Bé ra đời mang theo cả một niềm hạnh phúc to lớn cho gia đình, sự phát triển của bé luôn được mọi người dõi theo và gửi gắm hi vọng. Hãy cùng Meyeucon tìm hiểu thêm về sự phát triển của trẻ trong năm đầu đời nhé.
1. Bé sơ sinh
Những tuần lễ đầu tiên
Sau nhiều tháng được sống trong môi trường yên tĩnh và an toàn trong bụng mẹ, những tuần lễ đầu tiên là thời gian để bé yêu làm quen với thế giới bên ngoài đầy mới mẻ và thú vị!
Cho bé bú
Dù bạn cho bé bú sữa mẹ hay bú bình thì bé sơ sinh vẫn cần tiếp nhận đầy đủ các dưỡng chất cần thiết từ sữa để tăng trưởng và phát triển.
Phản xạ tự nhiên
Ngay khi chào đời, bé đã có các phản xạ tự nhiên. Các phản xạ này sẽ được duy trì cho đến khi thị lực của bé phát triển hơn và các cơ của bé chắc khỏe hơn. Đến lúc đó, bé sẽ nắm chặt bất cứ thứ gì bạn đặt vào tay bé, bé sẽ mút bất cứ thứ gì mềm có trong miệng của mình. Và nếu có vật gì lướt nhẹ qua má của bé, bé sẽ quay về phía đó ngay.
Giao tiếp
Chẳng có gì ngạc nhiên khi phương tiện giao tiếp duy nhất của bé lúc này là khóc! Bằng cách đáp ứng các nhu cầu của bé thật nhanh và chính xác, bạn đã nói với bé rằng bé được quan tâm và lắng nghe, và bạn đem đến cho bé cảm giác an toàn và yên ổn. Dần dần, chỉ cần nghe tiếng khóc là bạn có thể hiểu được tại sao bé khóc.
Thị lực
Thị lực của bé sơ sinh không rõ ràng, bé chỉ có thể nhìn thấy các vật cách bé từ 20 – 25 cm, xấp xỉ khoảng cách từ mặt bạn đến gương mặt bé khi bạn cho bé bú hoặc lúc bạn bế bé thật gần. Sau 4 – 6 tháng, thị lực của bé sẽ phát triển hoàn toàn và bé có thể nhận biết được các màu sắc.
Bạn có biết?
Dạ dày của em bé mới sinh chỉ có kích cỡ bằng một chén đựng trứng. Do đó, không có gì là ngạc nhiên khi em bé cần bú ít một và thường xuyên.
Mát-xa cho bé
Mát-xa là cách tuyệt vời giúp bé thư giãn và thắt chặt tình mẫu tử. Hầu hết các bé đều thích thú khi được mát-xa. Đừng quá lo nếu bạn mát-xa chưa đúng cách, hãy tin vào bản năng của người làm mẹ. Bạn hãy bắt đầu bằng cách mát-xa nhẹ nhàng và ấn từng chút một. Bé sẽ phản ứng lại nếu cảm thấy không thoải mái. Thường thường thì bé sẽ ngủ luôn trong khi bạn mát-xa và bé sẽ ngủ rất ngon giấc sau khi được mát-xa. Vì thế bạn hãy mát-xa cho bé trước khi cho bé ngủ hoặc ngay sau khi tắm bé xong.
Bạn chỉ nên sử dụng dầu thực vật như dầu ô-liu hoặc dầu hướng dương để mát-xa cho bé vì những loại dầu này an toàn với làn da mỏng manh của bé và hoàn toàn không độc hại trong trường hợp bé ăn phải.
