Một nghiên cứu mới đây cho rằng sở dĩ trên thế giới người ta không thông minh như nhau là do đã mắc các bệnh nhiễm trùng khác nhau. Các nước bị dịch bệnh nặng nề nhất thường có chỉ số IQ trung bình thấp nhất.
Theo các nhà khoa học bệnh tật ngăn cản sự phát triển bộ não của trẻ em, mặc dù kết luận đó còn gây nhiều tranh cãi.
Công trình nghiên cứu này dựa trên các số liệu công bố từ năm 2002 trong một cuốn sách có tựa đề “IQ và sự thịnh vượng của các quốc gia”. Trong sách, nhà tâm lý học Richard Lynn, trường ĐH Ulster, Vương quốc Anh và nhà chính trị học Tatu Vanhanen, Trường ĐH Tampere tại Phần Lan đã thống kê chỉ số IQ trung bình tại 81 nước trên thế giới.
Hai ông cũng dự đoán chỉ số IQ cho 104 nước khác nữa bằng cách lấy trung bình IQ của các nước láng giềng. Hong Kong đứng đầu danh sách với chỉ số IQ trung bình là 107. Các tác giả lập luận rằng sự khác nhau về chỉ số IQ của các quốc gia một phần là do sự khác nhau về phúc lợi quốc gia. Năm 2006, họ mở rộng các số liệu, bao gồm số đo IQ của 113 nước và dự đoán lại chỉ số này cho 79 nước khác nữa.
Nhiều nhóm các nhà khoa học tham gia vào việc lý giải bức tranh xã hội đó. Trong một công trình nghiên cứu, Christopher Eppig, TS Sinh học, Trường ĐH New Mexico và các đồng nghiệp cho rằng chỉ số IQ thấp liên quan đến bệnh nhiễm trùng. Họ đưa ra “giả thuyết về stress do ký sinh trùng”, theo đó do phải chống chọi với bệnh tật (ký sinh trùng và vi trùng) người ta phải tiêu tốn nhiều năng lượng hơn. Kết quả là năng lượng dành cho việc phát triển bộ não sẽ ít hẳn đi. Vì thế tại các nước mắc nhiều bệnh truyền nhiễm, chỉ số IQ sẽ thấp đi.
Để kiểm tra lại giả thuyết này, các nhà nghiên cứu đã phân tích trên cơ sở thống kê mối liên quan giữa số liệu của Lynn và Vanhanen năm 2006 và số liệu về bệnh truyền nhiễm năm 2004 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi lại rất đầy đủ số người đã mắc 28 bệnh truyền nhiễm ở các nước, cũng như những bản thống kê khác của LHQ và các nhóm nghiên cứu về những yếu tố ảnh hưởng đến IQ như tình trạng dinh dưỡng, giáo dục, GDP và nhiệt độ…
Muốn trẻ thông minh, hãy giữ cho chúng ít mắc bệnh.
Khi phân tích từng yếu tố riêng rẽ, họ nhận thấy bệnh truyền nhiễm liên quan đến chỉ số IQ trung bình chặt chẽ hơn bất cứ yếu tố nào khác. Eppig cho biết: “Riêng yếu tố các ký sinh trùng chiếm tới 67% sự thay đổi về trí thông minh trên toàn thế giới”. Để kiểm tra nhận định này, các nhà nghiên cứu đã xây dựng mô hình thống kê cho phép họ tìm ra mối liên quan (thể hiện bằng biểu thức toán học) giữa bệnh truyền nhiễm với chỉ số IQ, cũng như các mối liên quan giữa IQ với nền giáo dục, nhiệt độ sống và phúc lợi xã hội, từ đó dự báo chỉ số IQ trung bình của các nước.
Trong số những người ủng hộ giả thuyết này, Eppig nhấn mạnh: “Tôi chưa bao giờ nói rằng bệnh nhiễm trùng là yếu tố duy nhất ảnh hưởng tới trí thông minh trên toàn cầu”. Maureen Black, một nhà tâm lý trẻ em, ĐH Y Baltimore tỏ vẻ bi quan: “Đối với trẻ em, để phát triển trí tuệ, không chỉ cần chúng có một thân thể khỏe mạnh và không bệnh truyền nhiễm, mà cần tạo cho chúng nhiều cơ hội để làm giàu kho kiến thức của mình”, Các cơ hội này thường rất hiếm hoi ở các nước có chỉ số IQ trung bình thấp. Còn Richard Guerrant, một chuyên gia các bệnh nhiễm trùng, Trường ĐH Virginia cho rằng các nhà nghiên cứu có lý. Theo ông, có mối liên quan khá rõ giữa bệnh tiêu chảy, suy dinh dưỡng, còi cọc và chỉ số IQ thấp. Vấn đề là phải giải thích được cơ chế của mối liên quan này.
Tóm lại, bạn muốn con cái bạn thông minh hơn? Hãy giữ cho chúng thật khoẻ mạnh.