Hôi miệng ở bé là tình trạng tương đối hiếm. Nó thường xuất hiện ở bé tuổi tập đi vì khi đó, nhiều loại thức ăn gây nên vi khuẩn trong miệng và tạo nên mùi hôi. Miệng hôi khi vừa ngủ dậy được gọi là chứng hôi miệng buổi sáng.
Nguyên nhân và cách ứng phó
Để hơi thở của bé được thơm tho, bạn cần vệ sinh miệng cho con với nước trước giấc ngủ trưa để loại bỏ những mẩu thức ăn thừa (hoặc sữa) từ răng và miệng. Với bé lớn hơn, có thể giúp bé đánh răng và dạy bé súc miệng với nước. Những biện pháp này tuy đơn giản nhưng có tác dụng ngăn ngừa hôi miệng. Tuy nhiên, nếu bé mắc hôi miệng kéo dài, bạn cần tìm những nguyên nhân khác.
Vi khuẩn có thể khiến hơi thở bé có mùi. Nếu bé có thói quen ngậm vú giả hay đồ chơi, vi khuẩn từ những vật này có thể chuyển vào miệng. Kết quả, chúng phát triển thành một mùi khó chịu. Điều quan trọng là phải rửa và khử trùng với những vật bé hay mút. Nếu bé ngừng mút, hơi thở hôi sẽ biến mất.
Nếu không phải nguyên nhân trên, hơi thở của bé vẫn hôi, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ. Miệng hôi có thể do sâu răng hoặc dị vật kẹt ở mũi. Viêm xoang cũng có thể gây nên hôi miệng vì nó khiến bé phải thở bằng miệng, làm miệng bị khô (nước bọt có tính kháng khuẩn tự nhiên và giữ vi khuẩn trong miệng ở mức chấp nhận được, nếu ít nước bọt, miệng sẽ khô và nhiều vi khuẩn). Cách hạn chế vi khuẩn sinh sôi trong miệng là không để bé vừa ngủ vừa ngậm bình sữa. Nên cho bé uống nước lọc trong ngày vì uống đủ nước hạn chế được chứng khô miệng.
Đôi khi hơi thở của em bé xấu là do trào ngược dạ dày thực quản. Trường hợp này, bạn cần đưa bé đi khám bởi một bác sĩ chuyên môn.
Đường trong chế độ ăn của bé tuổi chập chững cũng có thể gây hôi miệng vì nó cung cấp “nguyên liệu” cho vi khuẩn phát triển. Đồ uống có đường, bánh trứng, kẹo… đều là thực phẩm chứa đường và ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng của bé. Nếu bé duy trì chế độ ăn lành mạnh, ít đường và chất béo thì hơi thở sẽ được khắc phục.