Mẹ Yêu Con ORG

Mẹ tròn - Con vuông

  • Home
  • Mẹ mang thai
  • Chăm sóc bé
  • Giáo dục trẻ
  • Góc tư vấn
  • Sức Khỏe Phụ Nữ
  • Làm đẹp
  • Tin tức

Cẩn trọng với u nguyên bào võng mạc ở trẻ

Theo các bác sĩ chuyên khoa mắt, 70% trẻ mắc bệnh tập trung ở 2-3 tuổi. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, không những mắt bị hỏng mà tính mạng cũng bị đe dọa.

90% bệnh nhân nhập viện muộn

Nhìn gương mặt đáng yêu của Nguyễn Tiến Thành, ai cũng xót xa cho cậu bé mới 3 tuổi đã mắc bệnh u nguyên bào võng mạc. Đầu năm 2010, gia đình phát hiện ra bé (lúc bấy giờ 2,5 tuổi) có đốm trắng đục ở con ngươi mắt trái, nên đưa bé đi chữa trị nhiều nơi nhưng tình hình không thuyên giảm. Sau đó, Thành được đưa vào Khoa Nhi (Bệnh viện TƯ Huế) khám trong tình trạng nhức đầu, buồn nôn và mắt trái sưng to, đau. Tại đây, sau khi xét nghiệm lâm sàng, các bác sĩ cho biết bé bị u nguyên bào võng mạc và tiến hành mổ khoét nhãn cầu. Sau 1 thời gian ngắn điều trị tại Khoa, Thành được đưa về nhà. Bé khoẻ mạnh trở lại, lên cân, sinh hoạt bình thường như những đứa trẻ khác.

U nguyên bào võng mạc là bệnh ác tính hay gặp nhất về mắt ở trẻ em.

Dù đã được bác sĩ khuyên phải vào điều trị hoá trị sớm nhưng vì gia đình khó khăn, thấy bé bình thường nên chủ quan. Một lần nữa, Thành lại nhập viện và được chuyển đến khoa Ung – Bướu (Bệnh viện TƯ Huế). Các bác sĩ cho biết: Khối u đã lấp đầy toàn bộ hốc mắt khiến mắt bé đã lồi ra ngoài.

Nằm cạnh giường bệnh của Thành là em Nguyễn Đức Thiện. Thiện năm nay 10 tuổi, vào viện được 3 tháng. Chị Võ Thị Diễn – mẹ em kể lại: Cách đây 3 năm, Thiện có kêu mắt cháu mờ. Quan sát mắt con thấy đồng tử trắng, mắt hơi lé, nhưng tôi nghĩ chắc cháu bị tật, bắt chước các bạn; cháu không kêu đau nhức nên gia đình cũng không để ý.

Mãi đến gần đây, khi thị lực của con trai kém hẳn, kèm theo đau nhức, chị mới lặn lội từ Quảng Trị đưa cháu đến đây khám. Khi nghe bác sĩ kết luận Thiện bị u nguyên bào võng mạc thể nặng, chị đã ân hận vô cùng khi không đưa cháu đi chữa trị sớm hơn. Thiện đã được khoét bỏ mắt phải, sau đó điều trị hóa chất, đến nay mới vào 2 đợt thuốc.

TS.BS Nguyễn Đình Tùng, Phó Trưởng khoa khoa Ung- Bướu (Bệnh viện TƯ Huế) cho hay: Mỗi năm, Khoa tiếp nhận trung bình từ 8-10 ca bị u nguyên bào võng mạc, chủ yếu các em được chuyển từ khoa Mắt và khoa Nhi của bệnh viện sang. Mấy năm gần đây, số lượng bệnh nhân có tăng lên. Đặc biệt, có tới 90% số bệnh nhân đến đây đều nhập viện khi bệnh đã nặng. Phần lớn bệnh đã ở vào giai đoạn khá muộn, có đồng tử trắng, giảm thị lực và mắt lác.

Còn ở khoa Nhi, Bệnh viện K (Hà Nội), mỗi năm tiếp nhận 20 trường hợp. “Con số này thấp hơn thực tế vì một số trường hợp trẻ không được chữa trị” – Th.S. BS Phạm Thị Việt Hương cho hay. Theo BS Hương, u nguyên bào võng mạc là nguyên nhân gây mù lòa và tử vong ở trẻ nhỏ; thường chẩn đoán dưới 2 tuổi, có thể thấy lúc mới sinh và người lớn trên 52 tuổi. Bệnh chiếm 1-3% ung thư trẻ em khoa Nhi ở BV. Ở Việt Nam, u nguyên bào võng mạc chiếm 3,7% tổng số ung thư trẻ em.

Lưu ý khi mắt trẻ bị lác

Theo Th.S. BS Việt Hương, nghiên cứu cho thấy: 6% trẻ bị u nguyên bào võng mạc có liên quan đến yếu tố gia đình (trong gia đình có người bị mắc bệnh). Loại này do di truyền và có các đặc điểm: Biểu hiện sớm – khi bé được vài tháng tuổi đến 1 tuổi; Thường bị cả 2 mắt; Có thể bị một loại ung thư khác đi kèm. 94% trường hợp còn lại không liên quan đến yếu tố gia đình. Loại này do đột biến gen, trong đó 80% không có khả năng di truyền và 20% có khả năng di truyền.

BSCK II Nguyễn Quốc Việt – Trưởng khoa Mắt (Bệnh viện TƯ Huế), cho biết, bệnh khó bị phát hiện ngay sau khi sinh. Với những biểu hiện ban đầu, nếu cha mẹ trẻ không để ý thì rất khó phát hiện ra, vì mắt trẻ không nhức mỏi, nhãn cầu mắt bình thường.

