“Mình nhớ cho con bú thật nhiều sữa để con không khóc vì đói, không bị suy dinh dưỡng và không ốm đau. Con vừa được hơn một tháng tuổi thôi, mình đừng cho con uống nước hay ăn cháo, ăn cơm, nhé. Vì con còn nhỏ lắm, cơm cháo không tốt cho con bằng sữa mẹ. Cho con bú, mình bế con như thế này… là con bú được nhiều sữa”.
Sau khi ân cần dặn dò một người mẹ trẻ ở thôn Chênh Vênh về cách nuôi con bằng sữa mẹ, nữ hộ sinh Ma Thị Ất trở về Trạm Y tế xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) và bắt tay khám bệnh cho một số phụ nữ và trẻ em tại trạm.
Chứng kiến một buổi làm việc của nữ hộ sinh này, chúng tôi hiểu thêm tâm sức mà các cán bộ y tế xã ở miền tây của tỉnh Quảng Trị đối với sức khỏe của đồng bào, đối với ngành y và nghề thầy thuốc mà họ gắn bó. Trong từng ngày đã qua và đang đến, họ chăm sóc sức khỏe của những em thơ, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con nhỏ và người già, người bệnh bằng chính sự thôi thúc của niềm mong muốn người nào cũng khỏe mạnh, gia đình nào cũng không có người ốm đau. Và, đây đó trên quê nhà Quảng Trị, các y, bác sĩ, nữ hộ sinh tận tâm như thế đã trở thành người mẹ, người cha thứ hai của nhiều em nhỏ, trẻ sơ sinh…
Làm theo lời Bác Hồ dạy là phòng bệnh hơn chữa bệnh, các cán bộ của Trung tâm Y tế Ða Krông luôn chủ động, tích cực kiểm tra, giám sát tình hình dịch tễ ở mỗi thôn, bản trong toàn huyện. Họ miệt mài xét nghiệm tìm ký sinh trùng sốt rét, tìm tòi phương pháp tư vấn dinh dưỡng phù hợp và hiệu quả đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn và truyền thông về các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, bệnh sốt rét, ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy cấp, cúm A(H1N1), HIV… Ðể rồi, niềm vui tràn đầy khi trong cộng đồng và ở các trạm y tế xã và bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh ít hẳn bệnh nhân sốt rét, số trẻ em được bú sữa mẹ và được hưởng các bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng ngày một nhiều hơn. Trong mỗi tiệc cưới hay mỗi dịp lễ, Tết không có người nào bị ngộ độc thức ăn, bị tiêu chảy cấp do ăn uống mất vệ sinh và thực phẩm bị ô nhiễm, cũng như ngày càng nhiều người biết cách phòng, tránh lây nhiễm căn bệnh HIV… Tại đây, một trẻ nhỏ tám tháng tuổi đến từ xã Húc và một bé trai mười một tháng tuổi đến từ xã Tân Thành bị bệnh tiêu chảy, một thanh niên ở xã A Túc bị viêm phổi đều được bác sĩ ra y lệnh điều trị, chăm sóc hợp lý. Phần lớn bệnh nhân nội trú ở Bệnh viện Ða khoa Hướng Hóa là người dân tộc Pa Cô, Vân Kiều. Họ đã được khám, chữa bệnh bởi chính những bác sĩ luôn coi người bệnh đau ốm như chính mình đau ốm và những điều dưỡng viên luôn chăm sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình. Và, một trong những điển hình của việc làm ấy là điều dưỡng Nguyễn Thị Lan ở khoa Nội nhi lây của bệnh viện.