2. Bé 1 tháng tuổi
Chỉ sau 1 tháng, bạn đã nhìn thấy sự khác biệt rõ rệt của bé, bé khỏe mạnh hơn và phát triển hơn. Bây giờ bé đã có thể tập trung vào bạn và thậm chí có thể phản ứng lại những âm thanh như tiếng chuông rung. Ở giai đoạn này, hầu hết những người lần đầu tiên làm mẹ có rất nhiều câu hỏi như liệu bé đã bú đủ chưa, bé có ngủ ít quá không, hay bé có khóc nhiều quá không…
Từ bé sơ sinh trở thành em bé
Bé bắt đầu mất dần diện mạo lúc mới sinh, mặc dù chân của bé vẫn còn hơi co lại. Em bé đã có thể ngóc đầu lên khi nằm sấp. Bé vẫn còn phản xạ nắm chặt bất cứ thứ gì được đặt vào tay của bé và đây là một trong những phản xạ tự nhiên mà bé đã có từ lúc mới chào đời.
Cho bé bú
Vào khoảng 6 tuần tuổi, rất nhiều bé trải qua giai đoạn lớn phổng lên, điều này có nghĩa là bé bú nhiều hơn trong vài ngày. Chế độ cho bú bạn từng áp dụng không còn phù hợp nữa. Bạn nên biết điều này để tăng tầng suất cữ bú, sau đó để thói quen bú của bé ổn định trở lại sau vài ngày.
Giao tiếp
Khóc là cách giao tiếp chủ yếu của bé. Tuy nhiên, bé cũng có thể lầm rầm hoặc o e thành tiếng để biểu lộ sự hài lòng.
Thị lực
Lúc 1 tháng tuổi, thị lực của bé vẫn còn đang phát triển giúp bé ngày càng nhìn rõ hơn và xa hơn nhưng vẫn còn hạn chế. Lúc này bé đặc biệt bị thu hút bởi 2 thứ: gương mặt của mẹ và bất cứ vật gì chuyển động.
Sự gần gũi sẽ thắt chặt tình cảm
Em bé thích gần gũi mẹ, vì thế bạn hãy luôn âu yếm, vỗ về và mát-xa cho bé như những tuần đầu tiên để thắt chặt hơn nữa tình mẫu tử. Bạn hãy bế bé thật gần, cưng nựng bé thường xuyên để bé luôn cảm thấy được yêu thương.
3. Bé 2 tháng tuổi
Thật tuyệt khi bé đã bắt đầu nhận biết được bạn là ai. Sang tháng thứ 2, giọng nói của bạn là âm thanh quen thuộc mà bé dễ nhận biết nhất, và bạn cũng bắt đầu hiểu em bé thích gì và không thích gì. Bạn có thể nhận ra rằng bé có thể thức lâu hơn, vào 2 tháng tuổi một số bé có thể thức đến 10 tiếng một ngày
Em bé đã nhận biết được bạn là mẹ
Vào thời điểm này bé đã nhận biết được bạn là mẹ của bé và bé rất thích được bạn ôm ấp, dỗ dành, và bé sẽ khóc nếu người lạ bế bé. Em bé sẽ quơ tay khi được khuyến khích và bé đã biết tự chơi một mình bằng cách mút các ngón tay.
Cho bé bú
Khi cho bé bú, bạn sẽ gặp một số rắc rối thường xảy ra ở trẻ. Đau bụng là một trong những vấn đề khá phổ biến xảy ra với khá nhiều bé, cứ 4 em bé sẽ có 1 bé bị đau bụng khi bú. Bạn đừng quá lo lắng, đau bụng rất nhanh khỏi, tuy nhiên sẽ không dễ dàng gì khi hàng ngày bạn phải nghe bé khóc suốt. Để biết các mẹo hay về việc xoa dịu bé khi bé bị đau bụng, hãy tham khảo các bài viết của chúng tôi về bé đau bụng.
Bé tập ngóc đầu
Lên 2 tháng tuổi, cơ thể của bé đang tiếp tục duỗi thẳng ra. Chẳng mấy chốc bé sẽ biết nằm sấp và giữ đầu ngóc lên trong vài phút.
Bạn có biết
Cơ thể bé phát triển ở phần đầu trước rồi mới đến chân. Đầu tiên là cơ cổ cứng cáp hơn để đỡ đầu của bé, tiếp đến là vai, ngực và lưng. Chân của bé là bộ phận phát triển sau cùng.
