Hỏi: Con tôi 3 tuổi nhưng rất yếu, trông cháu quá thấp nhỏ so với trẻ cùng lứa, đi khám thì bác sĩ nói cháu bị còi xương. Mong quý báo cho biết cách phát hiện sớm bệnh còi xương?
Trẻ hay quấy khóc, đổ mồ hôi trộm khi ngủ có thể là dấu hiệu bệnh còi xương
Trả lời: Bệnh còi xương là do trẻ chậm phát triển xương, hay gặp ở trẻ dưới 3 tuổi, vì bị thiếu vitamin D. Bệnh làm cho trẻ bị biến dạng xương như cong vẹo, dễ gãy xương, nứt xương.
Muốn phát hiện sớm bệnh còi xương cần dựa vào các triệu chứng như sau: trẻ quấy khóc, hay đổ mồ hôi khi ngủ (đổ mồ hôi trộm), ngủ luôn bị giật mình; một số cháu đầu như bị to ra so với thân mình. Nếu trẻ nhỏ bị còi xương thì chậm liền thóp. Trẻ chậm mọc răng, dễ bị sún răng, sâu răng. Xương sống của trẻ có thể bị cong vẹo. Xương tay chân cũng dễ bị cong vẹo nên một số trẻ có “chân vòng kiềng”, “chân chữ bát”. Trẻ nhỏ thì chậm biết lẫy, chậm biết đi. Trẻ dưới 2 tuổi dễ bị co giật. Khi thấy trẻ có một hay nhiều triệu chứng nêu trên bạn nên đưa cháu đi khám bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bệnh còi xương chủ yếu được điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Một số thuốc có thể dùng như: vitamin D, canxi gluconat. Nếu trẻ chưa bị còi xương bạn có thể phòng bệnh cho trẻ bằng cách: nên cho trẻ tắm nắng khoảng 30 phút buổi sáng khi mặt trời mới lên hằng ngày. Cho trẻ ăn các loại thực phẩm có nhiều vitamin D như: các loại gan động vật, trứng, bơ, sữa…
BS. Phú Vinh – SKĐS