Nếu như hệ hô hấp giúp trẻ hít thở, hệ tim mạch giúp đưa máu đi khắp cơ thể, thì hệ tiêu hóa cũng có vai trò quan trọng không kém là tiếp nhận, tiêu hóa, hấp thu thức ăn và thải các chất không tiêu hóa ra khỏi cơ thể. Hệ tiêu hóa chính là nơi giúp trẻ “nạp năng lượng” mỗi ngày.
Nếu quá trình nạp năng lượng diễn ra đều đặn và suôn sẻ, các cơ quan trong cơ thể trẻ sẽ thực hiện tốt các chức năng của mình,ngược lại, nếu hệ tiêu hóa thường xuyên bị trục trặc thì chắc chắn quá trình phát triển của trẻ ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng.
Hệ tiêu hóa bắt đầu từ miệng, rồi đến thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già và kết thúc ở hậu môn. Mỗi phần có một chức năng riêng nhưng lại liên quan chặt chẽ với nhau. Một phần nào đó bị trục trặc sẽ ảnh hưởng xấu đến những phần khác của ống tiêu hóa và toàn cơ thể.
Các rối loạn tại đường tiêu hóa thường gặp ở trẻ nhỏ
Rối loại tại đường tiêu hóa rất đa dạng và hậu quả không chỉ tại chỗ mà còn ảnh hưởng đến toàn cơ thể.
Trào ngược dạ dày – thực quản
Là rối loạn khá thường gặp trong những tháng đầu đời, làm các bậc cha mẹ hết sức lo lắng vì trẻ thường ọc sữa sau bú. Sau khi bú, sữa sẽ nằm trong dạ dày của bé, và chỗ nối giữa ống thực quản và dạ dày sẽ thắt lại, giống như thắt miệng túi, giúp sữa không bị trào lên khi dạ dày co bóp. Ở một số trẻ, chỗ thắt này thường xuyên mở ra, tạo điều kiện cho sữa trào ngược lên trên, nhất là khi trẻ nằm đầu thấp, khi ho, vặn mình hay khóc. Trẻ nhỏ càng dễ bị trào ngược do dạ dày nằm ở tư thế tương đối ngang, thức ăn chỉ mới có sữa ở dạng lỏng. Thông thường, tình trạng này hầu hết sẽ hết ở thời điểm trẻ được 12 tháng tuổi. Chỉ một số ít sẽ tiếp tục còn triệu chứng, thậm chí nặng hơn do xuất hiện những biến chứng của trào ngược dạ dày – thực quản mang lại như viêm thực quản, khàn tiếng, khò khè, biếng ăn, suy dinh dưỡng, …Lúc này tình trạng đã trở thành bệnh trào ngược dạ dày – thực quản và ảnh hưởng xấu của nó đã tác động lên các cơ quan khác ngoài đường tiêu hóa.
Đau quặn bụng
Có những lúc cha mẹ bé rất bối rối khi thấy con mình khóc dữ dội mà dỗ không nín được. Trẻ khóc thét, vật vã, không chịu bú, cứ kéo dài hàng giờ, vài ngày trong tuần và liên tiếp mấy tuần liền. Tình trạng trên được cho là trẻ bị đau quặn bụng, nguyên nhân rất đa dạng, nhưng thường do thức ăn (sữa) khó tiêu, bụng bị đầy hơi, hoặc có thể do dị ứng với sữa hay trào ngược dạ dày – thực quản nói ở trên. Nếu tình trạng này kéo dài, không chỉ gây căng thẳng và lo lắng cho các bậc phụ huynh mà còn làm trẻ giảm bú, ít ngủ và chậm tăng cân.
Tiêu chảy
Trẻ trong độ tuổi từ 6 tháng đến 2 tuổi có nguy cơ cao nhất bị tiêu chảy, mà nguyên nhân có thể do nhiễm trùng hoặc không nhiễm trùng như dị ứng sữa, ngộ độc, hoặc đơn thuần do chế độ ăn không phù hợp. Bất chấp những tiến bộ của y học cũng như cải thiện môi trường, tỷ lệ mắc tiêu chảy vẫn còn cao ở cả các nước đã phát triển lẫn đang phát triển, và tử vong do tiêu chảy chiếm hàng thứ 3 trong các nguyên nhân gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi trên toàn thế giới. Những đợt tiêu chảy cấp tính làm chậm quá trình tăng cân của trẻ, có thể gây phiền phức cho gia đình vì phải nghỉ làm để chăm sóc bé. Riêng tiêu chảy mạn tính (kéo dài trên 14 ngày) thì hậu quả gây suy dinh dưỡng cho trẻ là rất lớn, thiếu hụt các dưỡng chất, đưa đến tình trạng suy giảm miễn dịch, làm trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng khác.
Táo bón
Trẻ trong độ tuổi còn bú, nhất là những trẻ không bú mẹ sẽ dễ có nguy cơ bị táo bón do thành phần đạm trong sữa bò khó tiêu hóa hơn sữa mẹ, cộng với chức năng hệ tiêu hóa chưa thật hoàn chỉnh. Ngoài ra, lượng đạm nhiều quá mức trong một số loại sữa công thức, vượt quá ngưỡng hấp thu của ruột cũng góp phần làm trẻ táo bón do ruột phải tăng hấp thu nước để hòa tan lượng đạm thừa này trong nước tiểu. Táo bón sẽ làm trẻ đi tiêu khó khăn, thậm chí có thể gây cảm giác sợ đi tiêu ở một số trẻ lớn, làm cho vấn đề điều trị khó khăn và kéo dài, hậu quả cuối cùng là chậm phát triển thể chất và ảnh hưởng tâm lý cho trẻ.
Các biện pháp phòng ngừa rối loạn tiêu hóa ở trẻ nhỏ
Bú mẹ hoàn toàn đến 4-6 tháng là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa các rối loạn tiêu hóa thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Thành phần đạm dễ tiêu trong sữa mẹ sẽ giúp bé dễ hấp thu, không đầy bụng, sữa không bị ứ lại tại dạ dày, giúp giảm trào ngược và đau quặn bụng. Ngoài ra, sữa mẹ giàu alpha-lactalbumin sẽ giúp tăng cường miễn dịch đường ruột, chống sự xâm nhập của các vi sinh vật gây bệnh, giảm nguy cơ tiêu chảy. Hơn nữa, trong sữa mẹ có hơn 130 loại chất xơ khác nhau, giúp làm mềm phân, tăng thời gian đi chuyển của phân trong lòng ruột, và kích thích sự phát triển của các vi khuẩn có lợi trong ruột trẻ giúp giảm táo bón.
Tăng cường thực hiện việc cho bú mẹ là chủ trương đúng đắn và là phương pháp hoàn hảo giúp ngăn ngừa rối loạn tiêu hóa ở trẻ nhỏ. Nếu trẻ không có sữa mẹ thì các biện pháp “bắt chước” sữa mẹ như thay đổi thành phần đạm sữa bò trở nên dễ tiêu, bổ sung probiotic và prebiotic đã được chứng minh có hiệu quả rất khả quan.
TS. BS. Nguyễn Anh Tuấn
Đại học Y Dược TP.HC