Giao tiếp
Mặc dù em bé sẽ không nói được từ nào trong năm đầu đời, nhưng thực ra bé đã học được cách giao tiếp rồi. Giọng nói của mẹ là âm thanh bé yêu thích nhất. Và theo bản năng, khi bé nghe được bất kỳ giọng nói nào, bé sẽ o e đáp lại.
Khám phá bàn tay mình
Khi phản xạ nắm chặt tay theo bản năng giảm bớt, bé sẽ rất thích thú với đôi tay mới phát hiện ra của mình, và sẽ sử dụng chúng để khám phá những đồ vật mới.
4. Bé 3 tháng tuổi
Vào tháng thứ 3, bé đã biết tập trung hơn và đã biết cách thể hiện bản thân. Vì thế, lúc này là thời gian lý tưởng để khuyến khích bé thật nhiều. Các cơ của bé đã cứng cáp hơn, nên phản xạ cầm nắm đồ vật đã trở nên dễ dàng đối với bé. Bây giờ bạn đã có thể nghe được những âm thanh tíu tít từ cái miệng nhỏ xinh cùng cánh tay luôn vẫy vẫy đầy hào hứng của bé. Và bạn cũng có thể nghe thấy bé cười thành tiếng rồi.
Bé có thể ngóc cao đầu
Lúc này, cơ thể của bé đã hoàn toàn duỗi thẳng, em bé có thể ngóc cao đầu dậy, thẳng hàng với thân người và bắt đầu dùng tay để nâng nửa thân người trên. Bé rất hào hứng luyện tập với đôi bàn tay mình: bé bắt đầu duỗi tay, với lấy các đồ vật, mặc dù có thể bé chưa lấy được chúng.
Cho bé bú
Bây giờ, em bé sẽ bú nhiều hơn và đang trong giai đoạn lớn phổng lên, nên bạn đừng cho bé ăn dặm lúc này. Sữa mẹ vẫn luôn là nguồn cung cấp dưỡng chất tốt nhất cho bé cho đến khi bé được 6 tháng tuổi.
Giao tiếp
Bé sẽ sớm bắt đầu phát ra những âm thanh bi bô bập bẹ. Các âm thanh này thường có xu hướng bắt đầu bằng những chữ cái p, b và m, được phát ra từ môi của bé. Do đó không có gì là bất ngờ khi các từ “ba ba”, “mẹ mẹ” là những từ bé nói đầu tiên.
Các giác quan của bé
Bé sẽ giật mình hoặc khóc khi nghe tiếng động mạnh nhưng giọng nói của bạn luôn là âm thanh êm ái nhất có thể dỗ dành bé nín ngay. Lúc này, em bé rất tò mò về những gì diễn ra xung quanh mình và bé sẽ sử dụng tất cả mọi giác quan có thể để khám phá thế giới xung quanh.
Khuyến khích cơ thể và trí tuệ bé phát triển
Đây là thời điểm lý tưởng để bạn treo một đồ chơi có thể chuyển động, có nhiều màu sắc phía trên cũi vừa tầm với của bé. Những màu sắc sống động, vui mắt, tiếng kêu leng keng của chuông gió sẽ kích thích em bé 3 tháng tuổi. Bé sẽ nhanh chóng phát hiện ra rằng, chạm vào các vật này sẽ tạo ra tiếng động và làm chúng chuyển động. Đây là cách tuyệt vời để bé phối hợp tay và mắt.
Bạn có biết
Âu yếm, vuốt ve là cách tuyệt vời nhất để bạn giao tiếp với bé yêu. Nó tạo cho bé cảm giác an toàn, yên ổn và có cảm giác được giao tiếp với chính bạn và thế giới xung quanh. Điều này cũng giúp bạn gắn bó với bé hơn.
5. Bé 4-6 tháng tuổi
Vào giai đoạn này, em bé thực sự bắt đầu phát triển nhanh chóng. Bé đã có thể ngồi dựa được và đã có thể gọi “ba” được rồi! Lúc này, bé rất hòa đồng, thích kết bạn và thích thu hút sự chú ý của mọi người khi bé muốn. Hãy hạnh phúc đón nhận tiếng cười trẻ thơ và tiếng gọi “ba” của bé, bạn nhé!
