Ngọn lửa nhiệt tình từ trái tim của các cô giáo ở Làng Hữu nghị Việt Nam đã thắp sáng tâm hồn các em bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, giúp các em vơi đi nỗi đau, vượt lên số phận
12 năm qua, Làng Hữu nghị Việt Nam (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) là một trong những nơi cưu mang, nuôi dưỡng trẻ em bị di chứng chất độc da cam/dioxin được nhiều người biết đến. Các cô giáo của Làng đã đem hơi ấm của tình thương đến cho những đứa trẻ tàn tật, góp phần cùng xã hội xoa dịu nỗi đau da cam, tiếp sức cho các em trên con đường hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống.
Đến thăm những lớp học ở Làng Hữu nghị Việt Nam, trước mắt chúng tôi là hình ảnh các cô giáo miệt mài, tận tụy quanh những đứa trẻ tật nguyền. Mỗi cô dạy 1 lớp từ 10 – 15 cháu ở mọi lứa tuổi, với nhiều mức độ bệnh tật khác nhau.
Làng hiện có 5 lớp phục hồi chức năng và 4 lớp dạy nghề cho 120 nạn nhân hoàn cảnh khó khăn. Cô giáo Nguyễn Thúy Vân tâm sự: “Ngày nào chúng tôi cũng chỉ dạy cho các cháu biết cái gì ăn được, cách chào hỏi, nói năng… Nếu không kiên trì, sẽ không làm được công việc đặc biệt này. Có cháu khi mới về Làng, không biết cách tự chăm sóc bản thân, nhưng sau thời gian được các cô, các mẹ hướng dẫn, gần gũi với bạn bè cùng cảnh ngộ, các cháu phần nào đã hòa nhập, dần có hiểu biết, có tình cảm”. Từng chút, từng chút một như thế, mỗi sự chuyển biến của các cháu là nguồn động viên cô giáo trẻ.
Cách đây 5 năm, cô sinh viên Khoa Giáo dục Đặc biệt của trường Đại học Sư phạm Hà Nội Nguyễn Thu Huyền chân ướt, chân ráo vào Làng Hữu nghị. Huyền là giáo viên duy nhất của Làng bị tật nguyền ở chân, đi lại cũng khó khăn. Tuy không nói ra, nhưng chúng tôi đều hiểu, chọn ngành học này, Huyền muốn được thể hiện sự đồng cảm, chia sẻ với những đứa trẻ thiệt thòi như mình, thậm chí hơn mình rất nhiều. Bởi sự thiệt thòi của đôi chân, cánh tay… cũng không thể bằng sự thiệt thòi của trí tuệ. Nhiều cháu đã lớn tuổi, nhưng chẳng khác một đứa trẻ mẫu giáo.
Hàng ngày, cô giáo Huyền chỉ dạy cho các cháu biết đếm, biết viết, biết đọc những chữ đơn giản nhất. Vậy mà có cháu, 3 tháng mới nhớ nổi 1 chữ cái, rồi sau vài ngày lại quên. Huyền cho biết, chỉ cần được chỉ bảo, dành tình yêu thương của mình cho các cháu, đó đã là niềm hạnh phúc với cô. “Không như giáo viên bình thường khác cứ dạy hết bài là xong. Ở đây mình không thể dạy theo chương trình hết bài nọ đến bài kia được, mà phải nắm được khả năng của các em, các em học đến đâu mình dạy đến đó, dạy theo nhu cầu của các em. Các em ở đây nếu so cùng lứa tuổi thì chỉ bằng một đứa trẻ mẫu giáo thôi, có em còn không bằng, nhưng các em sống rất tình cảm, tuy lớn như vậy nhưng tâm hồn các em rất trẻ thơ”, Nguyễn Thu Huyền tâm sự.
Nếu như lớp phục hồi chức năng cho trẻ nạn nhân chất độc da cam lúc nào cũng ồn ã bởi tiếng la hét ngây ngô, thì lớp học may của cô Nguyễn Thị Hồng Hà lại lặng im, chỉ có tiếng cô giáo và tiếng máy khâu chạy nhịp nhàng. Cô giáo Hà cho biết: Mặc dù không thể nói, không thể nghe, nhưng các cháu rất ham học. Dạy cho học sinh bình thường thành nghề đã khó, dạy cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin học nghề lại còn khó hơn gấp nhiều lần. Nhưng tình yêu thương con người đã gắn bó các cô với trẻ em khuyết tật. “Mình muốn truyền đạt tất cả những gì mình có cho các em. Mong muốn các em khi ra ngoài hòa nhập với xã hội có thể đáp ứng được với cuộc sống. Với một người làm giáo viên như mình, mong mỏi nhất là làm sao các em khi ra trường đảm bảo tay nghề tốt và có thể tự kiếm tiền nuôi bản thân”, cô giáo Hà nói.
Ngoài lớp dạy may công nghiệp, Làng còn dạy nghề thêu ren, tin học văn phòng, làm hoa giấy. Thăm những lớp học này mới thấy được niềm đam mê, nghị lực phi thường của những nạn nhân da cam. Nhiều em đã vượt lên số phận, tự mở cửa hàng, sống bằng sức lao động nhỏ bé của mình. Em Bùi Thị Hóa, sinh năm 1990 quê ở Quảng Trạch, Quảng Bình chia sẻ về niềm hạnh phúc khi được các cô giáo ở đây thắp lên niềm say mê với công việc. Cũng từ đó mà cuộc sống của các em có nhiều ý nghĩa hơn: “Các cô rất nhiệt tình chỉ dạy cho bọn em cách làm thế nào để thêu được sản phẩm đẹp nhất. Sau này, em chỉ mong tìm được nơi nào đó kiếm được việc làm tự nuôi bản thân mình”.
Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng các cô giáo ở Làng Hữu nghị Việt Nam đã tình nguyện gắn bó cuộc đời mình với những nạn nhân chất độc da cam. Chính ngọn lửa nhiệt tình từ trái tim của các cô đã thắp sáng tâm hồn các em, giúp các em vơi đi nỗi đau, vượt lên số phận, hòa nhập với cộng đồng./.