Thai lưu là khái niệm chỉ bào thai bị hỏng ở tuần 20 (hoặc sau tuần 20). Trước tuần 20, thai hỏng không gọi là thai lưu mà gọi là sảy thai.
Ở Mỹ, khoảng 25.000 ca thai lưu được báo cáo mỗi năm. Tỷ lệ thai lưu đã giảm xuống trong nhiều năm qua do hiểu biết về nguyên nhân thai lưu và giảm nguy cơ gây ra nó. Chẳng hạn, trong năm 2004, tỷ lệ thai lưu ở Mỹ là 6,2/1000, thấp hơn so với tỷ lệ 6,4/1000 năm 2002. Tỷ lệ thai lưu trong tuần 20-27 của thai kỳ vẫn khá ổn định từ năm 1990 đến nay (khoảng 3,2/1000) trong khi tỷ lệ thai lưu cuối thai kỳ (từ tuần 28 trở đi) đã giảm xuống (từ 4,3 còn 3,1/1000).
Yếu tố nguy cơ
- Tiểu đường và cao huyết áp là yếu tố làm tăng thai lưu. Người mẹ mắc tiểu đường có nguy cơ thai lưu cao gấp 5 lần nhóm người mẹ không mang bệnh.
- Béo phì ở mẹ là yếu tố được biết đến làm tăng nguy cơ sảy thai và thai lưu. Những thai phụ có chỉ số cơ thể (BMI) là 30-39,9, tỷ lệ thai lưu lên tới 8/1000. Với thai phụ có BMI trên 40, tỷ lệ này là 11/1000.
- Yếu tố khác làm tăng thai lưu là song thai (đa thai). Song thai (đa thai) có tỷ lệ lưu thai cao hơn 4 lần so với đơn thai.
- Phụ nữ 25 tuổi trở lên cũng có nguy cơ lớn thai lưu. Người mẹ mang thai lần đầu cũng có nguy cơ lưu thai lớn hơn người mẹ đã từng sinh con.
Theo Mẹ và bé / Efigee