Bé đã sẵn sàng ngồi dậy
Loáng một cái đã mấy tháng trôi qua, dường như mới hôm qua đây thôi bé còn là một bé sơ sinh, vậy mà giờ đây bé đã sắp tự ngồi được rồi. Bạn đã, đang và sẽ chứng kiến hàng loạt những phát triển đầy thú vị của bé yêu qua từng cột mốc thời gian. Tay, thân trên và cổ của bé đã hoàn toàn cứng cáp và bé sắp tự mình ngồi thẳng dậy được rồi!
Cho bé ăn
Vào giai đoạn này, bạn bắt đầu nghĩ đến việc tập cho bé làm quen với các thức ăn đặc hơn ngoài sữa. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia, bạn không nên cho bé ăn dặm trước 6 tháng tuổi! Việc tập cho bé làm quen với các thức ăn đặc khác ngoài sữa giúp cơ hàm bé phát triển hơn, hỗ trợ cho bé tập nói sau này cũng như giúp bé làm quen với các món ăn và mùi vị thức ăn mới. Bạn cũng có thể muốn xem xét đến việc sử dụng sữa công thức nếu như bạn không có điều kiện cho con bú sữa mẹ như một giải pháp để bổ sung các dưỡng chất cần thiết khi bé được hơn 6 tháng tuổi.
Em bé linh hoạt hơn
Dần dần, bé đã kiểm soát thân trên của mình chắc chắn hơn và có thể tự ngồi vững vàng. Giai đoạn này bạn sẽ nhận thấy các múi cơ ở cổ, vai và ngực của em bé đã phát triển hơn.
Bé trở nên nhanh nhẹn và hoạt bát hơn, bạn sẽ thấy bé ngọ nguậy rất nhiều khi bạn thay tã cho bé. Bạn nên đặt chiếu hoặc nệm trên sàn nhà để thay tã cho bé và không nên để bé một mình quá lâu.
Hãy dành chút thời gian chơi cùng bé trên sàn nhà. Đặt bé nằm sấp và khuyến khích bé với lấy đồ chơi ngoài tầm tay của bé một chút. Điều này giúp bé tập lăn trên sàn nhà và giúp các cơ chắc khỏe hơn.
Phản xạ cầm nắm và thị lực của bé
Bé đã khám phá cách sử dụng đôi bàn tay của mình và đã biết phối hợp nhịp nhàng giữa bàn tay và các ngón tay bằng việc cầm nắm đồ chơi và ôm bình sữa bằng hai tay để bú. Từ giờ trở đi, phản xạ cầm nắm tự nhiên đã chuyển thành các động tác bằng tay có kiểm soát. Bé đã biết tìm hiểu vật lạ bằng cách dùng tay lúc lắc đồ vật, chứ không chỉ còn dùng miệng để mút.
Một thay đổi thú vị khác là bé có thể nhìn xa hơn và tập trung tốt hơn. Vì vậy thế giới xung quanh trở thành một nơi đầy màu sắc và thú vị đối với bé. Em bé đã có thể tóm lấy tóc và kính đeo mắt của bạn. Từ 4 tháng tuổi, bé có thể với tay xa hơn, đến tận ngón chân của bé. Và bé rất thích tóm lấy ngón chân đưa vào miệng để mút!
Nếu bạn cho bé bú bình, bạn có thể tập cho bé tự cầm bình bằng hai tay để bú, điều này giúp bé có cơ hội thực hành tốt hơn đôi tay của mình và bạn cũng có nhiều thời gian hơn cho những công việc khác.
Bạn có biết
Bé sơ sinh bẩm sinh đã thích đồ ăn ngọt, do vậy những loại rau củ quả có vị ngọt tự nhiên như cà rốt, bí ngô, lê, táo và chuối đều là những thứ bé thích ăn ngay từ đầu.
