Những lễ cưới của một thời gian dài trước năm 1990 ở nước ta, luôn có phần văn nghệ “cây nhà lá vườn” gồm hát, ngâm thơ… do bạn bè của cô dâu, chú rể mộc mạc thể hiện giàu tình cảm. Sau thời điểm ấy, khách dự chỉ “dô – dô – dô…” với liên tục bia rượu.
Đôi ba năm nay, các khách sạn, nhà hàng ở Hà Nội (và chắc ở các đô thị khác cũng vậy) lại có một kiểu vừa ăn vừa xem nhảy – nghe hát. Nơi làm tiệc rất biết đưa các “diễn viên” biết hát, biết múa tới để bảo đảm chất lượng của cả “ăn bằng miệng-tai-mắt”. Dẫu rằng, hát bài gì-múa điệu gì… cho phù hợp thì còn phải bàn.
Nhưng, thật đáng lo khi khá đông “diễn viên” còn ở tuổi thiếu nhi. Có tốp nhảy chỉ toàn các em gái từ 8 đến 12 tuổi. Có những đôi khiêu vũ thuộc tuổi 12-14. Có tốp chỉ thuộc “độc quyền” của một nhà hàng. Tốp khác, thì vừa “phục vụ” 15-20 phút ở nơi này, nửa giờ sau đã nhảy “bốc lửa” tại lễ cưới khác. Các em (chủ yếu là gái) cứ vô tư lắc hết cỡ, nhún rồi bật lên đủ tầm… trong tiếng nhạc chát chúa và trong… sâm-banh bôm bốp nổ.
Có nên đưa các “năng khiếu nghệ thuật” ấy tới không gian thiếu thuần khiết cho sự phát triển nhân cách không? Việc sử dụng các “lao động trẻ con” để tạo sức hút cho kinh doanh của các khách sạn, nhà hàng… có được pháp luật cho phép? Và, trong khi chờ các ngành liên quan đưa ra câu trả lời, thì với các “diễn viên” nhỏ tuổi ấy mệt nhoài vì “chạy sô” do người lớn điều khiển, rồi đẫm mồ hôi sau mỗi điệu nhảy “bốc lửa…”, có được trả công thỏa đáng?
Dù một phần (hoặc, tất cả) các tốp, nhóm đó đều đang học trường nọ trường kia thuộc ngành ca vũ, thì bổn phận chính của các em vẫn là phải chăm chỉ học văn hóa, tích cực tham gia hoạt động Đội thiếu niên… để đủ sức tiếp nhận các điều kiện rèn luyện khác. Quá sớm khai thác các em, đưa tuổi hồn nhiên “phục vụ vô điều kiện” miễn là có tiền, sẽ vừa nhanh làm thui chột các “mầm măng”, vừa dễ xảy ra các điều đau lòng.
Việc này, rất mong các cơ quan chức năng sớm có ý kiến.