Hỏi: Con trai tôi 4 tuổi rưỡi, nghịch và hiếu động. Nhưng tôi hơi thất vọng vì cháu không có năng khiếu gì đặc biệt, chỉ quan tâm đến siêu nhân, gần như mọi hoạt động phải gắn đến siêu nhân. Thứ gì rơi vào tay là cháu liên tưởng đến kiếm và súng của siêu nhân. Cháu làm gì cũng không tập trung cao độ được. Liệu sau này cháu có thể học tốt được không?
Trả lời: Nhiều bà mẹ thường cảm thấy thất vọng khi không nhận ra con mình có năng khiếu gì đặc biệt. Thực tế đa số trẻ mầm non chưa biểu hiện những năng lực thực sự vượt trội, thậm chí có những biểu hiện thái quá như hiếu động, nhút nhát, chậm chạp… Điều đó không có nghĩa là sau này lớn lên trẻ không thể học tốt. Thực tế đã chứng minh có nhiều tài năng ở cấp vĩ nhân nhưng tuổi thơ là một đứa trẻ học kém (Newton, Einstein…)
Chị không nên lo lắng, thất vọng về con mình, tuyệt đối không kêu ca, phàn nàn về trẻ dù cháu nghịch ngợm, hiếu động, thiếu tập trung và khó nhớ mặt số, mặt chữ… Điều cần làm hiện nay là tìm mọi cách mở rộng hứng thú cho trẻ, hãy tập trung củng cố những hành vi tích cực để hướng sự quan tâm của trẻ đến những vấn đề khác ngoài siêu nhân.
Cần bắt đầu từ những lĩnh vực mà trẻ thích như siêu nhân, hãy tìm những cơ hội để hỏi trẻ: Siêu nhân đến từ đâu? Sống ở đâu? Họ là ai? Họ thích giúp đỡ ai? Làm thế nào để trở thành siêu nhân?… Hãy sử dụng những câu chuyện cổ tích (có thể biến tấu) để đưa nhân vật siêu nhân về gần với đời thường và đã là siêu nhân thì phải quan tâm đến nhiều thứ. Vì trẻ mong muốn trở thành siêu nhân như vậy cũng đòi hỏi trẻ cũng phải quan tâm đến nhiều thứ, chẳng hạn: siêu nhân phải rất kiên trì, siêu nhân phải tự tin, không từ chối việc khó, biết giúp đỡ người khác….
Rồi chị giao cho cháu những nhiệm vụ để rèn luyện, phát triển các kỹ năng nhận thức, xã hội, chẳng hạn yêu cầu trẻ phát hiện những điểm khác nhau trong hai bức tranh để rèn luyện tính kiên trì, khen trẻ mỗi khi trẻ nhận được những điểm khác biệt. Hãy dành thời gian cùng chơi với trẻ những trò chơi lắp ghép siêu nhân, cắt dán hình siêu nhân, tập vẽ những bức tranh có siêu nhân, nhưng mở rộng sự hiểu biết bằng cách đặt các câu hỏi tại sao, như thế nào, là cái gì, nên thế nào? Mục đích là dùng siêu nhân bắc cầu để chuyển hướng sự quan tâm của trẻ sang lĩnh vực khác; chẳng hạn siêu nhân phải nhớ mặt những con số, nhận biết sự khác nhau giữa các bức tranh…