Bé tìm hiểu về giọng nói của mình
Giai đoạn này là lúc em bé bắt đầu tìm hiểu giọng nói thực sự của mình. Bé bật ra các âm thanh thành tiếng bất cứ khi nào bé bập bẹ. Bạn sẽ nghe em bé gọi “mẹ”, “ba” một thời gian, trước khi bạn có thể nghe em bé gọi “mẹ” cùng với tên riêng của bạn. Ở thời điểm này, đó là những âm thanh thú vị mà em bé muốn tạo ra.
Âm thanh rõ nhất bạn nghe từ bé là tiếng cười thành tiếng rõ to. Hãy thử chọc léc em bé nhẹ nhàng để thư giãn cùng những tràng cười vui vẻ của bé. Có thể bạn hơi ngạc nhiên, nhưng sự thực là lúc này bạn càng nói chuyện nhiều với bé yêu, bạn càng giúp bé phát triển khả năng nói tốt hơn.
Học hỏi
Bạn có thể làm nhiều thứ để giúp bé học các kỹ năng mới. Mặc dù bé không thể trả lời bạn bằng cách nói, nhưng bạn hãy cười nói với bé càng nhiều càng tốt vì điều này giúp khả năng nói của bé phát triển nhanh hơn.
Ôm một hộp nhựa có chứa một ít gạo hoặc đồ ăn trong đó sẽ giúp bé thực hành cách sử dụng bàn tay và các ngón tay của mình, đồng thời âm thanh phát ra từ hộp gạo sẽ kích thích bé, khiến bé thấy bất ngờ và thích thú!
Thời gian tắm cũng trở nên vui nhộn hơn khi bé hiểu ra rằng khi bé đập tay đập chân trong nước bé sẽ tạo ra điều gì đó, ví dụ như làm nước bắn tung tóe lên! Điều này làm bé vô cùng thích thú. Nhưng bạn đừng quên chuẩn bị khăn tắm sẵn sàng để lau khô người bé ngay khi tắm xong nhé!
6. Bé 7-9 tháng tuổi
Từ 7-9 tháng tuổi, bé bắt đầu quan tâm đến mọi thứ thậm chí cả đến việc bé không nên làm. Vì thế, bạn cần làm là luôn giữ bé trong tầm kiểm soát an toàn và tránh xa những gì có thể gây hại đến bé. Bé đã biết thể hiện bản thân, quyết đoán hơn và biết thể hiện sự yêu thích của mình đối với một số đồ chơi và thức ăn.
Đến lúc bé khám phá ngôi nhà của mình!
Khi bé yêu được 7 tháng tuổi, bé trở nên nhanh nhẹn hơn và cần nhiều không gian hơn để di chuyển, chơi đùa và khám phá. Bé bắt đầu thích tìm kiếm đồ vật, cầm lên rồi lại vứt xuống, bé có thể chơi mãi trò này không biết chán. Bằng cách khám phá này, bé tạo ra cho bạn vô số công việc phải dọn dẹp và có thể gây ra những tình huống bất ngờ không hay. Vì thế, bạn phải đảm bảo cho bé không gian chơi thoáng đãng và thật sự an toàn.
Cho bé ăn
Giai đoạn này bạn có thể cho em bé thử làm quen với một số mùi vị và thức ăn mới. Mùi vị mới sẽ làm bé thích thú với thức ăn hơn. Bạn cũng có thể xem xét đến việc sử dụng sữa công thức nếu như bạn không có điều kiện cho con bú sữa mẹ như một giải pháp để bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho bé trong giai đoạn ăn dặm này.
Để khuyến khích và tạo lập thói quen tốt cho bé khi ăn uống, bạn hãy cho bé ăn vào một giờ nhất định trong ngày và cho bé ngồi vào chiếc ghế ăn của riêng mình. Bạn có thể tìm hiểu thêm các mẹo hay trong giai đoạn tập cho bé ăn dặm tại đây.
