Tụi trẻ truyền nhau, kẹo mút phát sáng có thể phát nổ nếu biết cách làm. Nhờ phát hiện này, kẹo ma thêm sức hút với đám trẻ nhỏ. Kẹo càng bán đắt, lợi nhuận thương lái cao, sức khoẻ trẻ em càng bị đe doạ trong khi cơ quan quản lý cũng chỉ dừng lại ở phạt hành chính!
Thêm một “phát minh” của giới trẻ
Tối nào cậu con trai của chị bạn tôi cũng mê mải chơi với những que phát sáng. Tôi giật mình khi nghe câu chuyện hồn nhiên của con trẻ. Mấy anh lớn hơn ở trường con còn bảo, que này phát nổ được như pháo vui lắm! Theo sự mô tả của đám trẻ, nếu khi bẻ, lắc đi, lắc lại cho vào bóng tối thì phát sáng, một thứ ánh sáng lung linh, huyền ảo nhưng nếu ném vào chậu nước thì nó sẽ phát nổ. Chúng tôi cũng chưa thử “phát minh” này nhưng theo con trai của chị bạn thì việc làm phát nổ phải kỳ công lắm. Không phải ai cũng làm được đâu, trình cao thì mới thực hiện được. Vậy là, bọn trẻ cứ ra công mua kẹo, ăn kẹo để phát nổ nhằm khẳng định trình độ cao hơn đứa khác.
Chúng tôi đem câu chuyện của con trẻ hỏi ông Tường (Viện Hoá học) về hiện tượng phát nổ, ông cho biết: Hoá chất sử dụng phát quang có nhiều loại. Tuỳ từng chất mà mức độ độc hại khác nhau. Việc trong kẹo mút phát sáng có chất phản quang thì phải phân tích cụ thể nó là hoạt chất gì mới khẳng định sự ảnh hưởng đến sức khoẻ như thế nào. ông Tường hẹn phóng viên ĐS &PL mang kẹo đến, có điều kiện ông sẽ phân tích thành phần hóa chất của chất lỏng phát sáng trong que kẹo. Tuy nhiên, ông Tường cũng đưa ra một khuyến cáo: Chất tạo sự phát quang cùng một chất nhưng ở nồng độ khác nhau thì độc tố cũng khác, cho nên phụ huynh cần thận trọng khi cho con chơi với các chất này. Hơn nữa, ông Tường bày tỏ sự lo ngại khi đám trẻ tìm cách cho hoá chất này phát nổ. Bởi lẽ, trong thí nghiệm hoá học, để tạo ra phản ứng, các nhà chuyên môn phải am hiểu hoạt chất đó, lường trước được diễn biến của phản ứng. Với đám trẻ, đây lại là một trò chơi tự phát, mức độ nguy hiểm từ cháy nổ là không thể lường hết.
Các chuyên gia hoá học đều cho rằng, những chiếc vòng cổ hay đồ chơi lung linh đủ màu trong các hội chợ phát sáng được là do phản ứng hoá học của sự phát quang sinh học, giống như cơ chế phát sáng của đom đóm trong thiên nhiên. Trong những cái ống nhựa, xảy ra phản ứng oxy hoá tương tự như trong quá trình cháy, nhưng các hoá chất có liên quan (gọi là luciferins) phát ra ánh sáng nhiều hơn là nhiệt. Khi chất hoá học thích hợp được trộn với thuốc nhuộm tóc (hydrogen peroxide), nó sinh ra các phân tử CO2 kép – một hợp chất có tên gọi là dioxetane dione. Hợp chất này phản ứng trước sự có mặt của chất huỳnh quang fluorescer, hay hoá chất phát sáng, sinh ra ánh sáng và CO2. Phản ứng có thể tiếp tục cho tới khi tất cả các thành phần có hoạt tính đã bị sử dụng hết.
Trẻ em thích tò mò, thích khám phá, loại kẹo mút phát sáng này đánh trúng tâm lý đó nên khiến nhiều em “lâm nạn nghiện”. Chúng chẳng cần quan tâm loại kẹo ấy có tốt cho sức khoẻ không, nguồn gốc từ đâu ra. Hấp dẫn mới là tiêu chí số 1 cho sự lựa chọn.
