Đây là thời gian trẻ làm quen và thích nghi với môi trường bên ngoài. Phổi bắt đầu hoạt động, trẻ có thể tự hấp thu khí oxy và thải khí carbonic. Hệ tuần hoàn của trẻ cũng thích nghi nhanh chóng. Hệ thần kinh, nhất là vỏ não cũng được kiện toàn dần. Sự thích nghi của bộ máy tiêu hóa, gan, thận bắt đầu cùng với bữa ăn đầu tiên của trẻ (sữa mẹ).
Tâm sinh lý chung
Ngay sau khi ra đời, sau động tác khóc và thở, trẻ đã biết bú và đòi bú. Để có đủ năng lượng cần thiết cho hoạt động thích nghi các cơ quan, sữa non của mẹ là thức ăn đầu tiên và lý tưởng nhất. Mặc dù ít về số lượng nhưng chất lượng cao gấp 3 lần sữa mẹ của những ngày sau. Sữa non cung cấp cho trẻ nhiều chất đạm để tăng trọng nhanh, nhiều Globulin IgA và một số chất diệt khuẩn khác để chống nhiễm trùng. Ngoài ra, sữa non còn cung cấp vitamin A đủ để đảm bảo dự trữ lâu dài ở gan. Nhu cầu năng lượng của trẻ sơ sinh là 110Kcal/kg/24 giờ.
Sự gắn bó giữa mẹ và con là mối quan hệ thể xác cũng như về tâm lý giúp trẻ sống còn và phát triển bình thường. Đây cũng là cơ sở của việc hạn chế tách mẹ và con sau sinh. Nếu thực sự cần thiết tách mẹ, nên cho trẻ nằm trên bụng để mẹ ôm ấp sẽ có lợi cho sự phát triển sau này. Lưu ý, trước khi ra đời trẻ và mẹ “là một thể thống nhất”, do đó trẻ sẽ rất cần gần mẹ sau sinh.
Trẻ 1 tuần tuổi
Tử cung là một nơi ấm áp và dễ chịu với trẻ nên cần một thời gian để thích nghi với những khác biệt của môi trường mới như ánh sáng, âm thanh và những cảm giác khác bên ngoài. Chúng ta sẽ khó đoán biết được nhiều về trẻ như trẻ sẽ ngủ bao lâu, lúc nào thức dậy, nằm yên hay cựa quậy…
Trẻ nằm co tròn, như khi còn nằm trong bụng mẹ. Tay trẻ thường nắm chặt, và khi nằm ngửa trẻ không thể nào không nghiêng đầu qua lại. Nếu tay chạm miệng thì trẻ sẽ mút tay. Việc này sẽ làm cho trẻ nín khóc. Sau những ngày đầu sụt cân sinh lý, lúc này trẻ có thể lấy lại cân nặng như lúc mới sinh.
Lúc này, trẻ ngủ trung bình 16 giờ mỗi ngày. Từ xế chiều đến đêm khuya, trẻ thường ngủ dật dờ từng giấc ngủ ngắn. Còn trong những lúc ngủ sâu, trẻ không hay biết mọi việc xung quanh.
Trẻ 2 tuần tuổi
Giai đoạn này thị giác trẻ còn kém. Vì vậy trẻ chỉ có thể trông rõ mặt bạn khi bạn bếhoặc nâng niu. Lúc này, trẻ thường có khuynh hướng nhìn vào lông mày, mái tóc hay đôi môi đang cử động của bạn. Sau 1 tháng, trẻ sẽ thấy thú vị hơn khi nhìn thấy rõ hơn.
Khóc là cách duy nhất trẻ biết để bày tỏ. Nhưng riêng với bạn, bạn có thể sử dụng giọng nói, âm điệu để trao đổi với trẻ.
Trẻ đã nghe giọng nói này trong suốt thời gian nằm trong bụng mẹ. Lúc này, trẻ đã có khả năng nhận ra giọng bạn. Trẻ thích được ôm, nựng, hôn, vỗ về, xoa hay bồng bế.
Trẻ 3 tuần tuổi
Nếu bạn giữ trẻ cách mặt mình ở khoảng cách 15 – 20 cm, trẻ sẽ trông thấy bạn rõ hơn. Trẻ sẽ chăm chú nhìn, nhận ra và mỉm cười với bạn.
Trẻ có một khứu giác nhạy trẻn, có khả năng ghi nhớ và nhận biết được mùi tự nhiên từ cơ thể bạn.
Giai đoạn này, trẻ hay bú và thích bú nhiều hơn. Trẻ cảm thấy an toàn nếu có người luôn ở bên cạnh và làm được nhiều thứ cho trẻ. Khi không có ai chung quanh, một số trẻ tự trấn an bằng cách chơi hay mút các ngón tay.
Trẻ có phản ứng với giọng nói của bạn bằng cách cử động mắt và quay đầu. Trẻ sẽ cảm thấy dễ chịu khi bạn nói chuyện một cách dịu dàng và tỏ ra khó chịu khi to tiếng.
Trẻ 4 tuần tuổi
Nghe, nhìn, nói:
- Trẻ giật mình khi có tiếng động lớn, mắt hướng về nơi có ánh sáng. Nếu giật mình, trẻ sẽ giang rộng cánh tay, các ngón tay và chân.
- Mắt có thể dõi theo một vật đong đưa cách trẻ từ 15–20 cm và di động qua lại.
Tình hình vận động
Trẻ thường nằm ngửa đầu nghiêng về một bên. Nếu để trẻ ngồi, đầu sẽ ngã ra trước và lưng còng lại. Nếu cho trẻ đứng trên một bề mặt cứng và kéo chân xuống, kéo thẳng người, trẻ thường có phản ứng rút chân, co người lại.
Sự khéo léo tay
Hai tay trẻ thường nắm chặt lại. Nếu mở ra và để ngón tay bạn chạm vào lòng bàn tay của trẻ, trẻ sẽ lập tức nắm chặt tay lại.
Quan hệ với môi trường xung quanh:
Trẻ nín khóc khi được bế và trò chuyện. Trẻ sẽ nhìn chăm chú vào mẹ khi được cho bú và trò chuyện.
Trẻ có thể ríu rít bày tỏ cảm xúc, một vài trẻ có thể ré lên hoặc cười. Ở tuổi này, trẻ thích nhìn vào mặt và nói chuyện. Trẻ đặc biệt bị lôi cuốn với cách nói chuyện với âm sắc cao, dông dài. Điều này thật sự dạy cho trẻ nhiều về cấu trúc và chức năng của tiếng mẹ đẻ.
Tham đã bình luận
Bác si oj c0n e được 1 tháng rồi. Lúc đc 3 tuần bé bị ngạt mũi nhẹ. Tới gjờ bé vẫn chưa khỏi. Thỉng thoảng còn ho. E xin hỏi bác sĩ bé có được uốg thuốc không? Có hại ko?