Bạn hãy để ý đến dấu hiệu giao tiếp không lời của bé, nếu bé muốn ăn bốc, bạn hãy làm cho bé vài món để bé có thể tự bốc ăn bằng tay, hãy tạo cho bé cảm giác thoải mái khi ăn, và như thế, bé có thể ăn nhiều hơn. Mặt khác, việc khuyến khích bé nhai sẽ giúp rèn luyện các cơ hàm và miệng để bé nói tốt hơn sau này.
Sẵn sàng vui chơi nhé!
Đến thời điểm này, em bé đã có thể làm đủ trò, nếu em bé không thích bò, bạn cũng đừng lo lắng. Em bé có thể thích lê la bằng mông hơn, và có bé lại thích lê mông thụt lùi!
Hãy biến ngôi nhà của bạn thành một sân chơi vui nhộn và an toàn cho bé. Hãy dùng nệm, chăn và gối tạo ra các chướng ngại vật để bé bò qua và bò xung quanh. Việc này giúp kích thích bản năng khám phá của bé, đồng thời giúp các cơ của bé được chắc khỏe hơn.
Giờ đây, chân của em bé đã đủ khỏe để nâng đỡ trọng lượng của cơ thể. Bé thường xuyên nhảy dựng lên khi được bế. Bé làm được điều này là do não điều khiển các chuyển động và do “kỹ năng vận động” của bé đã hoàn thiện hơn. Bé đã hoàn toàn kiểm soát được cổ, vai, ngực và lưng dưới, bây giờ đến lượt thân dưới, tay và chân.
Thân trên của bé đã hoàn toàn chắc khỏe để bé có thể tự ngồi dậy vững vàng mà không cần được trợ giúp. Vì thế bạn hãy để bé ngồi vào chiếc ghế ăn của riêng mình và cùng tham gia vào bữa ăn của cả gia đình.
Bạn có biết?
Ban đầu bé có thể từ chối ăn các thức ăn lổn nhổn, vì thế bạn cần phải cho bé ăn thử một vài lần trước khi bé chấp nhận kiểu và mùi vị thức ăn mới.
Sự phối hợp và nhận thức
Bạn đừng lo lắng nếu lúc này em bé liên tục đánh rơi và ném các đồ vật xuống đất. Vì em bé mới học được cách thả đồ vật từ tay mình rơi xuống và bé rất thích thú thực hành kỹ năng mới này. Giai đoạn này bé cũng bắt đầu biết lo lắng và sợ hãi khi bạn rời xa bé dù chỉ là trong tích tắc thôi.
Tuân thủ đều đặn các thói quen hàng ngày có thể giúp xoa dịu sự sợ hãi của bé, cho dù đó chỉ đơn giản là việc đưa cho bé một bình sữa khi bé mới thức giấc. Hãy tạo lập các thói quen và làm mọi việc nằm trong sự dự đoán của bé để bé có cảm giác an toàn.
Việc chơi trò trốn tìm với bé cũng giúp bé giảm bớt sự sợ hãi mỗi khi bạn rời xa bé. Em bé chẳng bao giờ biết chán với trò chơi “ú òa” thậm chí khi bạn đã chán ngấy với trò này. Bạn hãy thử giấu một thứ đồ chơi yêu thích của bé và bảo bé đi tìm nó.
Nói bập bẹ và sử dụng từ ngữ
Lúc này em bé đã hình thành một chút cá tính. Em bé đã nhận ra tên mình và bé sẽ quay xung quanh tìm khi bạn gọi tên bé dù bé chưa biết nói. Những từ bập bẹ ngẫu nhiên của bé có thể nghe giống như các từ khi bé lập lại các âm thanh mà bé đã nắm vững.
Bây giờ khi bé nói tiếng “mẹ” hoặc “ba” tức là bé muốn nói đến 2 người rất đặc biệt trong cuộc sống của mình mặc dù bé luôn làm bạn rối tung cả lên. Em bé không hề ngại ngùng khi biểu lộ ý kiến của mình bằng cách bập bẹ, cười to hay kêu ré, la ó. Em bé đã hiểu khi bạn nói từ “không”, mặc dù không phải lúc nào bé cũng làm theo bạn.
