp, súc xích. Tổ yến là một thức ăn quen thuộc của người Trung hoa hiện nay cũng được xem là 1 loại thức ăn dễ gây dị ứng.
Các dị ứng nguyên trong không khí:
Các dị ứng nguyên (chất gây dị ứng) trong không khí thường được chia làm 2 loại: loại trong nhà và loại ngoài đường.
Các dị ứng nguyên ngoài đường:
Ở ngoài đường các dị ứng nguyên thường gặp là các bụi của phấn hoa, của loại cây dương xỉ và bào tử của các loại nấm. Các dị ứng nguyên này có thể gây bệnh dị ứng đường hô hấp xuất hiện theo mùa như bệnh viêm mủi dị ứng. Các nước ôn đới thường gặp tình trạng này.
Các dị ứng nguyên trong nhà:
Các dị ứng nguyên trong nhà thường làcác vật ký sinh có trong bụi như con mạc, ve, bò chét sống nhờ vào các vẫy da của người, của vật các nấm mốc các bụi thường có trong chăn, gối, nệm, khăn trãi giường, tấm thảm và có thể gây dị ứng đường hô hấp như suyển. Các bụi này hiện diện trong nhà quanh năm suốt tháng nên suyển cũng sẽ kéo dài quanh năm. Bụi gây nên bệnh do hít vào hoặc do tiếp xúc qua da.
Ngoài ra, lông chó, lông mèo, gián cũng có thể gây dị ứng nhưng ít hơn loại bụi vừa kể trên.
Những yếu tố nào khác gây kích thích da và làm bệnh nặng hơn?
Có một số chất dễ gây kích thích da nên làm cho bệnh chàm dễ xuất hiện hoặc bệnh chàm đã xuất hiện dễ tăng hơn như: chất len trong quần áo, tấm thảm, chăn, tấm trãi chỗ ngồi, đồ chơi trẻ con, loại vải nylon, vải acrylic, cát, nước có chứa chất chlorine (như nước hồ bơi), xà bông, chất sát trùng. Đối với loại vi trùng tụ cầu vàng thường thấy trên da, ngoài việc gây mủ cho bệnh, còn có vai trò tăng bệnh do cơ chế dị ứng với vi trùng và với độc tố của vi trùng.
Tầm quan trọng cuả các dị ứng nguyên và các chất dễ kích thích trong bệnh chàm ra sao?
Chàm là một bệnh hay tái đi tái lại nhiều lần khiến cho người bệnh rất khổ sở và mong muốn có một phương pháp nào trị dứt hẳn cho đỡ khó chịu.
Như ta vừa trình bày, có rất nhiều dị ứng nguyên cũng như chất kích thích gây nên sự xuất hiện của bệnh chàm. Vậy ngoài thuốc men ra ta cần phải loại bỏ chất gây dị ứng hoặc chất gây kích thích thì bệnh chàm mới không tái phát hoặc lâu tái phát.
Làm sao biết được chất dị ứng nào gây nên bệnh chàm?
Ở các xứ tiên tiến, người ta có 2 loại xét nghiệm để tìm ra dị ứng nguyên gây nên bệnh.
Đó là xét nghiệm máu tìm loại kháng thể đặc hiệu và các thử nghiệm trên da. Xét nghiệm máu vừa đề cập là 1 xét nghiệm cao cấp vì phải phát hiện đúng kháng thể của đúng chất gây ra bệnh chàm. Các thử nghiệm da có thể thực hiện là thử nghiệm châm vào da hay thử nghiệm dán vào da. Đây là các thử nghiệm mà chất được dùng để thử là các chất gây dị ứng được trích tinh ra hoặc để nguyên chất được châm vào da hoặc dán vào da. Tuy nhiên đối với nước ta hiện nay các dị ứng nguyên này rất đắt nên ta chưa thực hiện nổi.
- Trường hợp chàm nhẹ hoặc vừa: thống kê cho biết nguyên nhân thường do dị ứng với các chất tiếp xúc (như dầu thơm, chất kim loại…)
- Trường hợp chàm nặng hoặc khó trị và nhất là có đi kèm với các biểu hiện đường hô hấp: thường do nguyên nhân thức ăn (như trứng, đậu phộng, tôm, cua, cá, đậu nành, men bia …)
- Trường hợp chàm mãn tính có hoặc không có đi kèm với biến chứng đường hô hấp: thường do các dị ứng nguyên trong không khí.
- Trường hợp chàm xuất hiện ở vị trí đầu và cổ: thường do nguyên nhân nấm lang ben hoặc do tiếp xúc với dầu gội đầu, dầu thơm, thuốc bôi ngoài da…
Cần phải làm gì khi tìm ra được dị ứng nguyên?
