Bé con nhà bạn mới 7 tuổi đã suốt ngày chúi mũi vào mấy tập truyện tranh? Bạn nên mừng hay nên lo?
Đọc truyện tranh thúc đẩy nhanh quá trình phát triển ở trẻ
Mặc dù truyện tranh bắt đầu có vào những năm 1890 và đến nay đã quá phổ biến đối với giới trẻ nhưng cho đến giờ nó vẫn không nhận được chút nào sự tôn trọng của các giáo viên và các thư viện.
Phụ huynh và giáo viên thường thấy điên hết cả đầu khi con em mình cứ phát điên lên vì mấy cuốn truyện họ cho là vớ vẩn. Các mẹ thường viết thư phàn nàn rằng con mình quá mê mẩn truyện tranh. Họ lo lắng vô cùng và xin lời khuyên từ các chuyên gia tư vấn của aFamily.
Chúng tôi đã tìm hiểu về vấn đề này và ngạc nhiên nhận thấy rằng nghiên cứu khoa học mới nhất của các nhà khoa học Mỹ cho thấy truyện tranh không có hại như các mẹ vẫn tưởng.
Các nhà khoa học thuộc đại học Illinois, Mỹ đã khẳng định tầm quan trọng của truyện tranh đối với riêng sự phát triển của trẻ trong việc học đọc và học viết.
“Truyện tranh phức tạp không kém gì các thể loại văn học khác”, Giáo sư Carol L. Tilley cho biết, “và trẻ em học được rất nhiều điều từ đó, hoặc ít nhất, chúng cũng học cách để đọc một cuốn sách”.
“Bất cứ loại sách nào cũng có sách tốt và sách không tốt”, bà nói thêm, “nó tùy thuộc vào cách lựa chọn sách của người đọc . Hãy coi truyện tranh là một phương tiện như bao phương tiện sách khác mà thôi. Hơn nữa, nếu như ai đó nhận thức được mối liên hệ giữa hình ảnh và lời thoại thì họ sẽ thấy rằng truyện tranh cũng phức tạp như bao thể loại văn học khác vậy”.
Ấy vậy mà truyện tranh gần như phải đối mặt với sự kì thị ở mọi nơi. Bố mẹ có cho phép con cái đọc truyện thì cũng chỉ gọi là phần thưởng sau khi đã học bài xong xuôi hoặc là chiều theo ý thích của con cái mà thôi.
Họ không biết rằng truyện tranh có lợi, đặc biệt là với những trẻ đang tuổi học đọc học viết, nó giúp trẻ có thể đọc thông viết thạo nhanh hơn. Một vài thư viện đã bắt đầu đưa truyện tranh vào, đặt chúng ngang hàng với các lựa chọn khác, thậm chí, ở cấp tiểu học, học sinh được khuyến khích sử dụng truyện tranh để hỗ trợ tập đọc và tập viết.
Giáo sư Carol L. Tilley khuyên các bậc phụ huynh nên nắm bắt được điều này để có thể điều chỉnh tốt hơn việc học tập ở những năm tháng đầu đời học sinh của con em mình.
Không có truyện phù hợp cho trẻ
Chính vì sự kì thị này đối với truyện tranh mà cho đến giờ các tác giả chủ yếu sáng tác truyện tranh cho lứa tuổi thiếu niên nên trẻ em ở tuổi nhi đồng chẳng có cách nào khác là đọc những truyện sáng tác dành cho các anh chị, thậm chí là truyện tranh dành cho người lớn.
Điều này đã dẫn đến những chỉ trích xunh quanh việc trẻ em đọc những truyện không phù hợp với lứa tuổi. Đáng lẽ bé phải được đọc những cuốn truyện đơn giản hơn về hình vẽ, dễ hiểu hơn về lời thoại thì lại đành đồng ý với những truyện khá là phức tạp.
Mặc dù khó có thể can thiệp đến quá trình sáng tác truyện tranh của các tác giả, các nhà khoa học khuyên phụ huynh và giáo viên nên cố gắng hết sức có thể để tìm cho bé truyện tranh phù hợp và để bé được nhiều phần tự do hơn để đọc truyện vì đó cũng là khi bé đang học bài vậy.