Học hỏi
Khi bạn đọc sách cho bé nghe, bé luôn muốn học hỏi để tham gia cùng bạn, ví dụ như lật trang sách cho bạn, chăm chú lắng nghe và dõi theo các bức tranh nhiều màu sắc. Nhưng bé cần phải có thời gian để liên kết các bức tranh với những gì bạn đọc. Trong giai đoạn này, sách nói về động vật rất thú vị để bé học hỏi từ mới.
Môi trường bên trong và bên ngoài căn nhà cũng trở nên thú vị với bé. Ví dụ như bò dưới gầm bàn, mở và đóng cửa, nhìn ra ngoài cửa sổ và gọi tên những gì bé nhìn thấy cũng đều kích thích khả năng khám phá của bé.
7. Bé 10-11 tháng tuổi
Những từ đầu tiên và những bước đi đầu tiên của bé là cột mốc vô cùng đặc biệt đối với bé và cả gia đình bạn. Thể chất và tinh thần của bé yêu đã phát triển rất nhiều. Với sự khích lệ của bạn và thông qua các trò chơi, sự tự tin của bé cũng sẽ hình thành và phát triển hơn. Giao tiếp qua lại đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nhờ giao tiếp, bé hiểu rằng những gì bé nói và làm sẽ ảnh hưởng đến những điều khác. Vì thế, bạn hãy tham gia trò chơi giao tiếp cùng bé
Những bước đi đầu tiên và những từ đầu tiên
Bé yêu sẽ sớm nói được những từ đầu tiên và sẽ chập chững bước những bước đi đầu tiên mà không cần quá nhiều sự trợ giúp của bạn. Sự thay đổi từ lúc bé biết bò đến lúc bé chập chững đi và bé biết nói quả là có rất nhiều điều thú vị. Bạn nên chuẩn bị sẵn một máy quay phim để có thể ghi lại những khoảnh khắc đổi thay diệu kỳ đầu tiên của bé vào những lúc bất ngờ nhất!
Cho bé ăn
Giờ đây em bé vô cùng nhanh nhẹn, hoạt bát và cũng rất hiếu kỳ. Nhu cầu dinh dưỡng của bé đang thay đổi, em bé cần thêm năng lượng để duy trì hoạt động cho cả ngày. Tuy nhiên, dạ dày của em bé còn rất nhỏ, nên em bé cần thêm các bữa ăn phụ để bổ sung năng lượng và dưỡng chất cho các hoạt động của cơ thể.
Thức ăn trong giai đoạn bé tăng trưởng cần phải chuẩn bị sẵn sàng và chu đáo, bạn cần lưu ý xem nấu cho bé món ăn gì và tổ chức cho bé ăn ra sao để có thể khuyến khích bé tham gia hăng hái vào các bữa ăn. Dù bé có làm bừa bộn trong các bữa ăn đi chăng nữa, thì bạn hãy tiếp tục khích lệ bé ăn bằng tay hoặc bằng muỗng (thìa), uống nước bằng ly (cốc) để khuyến khích bé phát triển tính tự lập. Lúc này, bé bắt đầu biết tự hào về những gì bé làm được, nên việc khen ngợi, khuyến khích các nỗ lực của bé sẽ giúp bé tự tin vào bản thân hơn.
Đứng bằng hai chân
Các động tác bò của bé trong những tháng qua đã giúp chân bé chắc khỏe lên rất nhiều. Bây giờ bé đã có thể tự mình vịn ghế đứng lên mà không cần sự trợ giúp.
Bé bắt đầu có thể bước đi những bước đi đầu tiên khi vịn vào tay bạn, vào đồ đạc hay tường nhà. Nhưng nếu lúc này bé yêu của bạn chưa bước được những bước đi đầu tiên, bạn cũng đừng quá lo lắng vì mỗi bé phát triển theo một tốc độ khác nhau.
Mặc dù bé vẫn còn bước đi loạng choạng, nhưng không gì có thể ngăn được “nhà thám hiểm” tí hon tìm tòi và khám phá căn nhà của mình với sự trợ giúp của bất cứ thứ gì hay bất cứ ai tình cờ ở gần bé.