Để cho việc điều trị được hiệu quả, cần phải loại bỏ các dị ứng nguyên
- Trong các thức ăn (nếu do nguyên nhân thức ăn) bằng cách kiêng các thức ăn đã gây dị ứng.
- Trong không khí (nếu do bụi trong không khí) bằng cách hút sạch bụi nhà cửa, tránh tiếp xúc với chó mèo …
Phòng ngừa bệnh chàm bằng cách nào?
- Đối với trẻ bú bình nếu có cơ địa chàm thể tạng, nên chọn loại sữa đặc biệt ít dị ứng có bán sẵn ngoài thị trường.
- Nếu trẻ bú mẹ, nên tránh cho bú bình thêm hoặc chỉ được thêm loại sữa không gây dị ứng. Người mẹ cho con bú cũng cần kiêng các thức ăn gây dị ứng như đậu phọng, đậu nành, cá, tôm cua, sữa bò, và lòng trắng trứng.
- Ở trẻ có cơ địa chàm thể tạng, việc tập cho ăn các loại thức ăn khác nhau cần thực hiện trễ hơn trẻ bình thường như lúc trẻ được từ 8 đến 12 tháng tuổi mới bắt đầu tập cho ăn lòng trắng trứng (lòng đỏ trứng thì vẫn nên ăn chín đến 1 tuổi), cá, tôm, cua, đậu phọng, một số légume, một số trái cây, bột gạo và bột năng.
- Trẻ chỉ nên có ít đồ chơi loại thú nhồi bông và nên giặt các đồ chơi này thường xuyên.
- Tránh mặc các loại quần áo bằng len.
- Nên mặc các loại vải coton mềm.
- Nên gỡ các marque nằm sau cổ áo để tránh kích thích da.
- Quần áo mới nên giặt trước khi mặc
- Khi tắm nên dùng các loại xà phòng có chứa kem làm mềm da, loại không chứa mùi thơm.
- Sau khi tắm nên dùng thêm kem làm mềm da.
- Phòng ở cần thoáng, sáng và dễ lau dọn.
- Tránh sử dụng thảm.
- Nên vệ sinh phòng ở 1 năm ít nhất 2 lần bằng cách dùng loại thuốc xịt diệt các loại ve, mạc, chấy, rận.
- Không dùng nệm bằng len.
- Tránh dùng gối bằng lông gà, vịt.
- Nên dùng drap giường bằng coton, các tấm trải, bao gối và màn dễ giặt, các đồ chơi hoặc đồ trang trí loại không bắt bụi.
- Không tiếp xúc với chó, mèo, thỏ …
Nói tóm lại, chàm xuất hiện là do vai trò của dị ứng nguyên vì vậy điều trị bệnh không quá chú tâm đến sự hiệu nghiệm của thuốc mà nên cố gắng đoán ra dị ứng nguyên và loại bỏ nó đi thì bệnh mới có thể khỏi và không tái phát.
BS Đặng Hồng Anh – Trưởng khoa Khám bệnh BV Da Liễu TP.HCM
Mỹ Tuyền đã bình luận
da em hay nổi lên những mụn nhỏ va ngứa,chỉ nổi ở đùi bên trái,em đi khám thì bác sĩ kêu bị chàm va cho thuốc uống và thoa,sau đó thì bệnh có bớt đi nhưng ko hết hẳn ,nó vẫn còn nổi nhưng ít,đến bây giờ tình trạng này kéo dài đã 3 năm,dạo này bệnh của em có dấu hiệu bị tái phát lại,nổi nhiều hơn,em phải làm sao bây giờ.
BS. Thanh Hương Meyeucon.org đã bình luận
Bạn nên đi khám BS da liễu để điều trị khi bị tái phát. Nên kết hợp bôi ngoài da và uống thuốc giải độc mát gan theo đông y.
Hoai Thu đã bình luận
Con toi bi man do o vung cam. Ban dau chi co 1 vet dai nhung hom sau thi thay no lan ra ca vung cam. Di kham BS no la viem da. co uong thuoc Ery 250mg va Acezim. Nhu vay la con toi bi lam sao? Huong dieu tri nhu the nao?
BS. Thanh Hương Meyeucon.org đã bình luận
Bạn nên đi khám BS chuyên khoa da liễu vả sử dụng thuốc theo chỉ định của BS. Nếu đã có chổng cẩn phải khám vả điểu trị cả 2 nếu không sẽ bị mắc lại. Có thể là Chàm nấm. Bạn nên chú ý thay giặt quẩn áo thưởng xuyên vả phơi nắng, không nên mặc chật quá vả dủng đổ lót nilon.