PGS.TS Nguyễn Công Khanh (ĐH Sư phạm Hà Nội) chia sẻ với các bậc cha mẹ những nguyên tắc làm cha mẹ thành công.
Theo PGS.TS Nguyễn Công Khanh, mỗi trẻ em thông minh theo những kiểu khác nhau. Mỗi kiểu thông minh đều được phát triển và bồi đắp tùy thuộc vào sự tương tác tích cực của chính các bé với môi trường xung quanh. Vấn đề quan trọng nhất là cha mẹ phải làm thế nào để hỗ trợ và nuôi dưỡng trí thông minh này như thế nào ngay từ khi các con còn nhỏ. Ông đưa ra 7 nguyên tắc có tương tác tích cực tới trí tuệ của các con.
Nguyên tắc thứ nhất: Trước hết, bố mẹ hãy tự hiểu mình trước khi dạy con. Cha mẹ cần nhận ra quan điểm, những tình cảm, mong muốn của mình khi dạy con. Không ít các bậc cha mẹ có những quan điểm mâu thuẫn trong việc dạy dỗ con cái.
PGS.TS đã lấy ví dụ đơn giản như chuyện học tiếng Anh. Có nhiều bố mẹ bỏ ra hàng chục triệu đồng để cho con đi học tiếng Anh ở các trung tâm ngoại ngữ xịn, nhưng sao con vẫn học không được như các bạn. Trong khi con thích đi học múa, các bố mẹ cứ bắt con phải học tiếng Anh? Con học cho con hay học cho bố mẹ đây?
PGS.TS Nguyễn Công Khanh cùng các phụ huynh chơi các trò dành cho trẻ để tìm hiểu tâm lý của con. |
Nguyên tắc thứ 2: Bố mẹ hãy lắng nghe để hiểu con. Lắng nghe để trẻ em cảm thấy chúng được tôn trọng. Hãy khuyến khích trẻ trao đổi vài câu chuyện ở lớp, ở nhà, những điều mà con muốn. Quan trọng nhất, bố mẹ không vội vã bác bỏ ý kiến của trẻ em để nuôi dưỡng lòng tự tin cho con.
Khi hỏi một bố/mẹ về sở thích của con, không hẳn ai cũng trả lời được: Con thích ăn gì nhất, con thích bộ quần áo nào nhất và con thích đồ chơi nào nhất. PGS.TS Công Khanh cũng dẫn ra một câu chuyện nhỏ: “Con đi học về, muốn kể ngay cho mẹ một câu chuyện rất hay mà cô giáo kể cho con ở trên lớp. Nếu người mẹ đó say sưa nghe con kể, khen con kể hay, con sẽ cảm thấy tự tin lắm: “Àh, mình kể cũng hay như cô”. Nếu cha mẹ quá bận, chưa thể nghe con kể chuyện, con sẽ rất buồn và thất vọng”.
Cha mẹ có thể nuôi dưỡng lòng tự tin cho con từ những sự thành công rất nhỏ thôi. Gieo niềm tin để gặt hành vi tích cực.
Nguyên tắc thứ 3: Hãy biểu lộ sự cảm thông với trẻ. Theo PTS.TS Công Khanh, cha mẹ không nên vội phán xét trẻ cho đến khi họ hiểu được suy nghĩ, tình cảm của trẻ và những gì trẻ đang trải nghiệm. Điều này liên quan không chỉ tới việc lắng nghe những gì trẻ nói mà cả khả năng cha mẹ có thể đọc hiểu được những cảm xúc của trẻ thông qua lời nói, ánh mắt, cử chỉ.
Nguyên tắc thứ 4: Hãy học cách tự kiềm chế. Tự kiềm chế là năng lực kiểm soát làm chủ những xúc cảm, tình cảm, hành vi bột phát, xung tính trong những tình huống gây stress.
Ví dụ, mẹ trong nhà vệ sinh, nghe tiếng con khóc ở ngoài. Có đến 100% các bà mẹ sẽ chạy ra ngay để xem vì sao con khóc. Nhưng theo lời khuyên của PGS.TS Nguyễn Công Khanh, hãy để kệ trẻ, cho đến khi trẻ sẽ tự bộc lộ ra ý muốn của mình. Con bị đau, con khóc hay con bị làm sao.
Nguyên tắc thứ 5: Cha mẹ hãy luôn đóng vai trò là người tư vấn và hướng dẫn cho con cái. PGS.TS Nguyễn Công Khanh khuyên cha mẹ không nên ca thán, chỉ trích. mắng chửi… ngay cả khi trẻ phạm sai lầm nghiêm trọng.
Khi con phạm sai lầm, cha mẹ không phải vội răn đe, trừng phạt bé. Hãy bình tĩnh cùng con tháo gỡ những vấn đề đang làm con sợ hãi, lo lắng. Điều quan trọng là cha mẹ hãy giúp con tự nhìn nhận lại vấn đề để giúp con có được bài học cho việc tương tự trong tương lai.
Nguyên tắc thứ 6: Hãy kiên quyết từ chối những yêu cầu không chính đáng của trẻ. Theo PGS.TS Khanh, bố mẹ hay người lớn trong gia đình đừng tự biến mình thành nô lệ của trẻ. Thông thường, các bé rất biết nhìn ai để mè nheo hoặc đòi bằng được thứ chúng đang muốn. Dần dần, chúng tự biến mình thành “nhất nhà”, còn những người khác thành ôsin/nô lệ của chúng.
Nguyên tắc thứ 7: Hãy khuyến khích trẻ dừng lại để suy nghĩ trước khi bố mẹ yêu cầu hay giải thích rõ lý do. Các bé rất hay hành động theo xúc cảm bột phát, bố mẹ cần tập dần cho con cách suy nghĩ và những hành vi, để con tự điều chỉnh lại hành vi của mình.
Hãy đặt cho con thật nhiều câu hỏi tại sao, để con tự suy luận và trả lời. Đừng vội trả lời hộ con hoặc làm hộ con tất cả mọi việc con có thể làm.
PGS.TS Nguyễn Công Khanh cũng đưa ra các nguyên lý chơi để phát triển trí tuệ cho bé:
Cha mẹ hãy cùng chơi với con và chơi theo ý tưởng của con.
- Cùng bé thảo luận về trò chơi, quy tắc chơi
- Giúp bé nhập vai, hiểu rõ nhiệm vụ của mình và không chơi ăn gian
- Giúp trẻ cảm nhận sự an toàn, được tự do thể hiện, được khuyến khích