“Chẳng ai quan tâm đâu!”
Theo những người bạn Trung Quốc, sản xuất kẹo ma rất đơn giản, không cần dây chuyền công nghệ gì mà ngay trong gia đình cũng có thể làm thủ công. Chúng tôi đi tìm nguyên liệu để làm kẹo.
Tới chợ Đồng Xuân, với lời hỏi mua nguyên liệu để làm bánh kẹo, chúng tôi nhận được khá nhiều lời mời chào, với đủ loại như: đường hoá học, tinh dầu tạo hương vị, bột tạo màu, tạo mùi. Một chủ hàng tên Hương bật mí: “Bột tạo màu, tạo mùi chủ yếu là hàng ngoại nhập. Trong chế biến thực phẩm chỉ cần dùng một ít là sản phẩm có được màu sắc bắt mắt và hương vị như ý ngay”. Nhưng khi chủ hàng lấy một gói bột màu còn nguyên cho chúng tôi xem thì trên bao bì chỉ có duy nhất dòng chữ Product of Thailand, còn lại toàn tiếng Thái, không ai hiểu nổi. Chủ hàng cho biết thêm, đây là loại chuẩn nhất để chế biến thực phẩm, chứ ở nơi khác là phẩm màu công nghiệp, có khi độc chết người…
Chưa dừng lại ở đó, khi chúng tôi đề nghị mua ít nguyên liệu của Trung Quốc về làm cho rẻ, chủ hàng đưa ra một bịch nửa cân kẹo mút phát sáng toàn tiếng Trung Quốc, với giá chưa đầy 20.000 đồng và thủng thẳng nói: “Giời ạ, tốn công làm gì cho mệt. Cứ lấy loại kẹo này, ngon, hình thức bắt mắt, dễ bán lại có thể để bao lâu cũng được…”. Thấy chúng tôi tỏ vẻ lo ngại về việc mua bán công khai, lộ liễu thế này, sợ… quản lý thị trường thì chủ hàng xua tay: “Chẳng ai quan tâm đâu! “. Nghe vậy, tôi trộm nghĩ “ai ăn…nấy chịu”!
Tuy nhiên, cũng có trường hợp sản phẩm được đóng gói có nhãn mác, hạn dùng, tên đơn vị sản xuất cụ thể, nhưng để trưng bày hàng đẹp mắt, tiểu thương cho vào từng túi nilon nhỏ hơn. Do vậy, những thông tin cơ bản về xuất xứ sản phẩm đã không còn nữa, thay vào đó là dòng chữ nhỏ ghi tên và giá mặt hàng, khiến người tiêu dùng nghĩ rằng đây là hàng trôi nổi, không đảm bảo chất lượng.
Về vấn đề quản lý, xử lý vi phạm với những người kinh doanh loại kẹo phát sáng này, ông Ngô Công Huấn, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội kiêm Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 cho biết: Kẹo mút phát sáng không có trong danh mục hàng cấm và phải chờ xét nghiệm mới xác minh được mức độ độc hại. Lực lượng quản lý thị trường chỉ quy kẹo phát sáng là hàng nhập ngoại không có hóa đơn chứng từ. Tuy nhiên, hiện chúng tôi cũng chưa bắt được vụ nhập lậu kẹo phát sáng nào. ông Huấn cho biết, mới đây, Đội Quản lý thị trường số 2 thu giữ gần 1 tấn bánh kẹo, ô mai tại cửa chợ Đồng Xuân (Hàng Khoai). Số hàng trên có nguồn gốc từ Trung Quốc, không có hoá đơn chứng từ và chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. ông Huấn nói, nhiều tấn hàng bánh kẹo không nguồn gốc đó bị các lực lượng chức năng kiểm tra và bắt giữ cũng không có chủ hàng ra nhận hoặc xuất trình giấy tờ, hoặc chịu nộp phạt.