U nang buồng trứng có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào ở trẻ em gái. Hầu hết đều là u tế bào mầm, chiếm 80%.
Nguyên nhân gây u nang buồng trứng đến nay vẫn chưa được xác định, nên ở các trẻ em gái chưa đến tuổi dậy thì khi có hiện tượng ra máu âm đạo bất thường, đau bụng đột ngột kèm theo nôn hoặc hay đau râm ran vùng rốn… cần được cha mẹ đặc biệt quan tâm phát hiện và đưa đến viện sớm. U nang buồng trứng ở giai đoạn đầu thường không có triệu chứng gì đặc biệt, chỉ thấy đau râm ran vùng dưới rốn.
Phần lớn những bé gái khi phát hiện có u buồng trứng hay bị đau bụng đột ngột, kèm theo nôn. Khám có thể thấy u vùng hạ vị, một số trường hợp không có hiện tượng đau mà chỉ thấy chướng bụng, đi khám hoặc siêu âm phát hiện ra u buồng trứng. Khi u phát triển sẽ gây chèn ép buồng trứng. U nang buồng trứng hay gây xoắn buồng trứng. Nếu nang dưới 5 cm phải được theo dõi cẩn thận. Khi nang trên 5 cm và trẻ có hiện tượng bí tiểu thì cần phải được mổ cấp cứu ngay để hạn chế xoắn, gây hoại tử buồng trứng. Khoảng 2/3 trường hợp u buồng trứng ở trẻ em gái là u ác. Tuy loại u này ít xâm lấn, nhưng cũng hay gây biến chứng xoắn ruột làm hoại tử buồng trứng. Hầu hết các trường hợp trẻ gái bị ung thư buồng trứng thường có hiện tượng xâm lấn tại vùng chậu. Rất ít trường hợp u ở cả hai buồng trứng. Vì vậy với những trường hợp này nếu cha mẹ biết và đưa con đi viện kịp thời thì việc điều trị đơn giản. Trước khi thực hiện các phương pháp điều trị, bệnh nhân được siêu âm, làm sinh thiết để loại bỏ u limphome. Trường hợp u limphome chỉ cần điều trị bằng thuốc. Nếu là u lành thì cắt bỏ khối u và bảo tồn được buồng trứng. Nếu là u ác, trẻ sẽ được cắt bỏ một bên buồng trứng và vòi trứng( phần phụ) kết hợp với hóa trị nhằm hạn chế tái phát và di căn xa.
Phương pháp phẫu thuật kết hợp bảo tồn hiện là phác đồ điều trị chung của thế giới đối với tất cả những trường hợp bị u buồng trứng ở trẻ em gái. Phương pháp này vừa đảm bảo được khả năng sống, vừa duy trì hoạt động nội tiết và khả năng sinh con trưởng thành.
BS Phạm Hoàng Tuyến