Một bạn đọc ở TP Hồ Chí Minh kể vài mẩu chuyện có thật về cách nói năng, hành xử của vài đứa trẻ còn rất nhỏ khiến chúng ta không khỏi giật mình lo lắng.
Chuyện rằng có thằng bé mới ba tuổi rất nghịch ngợm và có những trò quậy phá với những biểu hiện chớm nổi loạn nhưng cha mẹ các em lại không nhận ra những nguy cơ tiềm tàng từ những biểu hiện đó.
Chẳng hạn có cậu bé bị cấm đoán trong một trò nghịch phá thì quay sang phá phách bằng hình thức khác. Bị cấm nữa thì nó chống đối bằng cách cầm điện thoại di động của bố và quăng vào tường. Nhiều hôm giận dỗi, nó còn đập bể đồ đạc trước sự ngạc nhiên của người lớn trong nhà.
Một cháu bé khác được ông bà ngoại đã cho uống bia từ lúc ăn dặm. Lúc 3 tuổi nó đã có thể đến quán bia và gọi mấy cô nhân viên ở quán: “Em ơi! bia!”. Có cháu đang học lớp 2 nhưng có cái thú “sưu tầm” các loại muỗng lấy được trong những lần đến quán café sân vườn.
Hiện nay, nhiều bậc phụ huynh coi con cái như “cục vàng” trong nhà, họ chiều theo mọi sở thích của trẻ, ông bà cha mẹ dồn hết cho chúng tất cả mọi sự quan tâm.
Việc nuông chiều con trẻ một cách thái quá không phải là điều tốt; thương con quá đà sẽ biến chúng thành những đứa trẻ ích kỷ, không biết quan tâm đến người khác.
Tâm lý của trẻ là vòi được thứ này sẽ vòi sang thứ khác, đòi được lần này sẽ đòi tiếp lần khác… Nếu bố mẹ không nghiêm khắc, trẻ càng được đà lấn tới, đòi hỏi nhiều hơn. Khi trẻ đã quen với việc đó thì chúng đã trở thành những đứa trẻ khó bảo, ưa sử dụng bạo lực và hay quậy phá.
Như hành vi của em nhỏ học lớp 2 ở trên không chỉ đơn giản là chỉ lấy vài cái muỗng, vài thứ chẳng đáng giá gì ở ngoài quán. Nếu không được nhắc nhở, giáo dục cẩn thận sẽ dẫn đến một thói quen rất xấu đó là thói ăn cắp vặt.
Không phải người lớn nào cũng ý thức được rằng, nuông chiều con cái chính là đang làm hại con chứ không phải thương con.