Trong những ngày gần đây, thông tin “kẹo mút phát sáng có chất gây ung thư” đang xôn xao dư luận. Tuy nhiên, tại thị trường Hà Nội, tình trạng bán hàng rong trước cổng trường, công viên vẫn thản nhiên “tung hoành” với nhiều đồ chơi, đồ ăn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại, mà người thiệt thòi đầu tiên là trẻ nhỏ…
Hàng rong vô tư bán
Tại công viên thiếu nhi trên phố Nhuệ Giang (quận Hà Đông), các vị phụ huynh nô nức đưa trẻ tới vui chơi, hầu như các bé khi tới cổng công viên này đều “dán mắt” vào những hàng rong bán đồ chơi, đồ ăn với những màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng… rất bắt mắt.
Chị Hà Thu (ở phường La Khê – Hà Đông) đang mua đồ chơi cho con chia sẻ: “Được buổi nghỉ, tôi đưa các cháu tới đây vui chơi, cháu thích chơi gì, ăn gì thì mua thôi…, suốt cả tuần phó mặc các cháu ở lớp mẫu giáo rồi”. Điều đáng nói là khi hỏi chị Thu về việc thông tin về kẹo phát sáng có chất độc thì chị lại không hề hay biết.
Dạo qua công viên Thống Nhất, rạp xiếc Trung ương trên đường Trần Nhân Tông; khu vực này hàng rong lại bán rất “chuyên nghiệp”, hàng đồ chơi, hàng đồ ăn, được bày bán riêng biệt.
Ngay trước cổng, có đến 4 hàng đồ chơi bao gồm đủ thứ: Hộp thổi bong bóng, súng điện, siêu nhân, kèn điện tử phát sáng…, đi vào phía sâu bên trong là “quầy hàng” của các bà, các chị với những mẹt, thúng kê tạm trên chiếc kệ gỗ với những que kẹo mút, bim bim…
Tại công viên Thủ Lệ, ngùn ngụt người đổ về vườn thú, đặc biệt là trẻ em. Với 3 cổng vào đều được án ngữ bởi những xe, gánh hàng rong với đồ chơi, đồ ăn lạ lẫm, thu hút sự tò mò và thích thú của nhiều em nhỏ từ các vùng quê tới.
Các bậc phụ huynh vẫn lơ là trong việc chọn đồ ăn, đồ chơi cho trẻ. |
Các bậc cha, mẹ lơ là…
Chị bán hàng rong cầm trên tay 2 chiếc kiếm nhựa khua khua, tay kia cầm chiếc súng nhựa với những tiếng đạn và đèn nhấp nháy rít lên liên hồi, các bé đều hướng mắt tới. Được mẹ cho đi xem xiếc, nhưng khi tới cổng rạp xiếc, bé Hồng Quân, bé Quân (4 tuổi) nhà ở Vĩnh Hồ (phường Thịnh Quang – Đống Đa) cứ nằng nặc đòi mẹ mua cho súng điện vì “ở nhà anh trai có 3 khẩu súng điện, nhưng không cho chơi”. Chị Hồng – mẹ bé Quân – chia sẻ: “Hai đứa con trai 4 tuổi, 6 tuổi đứa nào cũng thích súng với kiếm”.
Chỉ bỏ ra 2 ngàn đồng, chị Hoa (Khương Trung -Thanh Xuân) đã mua cho con một lọ thổi bong bóng rất bắt mắt, lọ keo trông giống như keo dán, có mùi hắc nồng, tuy nhiên bóng thổi ra rất to, bay cao và khó vỡ. Trên thực tế, loại trò chơi này đã có nhiều trẻ em chơi bị bay vào mắt phải nhập viện. Khi được hỏi về sự nguy hại của đồ chơi, đồ ăn từ các hàng rong, chị Hoa nói: “Chiều con thì mua, với lại nó rẻ tiền, chúng chỉ chơi một lúc là chán là vứt đi nên chẳng vấn đề gì đâu mà lo”.
Tại một điểm học thêm ở khu tập thể Vĩnh Hồ (phường Thịnh Quang – Đống Đa) qua trao đổi, một vị phụ huynh học sinh cho biết: “Hằng ngày, vội công việc nên có đưa cho các cháu tiền quà sáng, chẳng biết chúng ăn quà vặt gì, thôi thì thích ăn gì thì chúng mua vậy”…
Được biết, để nhằm giảm các rủi ro do đồ chơi gây nên, Bộ Khoa học và Công nghệ hướng đến việc ban hành quy chuẩn đồ chơi trẻ em. Theo bộ, kể từ 15.4.2010, đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước, nhập khẩu chỉ được bán trên thị trường khi đã được chứng nhận phù hợp với các tiêu chuẩn về an toàn, chẳng hạn về độ pH hay hàm lượng chất độc hại formaldehyt.
Tuy nhiên, vấn đề đang đặt ra hiện nay là, tình trạng hàng rong hiện bày bán một cách tràn lan mà cơ quan chức năng không có sự kiểm soát chặt chẽ. Liệu ai sẽ đảm bảo rằng trong những thứ đồ ăn, đồ chơi không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ sẽ nguy hại đối với trẻ nhỏ như thế nào?
———————-
TS Nguyễn Công Khẩn – Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm – cho biết, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã tiến hành xét nghiệm và phát hiện trong que cầm của kẹo phát sáng có hai chất, đó là phtalate dung môi kết hợp với poly aromatic hydrocacbon (PAH). Khi hai chất này trộn vào nhau có thêm hiện tượng ôxy hóa, tạo ra năng lượng phát sáng trên thân cây kẹo.
Đáng nguy hại là chất PHA là một chất chỉ dùng trong công nghiệp pha sơn, sẽ cực độc với cơ thể người là nguyên nhân gây ung thư, đột biến gen. TS Nguyễn Công Khẩn còn khuyến cáo, hiện nay có nhiều loại đồ chơi trẻ em có cho chất phát sáng giống như chất phát sáng trong que kẹo đã bị cấm sử dụng tại nhiều nước. Vì trẻ em khi chơi thường cho vào mồm ngậm, nhai khi đó các chất hóa học dù vô cơ hay hữu cơ đi vào cơ thể sẽ gây độc hại.
Tại VN những loại đồ chơi phát sáng được bán rộng rãi, các bậc cha mẹ không biết sự nguy hại vẫn mua cho con sử dụng.
Theo Báo Lao Động