Tiền sản giật có thể do khiếm khuyết ở nhau thai, cơ quan cung cấp dinh dưỡng và oxy cho bào thai. Lượng máu ở bào thai suy giảm, cộng với sự sụt giảm của dinh dưỡng và oxy khiến bào thai hạn chế phát triển.
Điều này ảnh hưởng đến tuần hoàn của mẹ, có thể gây tăng huyết áp, protein trong nước tiểu, phù tay – chân và mặt. Một số trường hợp, tiền sản giật phát triển thành sản giật, với đặc trưng là chứng co giật.
Chẩn đoán
Cao huyết áp và protein trong nước tiểu là hai triệu chứng đầu của tiền sản giật. Đó là lý do vì sao huyết áp luôn được kiểm tra trong những lần khám thai. “Nhiều bác sĩ dường như xem nhẹ xét nghiệm nước tiểu so với kiểm tra huyết áp. Tuy nhiên, cả hai xét nghiệm đều quan trọng như nhau” – Isabel Walker (chuyên gia khoa sản, Mỹ) cho biết.
Dấu hiệu cơ bản
Dấu hiệu nhận biết tiền sản giật ở người mẹ mang thai là cao huyết áp (trên 110/180mmHg), protein trong nước tiểu, sưng phù ở tay, chân, mặt.
Một nửa phụ nữ mắc chứng tiền sản giật sẽ chuyển thành chứng sản giật trong khoảng 24 tiếng sau sinh.
Hậu quả
Tiền sản giật ảnh hưởng trực tiếp đến nhau thai, khiến thai nhi thiếu dưỡng chất và oxy, làm thai chậm phát triển, thậm chí thai lưu. Tiền sản giật có thể khiến mẹ tổn thương gan, thận, chảy máu, co giật khi chuyển dạ. Nếu không điều trị kịp thời, tiền sản giật có thể dẫn tới phù phổi, xuất huyết não, rối loạn tâm thần hoặc gây tử vong cho mẹ.
Điều trị
Các dấu hiệu của chứng tiền sản giật đều có thể phát hiện qua những lần khám thai (thường vào 3 tháng cuối). Nếu nghi ngờ mắc tiền sản giật, các bác sĩ có thể kiểm tra huyết áp, xét nghiệm protein trong nước tiểu cho thai phụ. Nếu sắp sinh, bác sĩ có thể đề nghị bạn nhập viện để theo dõi tiến triển bệnh. Tùy thuộc vào tình trạng cụ thể, bác sĩ sẽ quyết định lựa chọn phương pháp sinh phù hợp. Tuy nhiên, không phải tất cả các người mẹ mắc chứng tiền sản giật đều phải sinh mổ.
Theo Mẹ và bé