Hỏi: Con tôi 6 tháng tuổi, nhưng thóp chưa kín, đầu bẹt sau gáy, cháu ngủ ít, hay giật mình và hay bị viêm phổi. Như vậy có phải cháu bị còi xương không? Phòng ngừa như thế nào?
Trả lời: Còi xương không chỉ ảnh hưởng đến hệ xương mà còn ảnh hưởng đến hệ thần kinh, cơ.
Các dấu hiệu sớm của bệnh còi xương là những biểu hiện ở hệ thần kinh: trẻ hay quấy khóc, ngủ không yên giấc, hay giật mình, mồ hôi trộm, rụng tóc phía sau đầu.
Khi bệnh còi xương phát sinh vào lúc trẻ dưới 6 tháng tuổi, những biến đổi đầu tiên của bộ xương là các bờ của thóp lâu liền, xương sọ mềm, đầu dễ méo mó, đầu bẹt phía sau hoặc một bên, chậm mọc răng. Các cơ nhão làm trẻ chậm biết lẫy, bò, ngồi… Nếu không điều trị sớm sẽ dẫn đến lồng ngực biến dạng, gù vẹo cột sống, chân đi vòng kiềng và làm giảm chiều cao sau này. Ở trẻ em gái hẹp khung chậu do còi xương là một dị tật nguy hiểm khi sinh đẻ ở tuổi trưởng thành.
Đặc biệt viêm phổi mạn tính là một trong những biến chứng nghiêm trọng của bệnh còi xương. Còi xương càng nặng, viêm phổi càng hay tái phát. Bạn nên đưa cháu đi khám ở bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng để được tư vấn điều trị càng sớm càng tốt.
Phòng bệnh còi xương chủ yếu bao gồm chế độ ăn uống đầy đủ hợp lý, vệ sinh; cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và kéo dài 2 năm; cho trẻ tắm nắng từ tuần thứ 3 vào các buổi sáng sớm (khoảng 7-8 giờ) (khi tắm nắng nhớ che mắt cho trẻ khỏi chói). Nếu mùa đông có thể muộn hơn hoặc uống thêm vitamin D theo chỉ định của bác sĩ. Các bà mẹ cần nhớ tiêm chủng cho trẻ đầy đủ cũng là biện pháp phòng bệnh còi xương.
BS. Nguyễn Thị Hà