Khi những tấm lòng thương yêu người bệnh bện chặt với nhau, Bệnh viện Ða khoa (BVÐK) Hướng Hóa thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh với hiệu quả chuyên môn ngày càng cao và phù hợp điều kiện, nhu cầu của nhân dân trên địa bàn. Từ thực tế hằng năm phải thường xuyên chuyển lên bệnh viện tuyến trên những trường hợp đẻ khó hoặc bệnh nặng, Bệnh viện đã tập trung xây dựng và hoàn thiện đơn vị cấp cứu và chăm sóc sản khoa toàn diện, đồng thời triển khai nhiều kỹ thuật hiện đại như phẫu thuật nội soi, điều trị tim mạch tích cực. Tiếp nhận sự chuyển giao kỹ thuật của BVÐK tỉnh, Bệnh viện Trung ương-Huế, từ năm 2007 đến nay, BVÐK Hướng Hóa đã phẫu thuật thành công 53 ca mổ đẻ, gần 400 ca mổ kết hợp xương, viêm ruột thừa, thai ngoài tử cung, đục thủy tinh thể, cắt tử cung bán phần do u xơ tử cung, sỏi bàng quang… Với khả năng này, Bệnh viện đã giảm dần số người bệnh phải chuyển tuyến trên và người bệnh nghèo, bệnh nhân là người Pa Cô, Vân Kiều giảm phần lo lắng, đỡ tốn kém về thời gian, tiền bạc mỗi khi ốm, đau. Về chuyên môn, đây là bước đột phá rất quan trọng, một tiến bộ rất đáng ghi nhận của Bệnh viện và lợi ích từ bước đột phá, sự tiến bộ này thuộc về người bệnh là cán bộ và nhân dân huyện nhà. Trao đổi về những thay đổi tích cực của Bệnh viện trong thời gian gần đây, bác sĩ Văn Thanh- Giám đốc BVÐK Hướng Hóa khẳng định, một trong những động lực chính là toàn thể y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên của Bệnh viện quyết tâm làm theo lời Bác Hồ dạy về y đức và làm theo tấm gương đạo đức vì nhân dân phục vụ của Người.
Ðội ngũ thầy thuốc của tỉnh Quảng Trị đã và đang bồi dưỡng y đức, học tập nâng cao y thuật, hoàn thành nhiệm vụ điều trị và chăm sóc sức khỏe của đồng bào. Vậy nên, các y, bác sĩ của BVÐK khu vực Triệu Hải, BVÐK tỉnh, BVÐK 9 huyện, thị, thành phố ngày đêm ra sức đẩy lùi bệnh tật bằng những bài thuốc hay, kỹ thuật tốt, thái độ phục vụ dần bớt gây phiền lòng với người bệnh. Các thầy thuốc đã trích tiền lương của mình đóng góp quỹ “Nồi cháo vì người bệnh nghèo”. Ghi nhớ lời Bác Hồ dạy “Lương y phải như từ mẫu”, các y, bác sĩ của BVÐK tỉnh tận tâm cứu sống một bệnh nhân ngộ độc thuốc trừ sâu không rõ tên, tuổi, quê quán; kỹ thuật viên gây mê Trần Quốc Toản và nữ điều dưỡng Cao Thị Thu Hằng ở Bệnh viện Ða khoa khu vực Triệu Hải tình nguyện hiến máu cứu sống nhiều người bệnh; kỹ thuật viên Nguyễn Minh Thắng ở Bệnh viện Ða khoa Vĩnh Linh đã tìm cách cải tiến thành công đèn pha ô-tô thay thế đèn tiêu điểm của máy chụp X-quang với các chỉ số kỹ thuật tương thích, đạt chuẩn, đem lại lợi ích cho đơn vị và người bệnh… Từ họ, việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã trở thành một phong trào thi đua mạnh mẽ và chính phong trào này đã thôi thúc Ðảng ủy Sở Y tế tỉnh Quảng Trị tiếp tục động viên, khuyến khích cán bộ, nhân viên trong toàn ngành thực hiện những việc làm ý nghĩa ấy trong suốt thời gian làm nghề y, công tác trong ngành y.
Còn rất nhiều cá nhân và tập thể là điển hình trong Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong ngành y tế tỉnh Quảng Trị mà bài viết này không thể nêu một cách đầy đủ. Nhưng, chắc chắn rằng, nhân dân Quảng Trị ở miền xuôi hay miền ngược đều biết rõ và ghi nhận công sức, tấm lòng của những lương y như từ mẫu. Ðó là những y, bác sĩ tích cực và chủ động giám sát dịch tễ, phát hiện và, khống chế, dập tắt dịch bệnh ở cộng đồng, những kỹ thuật viên tiến hành từng xét nghiệm tìm ký sinh trùng sốt rét, tác nhân gây bệnh tiêu chảy, bệnh cúm, thực phẩm gây ngộ độc, là những hộ lý làm sạch từng phòng khám, buồng bệnh, khuôn viên bệnh viện, là những y, bác sĩ, nữ hộ sinh ở các trạm y tế bên bờ biển xa xôi, giữa thôn thưa bản vắng tận núi rừng A Bung, Hướng Linh… heo hút.