Tổn thương xương khớp tuổi thiếu niên hiện nay là nhóm bệnh rất hay gặp trong thực tế lâm sàng, diễn biến phức tạp, khó nhận biết và nhìn chung vẫn còn gây rất nhiều khó khăn cho các bác sĩ lâm sàng nói chung và các bác sĩ nhi khoa nói riêng trong chẩn đoán, điều trị, theo dõi và tiên lượng bệnh. Trong đó viêm khớp tự phát tuổi thiếu niên là một trong những nhóm bệnh hay gặp nhất.
Đây là nhóm bệnh tự miễn dịch, nguyên nhân chưa rõ ở trẻ em, được định nghĩa là tình trạng viêm khớp mạn tính kéo dài ít nhất 6 tuần, khởi phát bệnh trước 16 tuổi.
Nguyên nhân gây bệnh chưa được rõ ràng, tuy nhiên người ta thống nhất cho rằng bệnh có tính chất tự miễn với tình trạng nhiễm khuẩn làm khởi động một loạt các quá trình trong hệ thống miễn dịch. Bệnh thường khởi phát sau nhiễm virut, Chlamydia mycoplasma, Streptococus, Salmonella, Shigella…
Các thể bệnh viêm khớp tự phát
Thể bệnh hệ thống (systemic arthritis) hay còn gọi là bệnh Still ở trẻ em: chiếm tỷ lệ 10- 15% số ca với các triệu chứng chính là sốt cao, nổi ban màu hồng ở da và viêm khớp. Biểu hiện sốt cao có đỉnh lên tới 39- 40 độ, sau đó tự hạ nhiệt về bình thường, mỗi ngày từ 1 – 2 cơn. Viêm khớp là triệu chứng không nhất thiết phải xuất hiện ngay từ khi mới bị bệnh. Thường tổn thương viêm gặp ở vài khớp vừa và lớn trong đó khớp thường gặp nhất là khớp gối (60%), sau đó đến khớp cổ tay và khớp bàn ngón tay (55%), khớp cổ chân (45%). Viêm khớp có thể đối xứng hoặc không. Triệu chứng nổi ban ở da dạng dát sẩn, màu hồng cá hồi thường xuất hiện quanh các khớp khi sốt cao. Các triệu chứng khác như nổi hạch, gan lách có thể to. Ngoài ra có thể gặp viêm các màng như màng tim, màng phổi, màng bụng. Viêm màng ngoài tim với các biểu hiện như đau ngực, khó thở, xuất hiện trong giai đoạn tiến triển của bệnh, có tràn dịch màng ngoài tim. Viêm màng trong tim và viêm cơ tim hiếm gặp hơn. Về tiến triển của bệnh rất đa dạng, có thể bệnh nhân chỉ bị bệnh trong thời gian ngắn không để lại di chứng nhưng cũng có thể bị di chứng biến dạng khớp nặng.
Viêm một khớp hay vài khớp (Oligoarthritis): đây là thể hay gặp nhất với tỷ lệ khoảng 50% trường hợp, biểu hiện viêm từ 1 – 4 khớp trong 6 tháng đầu bị bệnh. Nếu số khớp viêm không tăng, tức là vẫn dưới hoặc bằng 4 khớp sau 6 tháng đầu mắc bệnh thì xếp vào nhóm viêm khớp dai dẳng. Trong nhóm này tuổi bị bệnh thường khoảng từ 2 -3 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh nam nhiều hơn nữ (nam/ nữ: 5/1), các khớp thường gặp bao gồm khớp gối, cổ chân, khuỷu, cổ tay, các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân; viêm khớp không đối xứng. Có 25 – 50% trường hợp có biểu hiện ở mắt như viêm màng mạch nhỏ, để lại những di chứng nặng nề ở mắt như viêm dính mống mắt, xơ hóa đục giác mạc, đục nhân mắt… Tiên lượng bệnh thường tốt nếu chỉ có tổn thương khớp, khi có tổn thương mắt thì tiên lượng kém.
