Như tin đã đưa, Bộ GD&ĐT phối hợp với các Bộ, ngành đã tổ chức một cuộc hội thảo về bạo lực học đường để tìm ra giải pháp ngăn ngừa tình trạng học sinh đánh nhau.
Câu chuyện về nữ sinh đánh bạn hay những vụ án học sinh nghiện game bắt cóc trẻ tống tiền… được các chuyên gia tâm thần học nhìn nhận là do sức khỏe tâm thần (SKTT) trẻ em không tốt. Những hành vi lệch lạc này không ngừng gia tăng, đang là vấn đề nổi cộm của mỗi gia đình và xã hội.
Rối loạn hành vi vì áp lực nhiều phía
Lê Thu Hương, một học sinh lớp 8 ở Hà Nội kể: Chúng em phải học từ sáng đến 11 giờ trưa. Buổi trưa có khoảng 2 đến 3 tiếng để nghỉ ngơi nhưng phần lớn học sinh phải dành để chuẩn bị cho những tiết học buổi chiều nên thời gian để lấy lại thăng bằng rất ít khiến chúng em cảm thấy mệt mỏi…
Theo Hương, ngoài thời gian học triền miên ở trường, buổi tối các em còn phải làm một loạt bài tập các môn đến mờ cả mắt. Mà học không có hứng thú nên càng học càng sợ, càng sợ càng không vào, vậy là bị điểm kém. Mà điểm kém thì sợ thầy cô phê bình, bố mẹ trách mắng. Điều đó khiến các em luôn trong trạng thái căng thẳng và nhiều khi phải tìm cách đối phó với thầy cô, nói dối bố mẹ, và áp lực này khiến việc ứng xử trong giao tiếp có phần xấu đi.
Còn Ngọc Trang, học sinh lớp 11 trường THPT T. cho rằng: Nhiều thầy cô áp đặt các hình phạt khi học sinh có lỗi mà không giải thích cặn kẽ, không tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến những sai lầm đó. Các em cho rằng, thầy cô dường như không có đủ thời gian, sự kiên nhẫn và cảm thông, dẫn tới có những hình phạt vô lý, và từ đó các em hình thành nên thái độ không tâm phục thầy cô.
Ước muốn của những cô cậu học trò này là ngoài lịch học tập được tăng cường các hoạt động ngoại khóa. Và hơn nữa, “em mong bố mẹ, thầy cô cảm thông, chia sẻ, coi mình là người bạn nhỏ tuổi để tâm sự, giúp chúng em lấy lại tinh thần và cân bằng trong học tập”, Trang thổ lộ.
Gia đình vẫn phải là nền tảng
Nghiên cứu gần đây nhất của Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, tại các trường học trên địa bàn Hà Nội cho thấy, tỷ lệ học sinh có vấn đề về SKTT với các rối loạn tăng động, giảm chú ý, cảm xúc, ứng xử… chiếm tới 19,46%.
Theo bác sĩ La Đức Cương – Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, tại Việt Nam do nhận thức chưa đúng khi nói tới SKTT, nhiều người cho rằng đó là bệnh tâm thần phân liệt nên nhiều trường hợp rối loạn tâm thần chỉ được phát hiện khi đã gây hậu quả đáng tiếc.
BS La Đức Cương cho rằng, nguyên nhân gây rối loạn tâm thần ở trẻ em là do môi trường học tập căng thẳng và quá tải; sự tác động của các xung đột về tình cảm, tâm lý trong gia đình và xã hội. Vì vậy, việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời là rất cần thiết nhằm giảm sự gia tăng và mức độ trầm trọng của bệnh.
Chị Nguyễn Minh Thư ở Mai Dịch, Từ Liêm chia sẻ kinh nghiệm: Tôi có cậu con trai đang học lớp 7, từ khi vào cấp 2, cháu bắt đầu ương bướng, rất khó bảo. Học hành chểnh mảng và rất hay cãi lại hoặc tỏ ra lì lợm. Lúc đầu mỗi lần cháu bị điểm kém hoặc giáo viên phản ánh là tôi rất bực, nói nặng lời, nhưng tình hình ngày càng xấu đi.
Sau một thời gian tôi phải chuyển đổi phương pháp, kiềm chế sự tức giận và đối thoại với con, tôi gần như còn phải học cùng con và tham gia một số câu chuyện của con, tôi cũng không đặt áp lực về thành tích học hành đối với cháu. Tôi cũng không ngờ cách làm này lại có hiệu quả đến vậy, giờ cháu học hành tiến bộ, biết san sẻ công việc trong gia đình và biết xử lí những tình huống hằng ngày ở trường, ở lớp.
Giáo sư Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh cho rằng, nhiều gia đình bố mẹ mải kiếm tiền, không để ý đến con cái, hoặc nuông chiều thái quá, con xin gì cũng cho, hoặc là đánh đập con cái khiến chúng ức chế và trút giận lên bạn bè. Vì thế, cha mẹ hãy thực sự là một người bạn lớn, giúp các em dễ dàng bộc bạch, chia sẻ những suy nghĩ, tình cảm của mình, hướng các em đến các giá trị đạo đức để các em thấy được, hiểu được và làm được. Phụ huynh không nên quá kỳ vọng vào con cái và tạo sức ép học tập lớn lên các em.
Giải pháp để ngăn ngừa chứng rối loạn sức khỏe tâm thần vị thành niên trước tiên là cần tìm ra những biện pháp chăm sóc giáo dục đúng đắn, an toàn cho trẻ em, cần tạo cho các em một môi trường sống lành mạnh, được phát triển tự nhiên theo tâm sinh lí lứa tuổi. Sự quan tâm đúng mức với những biện pháp giáo dục khoa học, tiến bộ của các bậc phụ huynh sẽ giúp trẻ nhanh chóng vượt qua được những áp lực tâm lí khách quan như ở trường, ngoài xã hội. Đã đến lúc các gia đình cần coi vấn đề bảo vệ sức khỏe tâm thần cho trẻ em quan trọng như việc phòng chống các tệ nạn xã hội. (Ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em, Bộ LĐ,TB&XH)