Hỏi: Lúc còn bé tôi bị da khô có vảy, hiện nay tôi đã lấy vợ và sắp có con đầu lòng. Tôi nghe nói, bệnh của tôi có thể di truyền cho con. Xin hỏi điều này có đúng không và nếu bị di truyền thì bệnh của con tôi có điều trị được không?
Trả lời: Qua thư bạn, chúng tôi có thể đoán bạn mắc bệnh da vảy cá và bệnh này có thể di truyền cho con theo gen trội. Nghĩa là mỗi trẻ từ cha mẹ bị bệnh có 50% nguy cơ bị bệnh. Bệnh da vảy cá gặp ở mọi đối tượng, không phân biệt giới tính, chủng tộc, lứa tuổi, tuy nhiên, đối với bệnh da vảy cá bẩm sinh thường gặp ở trẻ nhỏ nhưng vảy cá mắc phải lại thường gặp ở người trưởng thành và là hậu quả của một bệnh nội khoa hoặc do dùng thuốc.
Da vảy cá là hiện tượng da khô, có hình đa giác, bóc nhẹ ở rìa vảy, các vảy này chi chít liền nhau, tập trung thành những mảng lớn, trông giống vảy cá. Vùng da thường bị là mặt duỗi cẳng chân, mặt duỗi cánh tay, da đầu, lưng, ở trẻ em thường thấy ở trán và má, ít gặp ở mặt, phía trước cổ, bụng, mặt gấp cẳng tay, cẳng chân. Các vảy có kích thước từ 1-10mm, có màu sắc từ trắng đến xám hoặc nâu. Vảy sẽ đậm hơn ở những người da sậm màu. Chân thường bị nhiều hơn tay. Các rãnh ở lòng bàn tay và lòng bàn chân thường hằn rõ và nứt khi thời tiết lạnh.
Bệnh da vảy cá thường được điều trị bằng các loại kem làm mềm da, dịu da. Nếu là trẻ nhỏ thì có thể cho trẻ uống thêm từng đợt vitamin tổng hợp và các yếu tố vi chất để tăng cường quá trình tái tạo da. Bạn đã mắc bệnh vảy cá, khi sinh con nên theo dõi sát những thay đổi trên da của trẻ, nếu thấy dấu hiệu bất thường như da khô hơn bình thường (bệnh phát rõ rệt khi bé được 3-12 tháng tuổi), bạn cần đưa trẻ đến chuyên khoa da liễu để được bác sĩ tư vấn cụ thể cách chăm sóc da và biện pháp điều trị.
BS. Trịnh Văn Tùng