Viêm nhiều khớp yếu tố dạng thấp âm tính (polyarthritis, RF negative): có thể gặp mọi lứa tuổi, tuy nhiên phổ biến ở trẻ trên 10 tuổi với biểu hiện viêm từ 5 khớp trở lên trong vòng 6 tháng đầu bị bệnh.
Viêm nhiều khớp yếu tố dạng thấp dương tính cũng hay gặp ở trẻ gái trên 10 tuổi, các triệu chứng viêm khớp giống như bệnh viêm khớp dạng thấp ở người lớn, đôi khi có các biểu hiện ngoài khớp như hạt dưới da, viêm mạch. Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh dễ để lại di chứng biến dạng và phá hủy khớp nặng.
Viêm khớp thể viêm nhiều điểm bám tận, thường gặp ở trẻ lớn từ 12 – 16 tuổi, nam nhiều hơn nữ. Triệu chứng viêm khớp chủ yếu ở các khớp ngoại vi như khớp háng, gối, cổ chân hay các khớp nhỏ ở bàn chân thường không đối xứng. Những biểu hiện ở cột sống thường xuất hiện sau khi có biểu hiện viêm các khớp ở chi dưới. Tổn thương ngoài khớp thường gặp ở mắt là viêm mống mắt cấp tính với biểu hiện mắt đỏ và đau. Thể này tiến triển nhanh, dễ dẫn đến dính khớp gây tàn phế.
Viêm khớp vảy nến thường xuất hiện ở lứa tuổi từ 7 – 11 với các biểu hiện ở khớp thường xuất hiện trước khi có các tổn thương ở da. Thường viêm một vài khớp, có thể gặp ở cả khớp lớn và khớp nhỏ, không đối xứng, trong đó khớp gối thường gặp nhất, sau đó đến khớp ngón tay, ngón chân. Tiến triển của thể bệnh này rất đa dạng, có trường hợp những tổn thương khớp rất nhẹ, nhưng cũng có những trường hợp tổn thương khớp nặng gây dính, biến dạng khớp.
Điều trị viêm khớp tự phát thiếu niên
Mục đích của điều trị là kiểm soát tiến triển của bệnh càng sớm càng tốt nhằm hạn chế đến mức tối đa những thương tổn gây phá hủy và biến dạng khớp, tối ưu hóa các vận động khớp nhằm đạt tới chức năng khớp bình thường cho bệnh nhân. Điều trị bao gồm các biện pháp không dùng thuốc, dùng thuốc và điều trị ngoại khoa.
Các biện pháp không dùng thuốc:
Vật lý trị liệu nhằm duy trì đến mức tối đa tầm vận động của khớp, tránh cứng khớp, dính khớp. Có thể dùng các biện pháp như sóng ngắn, tia hồng ngoại, tắm suối khoáng, tập các bài tập phục hồi chức năng vận động khớp… Tuy nhiên trong thời gian đau nhiều có thể tạm thời bất động khớp nhưng cần lựa chọn tư thế sao cho giữ được biên độ vận động lớn nhất.
Cố gắng duy trì các sinh hoạt thường ngày của trẻ như khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động xã hội, học tập ở trường lớp bình thường như những đứa trẻ khác. Tuy nhiên trong những đợt tiến triển nên cho trẻ nghỉ ngơi, chế độ dinh dưỡng tốt và đặc biệt có giấc ngủ đầy đủ.
Các biện pháp dùng thuốc bao gồm 3 nhóm thuốc chính: thuốc giảm đau thông thường, thuốc chống viêm giảm đau và các thuốc điều trị cơ bản tức thuốc tác động vào hệ thống miễn dịch của cơ thể nhằm làm giảm, khống chế quá trình viêm khớp.
Do đặc thù bệnh viêm khớp thiếu niên tự phát khởi phát ở tuổi thiếu niên, tổn thương nhiều vị trí, có thể có những biến chứng ảnh hưởng xấu đến việc học tập, sinh hoạt của trẻ nên việc điều trị cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa như thấp khớp học, nhi khoa, phục hồi chức năng, chuyên gia tâm lý kết hợp với sự chăm sóc của gia đình và hỗ trợ của nhà trường…
ThS. Bùi Hải Bình – SKĐS