Bạn có biết?
Bây giờ bé bắt đầu cảm thấy tự hào vì những gì bé làm được. Khuyến khích bé càng nhiều bạn càng giúp bé phát triển sự tự tin hơn.
Khả năng kiểm soát và phối hợp nhịp nhàng
Thật ngạc nhiên khi bé có thể tự chơi rất lâu với một trò rất đơn giản như bỏ đồ chơi vào thùng, rồi lại đổ ra, rồi lại bỏ vào và cứ thế lặp đi lặp lại. Điều này chứng tỏ bé hoàn toàn kiểm soát được bàn tay và ngón tay của mình.
Bé cũng rất hứng thú với các trò chơi “nguyên nhân & kết quả”, ví dụ như trò quay dây cót để xe chuyển động, trò này giúp bé phối hợp tay và mắt nhịp nhàng hơn.
Giờ đây bé có thể cầm muỗng (thìa) khá thành thạo để tự ăn, tuy nhiên bé vẫn còn làm thức ăn vương vãi ra ngoài, vì thế bạn hãy để sẵn một khăn lau bên cạnh bé nhé!
Những từ đầu tiên của bé yêu
Thời gian này bạn sẽ có những kỷ niệm đáng nhớ với những từ đầu tiên bé nói. Những từ này không hoàn toàn tròn vành rõ chữ như bạn mong đợi, nhưng rất đáng yêu và đáng nhớ!
Trước đây có thể bạn đã nghe những từ bé nói rời rạc và đơn lẻ, ví dụ như “mẹ”, “ba”, nhưng bây giờ bé đã biết liên kết giữa các từ này với đồ vật hoặc người lại với nhau để tạo thành cụm từ đơn giản có nghĩa thực sự, ví dụ như “mẹ Hoa”.
Học hỏi
Hiện tại bé vẫn tự đi loanh quanh nhà bằng cách vịn vào đồ vật như thành giường, ghế, bàn…, bé vẫn chưa tự tin để tự đi mà không cần vịn. Vì thế, khi bé đã đứng thật vững trên hai chân, bạn hãy khuyến khích bé tự đi vài bước nhỏ bằng cách đứng xa bé ra một chút và giơ tay đón bé để bé đi về phía bạn. Bạn nhớ dành cho bé lời khen tặng với nỗ lực của bé nhé, đặc biệt là khi bé có thể tự đi đến chỗ bạn mà không bị ngã!
PHƯƠNG HỒNG đã bình luận
Hỏi: Trẻ không tự ngồi
xin chương trình tư vấn giùm tôi. con trai tôi đã tròn một tuổi ,nhưng bé không thể tự ngồi được ,lúc 10tháng tuổi bé có lẫy nhưng rồi lại thôi cho đến bây giờ bé không tự ngồi được ,nếu em đặt bé ngồi lên thì bé vẫn ngồi chơi bình thường nhưng ngồi một lúc mỏi lưng bé lại không tự nàm xuống lại. xin tư vấn giìum em?
Meyeucon.org đã bình luận
Trả lời: Lý do bé không tự ngồi được
Chào bạn Phương Hồng , bạn hãy kiểm tra xem đầu bé có to hơn ngực, bụng không? Chân tay bé nhỏ hơn các trẻ cùng lứa tuổi không? Bố mẹ và mọi người xung quanh có quá chiều bé và luôn trực chờ giúp đỡ bé không? Nếu có thì nên thay đổi lại cách dạy bé.
Nếu có vấn đề dinh dưỡng thì nên đưa bé tới Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia (phố Tăng Bạt Hổ) để được khám, đánh giá tình trạng phát triển của bé và tư vấn trực tiếp về dinh dưỡng.
Cũng có trường hợp trẻ không phát triển được do một số vấn đề về hệ thần kinh chậm phát triển (do ảnh hưởng xấu trong quá trình mang thai), do vậy bạn phải đưa cháu đi khám để tìm rõ nguyên nhân và có biện pháp trị liệu.
Chúc bé mạnh khỏe!