Muốn cô con gái cưng có nước da trắng trẻo, gia đình bé Linh mua nước dừa về tắm cho con, khiến cô bé hai tuần tuổi phải nhập viện cấp cứu.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, cho biết hiện tượng viêm da do tắm bằng các loại lá, quả… mùa nào cũng gặp nhưng vào mùa hè, thời tiết nắng nóng, số trẻ bị rôm sảy, chốc lở, mụn nhọt, côn trùng đốt tăng cao nên biến chứng do tắm lá cũng nhiều hơn. Có trẻ bị bội nhiễm, nhất là nhiễm trùng máu rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong.
Tắm nước dừa, da thêm bẩn
Bé Nguyễn Phương Linh, hai tuần tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, nhập viện trong tình trạng sốt cao, bỏ bú, một số vùng da bị lở loét. Kết quả thăm khám cho thấy, bé bị nhiễm khuẩn da và đang có dấu hiệu nhiễm trùng. Nguyên nhân là vì gia đình muốn cô con gái cưng sau này được trắng trẻo, mịn màng… nên mua nước dừa nguyên chất về tắm cho bé.
Theo tiến sĩ Dũng, thực tế tắm nước dừa chỉ làm da thêm bẩn, vì lượng đường nhiều là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển. Trong khi đó, da của trẻ sơ sinh rất mỏng, nên rất dễ bị tổn thương, gây nhiễm trùng da.
Bệnh nhi Nguyễn Quang Huy, hơn một tháng tuổi, ở Hà Nội (khu vực Hà Tây cũ) nhập viện trong tình trạng sốt cao, người nhiều mụn kê. Bệnh nhi được chẩn đoán nhiễm khuẩn ngoài da nặng, có nguy cơ nhiễm khuẩn huyết nếu không được điều trị kịp thời. Nguyên nhân là gia đình dùng nước lá sài đất, hạt kê và chân vịt tắm cho cháu.
Việc dùng lá hoặc chanh tắm cho trẻ có thể khiến trẻ bị nhiễm trùng da.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thảo, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội, cho biết quan niệm trẻ bị rôm sẩy hay kê… phải tắm các loại lá mới hết là rất nguy hiểm. Vì đây chỉ là những biểu hiện của viêm da nhẹ, có thể tự khỏi, việc dùng những loại lá như sài đất, chân vịt, rẻ quạt… có khi sẽ làm bệnh nặng hơn. Bởi các loại lá, quả có khi mọc ở bờ bụi, bị nhiễm khuẩn, côn trùng, đôi khi cả thuốc bảo vệ thực vật… rửa rất khó sạch nên nguy cơ trẻ nhiễm khuẩn da rất cao. Thậm chí, ngay cả việc đun sôi cũng không có không có tác dụng diệt khuẩn trong lá.
Bệnh ngoài da tắm lá sẽ nguy hiểm
Tiến sĩ Dũng cho biết, da trẻ nhỏ rất mỏng, cấu trúc chưa ổn định, hàng rào biểu mô chưa trưởng thành nên rất dễ bị tổn thương, dị ứng và nhiễm trùng. Biểu hiện dễ thấy nhất của trẻ bị viêm da là sốt, ở nhiều vùng da, có khi toàn thân bị mẩn đỏ. Tuy nhiên, có nhiều người lại quan niệm rằng, sau khi tắm lá nếu mẩn ngứa “phát” ra ngoài da thì một vài ngày sau sẽ đỡ. Do đó, không ít trường hợp nhập viện đã ở trong tình trạng viêm nhiễm nặng, phải điều trị dài ngày. Cá biệt, có những bệnh nhi bị các viêm nhiễm ở vùng mặt, đầu, cổ, nơi tập trung nhiều mạch máu, gần hệ thần kinh, khi bị nhiễm trùng có thể gây viêm tắc tĩnh mạch não và để lại di chứng suốt đời.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Lượng, Viện Bỏng Quốc gia, cho biết rất nhiều người có thói quen dùng chanh tắm cho trẻ. Thực tế, axit chanh có tác dụng sát trùng tốt, có thể dùng để gội đầu, tắm ở người lớn. Nhưng với da trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, chanh lại không có lợi. Vì khi kỳ cọ, chất axit trong chanh có thể làm bong tróc các mảng da non, gây xót và tẩy mạnh làm ảnh hưởng đến quá trình lên da non, nhất là nếu pha quá nhiều chanh vào chậu nước tắm.
Theo thạc sĩ Thảo, việc làm sạch da hằng ngày bằng các loại sữa tắm diệt khuