Cô bé 8 tháng tuổi ấy gây ấn tượng mạnh với các phóng viên bằng đôi mắt đen láy chứa chất nỗi buồn không phải của trẻ thơ. Khi được bế, cô bé nép chặt đầu vào bờ vai tôi, tin cậy. Khi bị đặt xuống giường, cô bé chìa cánh tay về phía tôi như muốn níu kéo nhưng rồi lại lặng im, cam chịu.
Dưới gốc cây bằng lăng…
Có những đứa trẻ thấy bạn được vỗ về thì gào lên đòi, đang được bế mà bị đặt xuống cũi thì mếu máo. Nhưng cô bé “mắt buồn” thì không, vẻ như biết thân biết phận. Các “mẹ” ở Trung tâm Bảo trợ xã hội 1 (xã Dục Tú, Đông Anh, Hà Nội) gọi bé là Bằng Lăng. Cái tên của loài hoa tím gợi cảm xúc lãng mạn này thực ra là để ghi nhớ một sự kiện đau lòng. Bé bị mẹ bỏ rơi ở gốc cây bằng lăng khi mới được vài ngày tuổi.
Anh phóng viên đi cùng tôi gọi chung các sinh linh nhỏ nhoi ở Trung tâm Bảo trợ xã hội 1 và ở Trung tâm Bảo trợ xã hội 3 (xã Tây Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội) là “những em bé Bằng Lăng”. Bởi tất cả các bé có một điểm chung với Bằng Lăng là đều bị đoạn tình máu mủ khi còn đỏ hỏn. Em thì bị mẹ để lại bệnh viện phụ sản, nhà hộ sinh. Em thì được mọi người tìm thấy cạnh thùng rác, trước cổng một trung tâm bảo trợ xã hội hay dưới một gốc cây nào đó.
Trung tâm Bảo trợ xã hội 3 của Hà Nội đang nuôi dưỡng 16 bé trên dưới một tuổi. Nhóm trên 6 tháng tuổi có 9 bé mồ côi. Hai chữ “mồ côi” nên để trong ngoặc kép vì các bậc sinh thành đều còn sống, hầu hết còn trẻ và khỏe mạnh. Nhưng vì “hoàn cảnh” nên họ “nhường” quyền chăm sóc, nuôi dưỡng đứa con cho “xã hội”.
Bé Bằng Lăng với nỗi buồn không mang gương mặt trẻ thơ
“Mẹ” Hằng kể với chúng tôi rằng mặc dù mới đang tập chững, tập đi nhưng các em dường như đã có mặc cảm thân phận. Khi ăn, các bé không “ngậm hột thị” như “trẻ nhà”. Cũng ít khi quấy khóc, hờn dỗi. Nhưng tính ganh đua thì quyết liệt, hình thành quá sớm so với độ tuổi. Chỉ cần “mẹ” Hằng nâng một bé lên tay là các bé khác cũng đòi bế. Mà được bế rồi thì cứ bám chặt lấy “mẹ” không chịu rời, như thể sợ bị bỏ rơi lần nữa. Có một số trẻ được người lạ vỗ về là đòi theo luôn, các “mẹ” phải vất vả dỗ dành thì các em mới buông tay ra. Ngược lại, vài em thấy khách nam giới vào thăm là co rúm người lại, khóc thét. Chúng tôi được giải thích là các bé này quá dát trong môi trường chỉ quen tiếp xúc với các cô bảo mẫu vì tại Trung tâm chỉ có các “mẹ” mà vắng bóng các “bố”.
Chúng tôi đến thăm Trung tâm Bảo trợ xã hội 1 vào đúng giờ các bé ăn trưa. Một tay nghịch chân, một tay giữ bình sữa rất điệu nghệ, các bé mút chùn chụt, ngon lành. Bú no, các bé thả bình ra, tự chơi một mình. “Mẹ” Quyên cho biết, do không được bú sữa mẹ ngay từ đầu nên “trẻ trung tâm” có sức đề kháng kém, hay ốm vặt, lên cân chậm hơn “trẻ nhà”.
Cần tình thương không kém cần ăn
Theo các chuyên gia, điều tồi tệ đối với trẻ bị bỏ rơi không đơn giản chỉ là thiếu nguồn sữa mẹ. Nguyên nhân chính làm suy giảm hệ miễn dịch của các bé là yếu tố bị tước bỏ tình mẫu tử gây mất cân bằng tâm lý, xuất phát từ trạng thái đau khổ, sợ hãi… “Trẻ nhà” được mẹ ôm ấp, cho bú mớm, được nghe tiếng đập quen thuộc của trái tim người mẹ nên có cảm giác được che chở, thoải mái về tâm lý. Điều này tác động tích cực tới hệ miễn dịch và hệ thần kinh của trẻ.
Các bé mồ côi tự bú bình một cách ngoan ngoãn
Hành vi của “những em bé Bằng Lăng” mà chúng tôi đã chứng kiến một lần nữa cho thấy rằng trẻ trong các trại mồ côi có nhu cầu cao bất thường về tình cảm.
Để đáp ứng nhu cầu đó, các “mẹ” ở Trung tâm Bảo trợ xã hội 1 và Trung tâm Bảo trợ xã hội 3 của Hà Nội đã áp dụng “Phương pháp Emmi Pikler”, có nghĩa là cố gắng tối đa để tạo ra mối gắn kết giữa người chăm sóc với trẻ.
Năm 1946 bác sĩ nhi khoa Hungary Emmi Pikler được thành phố Budapest giao phụ trách trại nuôi dưỡng trẻ mồ côi do chiến tranh. Trong các cô nhi viện bình thường, ngoài chăm sóc trẻ, các nhân viên phải làm nhiều việc khác và có khi phải chăm sóc khoảng 30 em. Bà Pikler thực hiên mỗi cô bảo mẫu chỉ chăm sóc từ 6 đến 8 trẻ và gắn bó với các em trong thời gian dài. Các bé sơ sinh không bị nhốt trong cũi cả ngày mà được thả chơi dưới sàn nhà. Cô bảo mẫu tắm riêng cho từng bé và đây cũng là quãng thời gian để cô và cháu củng cố mối liên hệ. Bà Pikler cho rằng nếu không tạo được bầu không khí gần với gia đình thực sự thì về sau trẻ mồ côi khó có thể trở thành người bình thường. Môi trường và cách chăm sóc không đòi hỏi sự đầu tư tốn kém hoặc kiến thức về tâm lý trẻ em cao siêu. Điều quan trọng hơn cả là tình thương và sự gần gũi.