Một số trường hợp phát hiện bệnh tình cờ do khám mắt cho trẻ sơ sinh đẻ non hoặc khám mắt cho trẻ tại trường học. Thông thường, gia đình có thể phát hiện lé mắt kèm chảy nghèn nhưng phần lớn các cháu được phát hiện do có một đốm sáng trong con ngươi. “Chụp CT mắt là cần thiết trong việc chẩn đoán sớm bệnh. Việc chẩn đoán dựa vào các dấu hiệu bệnh kết hợp với kết quả soi đáy mắt, siêu âm và chụp cắt lớp” – BS.TS Tùng cho biết.

Cũng theo Th.S Việt Hương, tùy theo giai đoạn, có thể điều trị bằng tia laser, làm lạnh đông, hóa trị, hay bỏ mắt. Tuy nhiên, với điều kiện phương tiện kỹ thuật còn thiếu, các biện pháp điều trị bảo tồn như quang đông, lạnh đông chưa được áp dụng ở nước ta. Điều trị chuẩn bao gồm phẫu thuật khoét bỏ nhãn cầu, tia xạ với nguồn tia từ ngoài vào, tia xạ với các tấm mỏng có hoạt tính phóng xạ, nhiệt lạnh, cắt bằng tia laser và hóa chất. Mục đích điều trị là bảo tồn chức năng thị giác của mắt bị bệnh, cứu sống bệnh nhân và đảm bảo thẩm mỹ khuôn mặt.

Các chuyên gia khuyến cáo, nếu không điều trị, u nguyên bào võng mạc phát triển lấp đầy mắt và phá hủy cấu trúc bên trong nhãn cầu. Di căn lan tràn thường bắt đầu sau 6 tháng và tử vong sau khoảng 1 năm.

Những dấu hiệu giúp phát hiện sớm u nguyên bào võng mạc

Đồng tử trắng: 56% trường hợp bệnh được phát hiện nhờ dấu hiệu này. Khi nhìn vào mắt bé, cha mẹ thấy có ánh trắng (nhất là vào ban đêm hoặc trong phòng tối vì khi đó đồng tử giãn), cũng có thể thấy 1 hoặc 2 đồng tử màu trắng hay vàng khi chụp ảnh buổi tối có dùng đèn flash.

Lé (lác): 34% trường hợp bệnh được phát hiện nhờ dấu hiệu này. Đặc biệt, nếu bé bị lé trong vòng 6 tháng tuổi thì nên nghi ngờ có u nguyên bào võng mạc. Lé cũng là một biểu hiện thường gặp của tật khúc xạ, cần được phát hiện, điều trị sớm.

Thị lực kém: 8% trường hợp bệnh được phát hiện vì có dấu hiệu này.

Các biểu hiện khác: Đỏ và đau nhức mắt do tăng nhãn áp, viêm màng bồ đào, viêm tế bào hốc mắt, xuất huyết tự nhiên trong tiền phòng, trong pha lê thể. Đây là các biểu hiện muộn hơn của u nguyên bào võng mạc.

ThS.BS Việt Hương – Bệnh viện K

Meyeucon.org - 06/08/2010
★★★★★★
Chia sẻ
Có thể bạn quan tâm: Bệnh về mắt ở trẻ em

Bài viết liên quan

  • Cách phòng ngừa nhược thị ở trẻ
  • Ngăn ngừa cận thị cho trẻ: ở ngoài trời
  • Bảo vệ đôi mắt cho trẻ trong “mùa bơi lội”
  • Những điều cần biết về bệnh lý võng mạc ở trẻ đẻ non
  • Vệ sinh mắt cho trẻ sơ sinh và những lưu ý

Ý kiến của bạn Hủy

X

Vui lòng điền thông tin chính xác, để nhận được câu trả lời 1 cách nhanh nhất!

Sự phát triển của trẻ
Theo tháng:

Bài viết đọc nhiều

[Giải đáp] Mẹ bầu thừa sắt có sao không?

[Giải đáp] Mẹ bầu thừa sắt có sao không?

Hướng dẫn bổ sung sắt cho trẻ qua sữa mẹ

Hướng dẫn bổ sung sắt cho trẻ qua sữa mẹ

Nguyên nhân khiến trẻ 9 tháng biếng ăn – mẹ đã biết chưa?

Nguyên nhân khiến trẻ 9 tháng biếng ăn – mẹ đã biết chưa?

Trẻ 8 tháng biếng ăn phải làm sao?

Trẻ 8 tháng biếng ăn phải làm sao?

Thiếu sắt ở mẹ bầu có làm thai nhi bị ảnh hưởng?

Thiếu sắt ở mẹ bầu có làm thai nhi bị ảnh hưởng?

Trang chuyên thông tin về sức khỏe, tình yêu và hạnh phúc cho Mẹ, bé & Gia đình.

Thông tin và điều khoản
  • Chính sách biên tập và chỉnh sửa
  • Chính sách bảo mật thông tin
  • Chính sách quảng cáo và tài trợ
  • Tiêu chuẩn cộng đồng
Link liên kết
  • Chuyên mục chăm sóc bé
  • Chuyên mục mẹ mang thai
  • Chuyên mục sức khỏe phụ nữ
  • Chuyên mục làm đẹp

Mọi thông tin trên trang chỉ mang tính chất tham khảo và bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm về những quyết định của mình.

Xem đầy đủ về thông tin “Miễn trừ trách nhiệm tại đây!”

Copyright © 2017 Meyeucon.org. All rights reserved. by Caia.vn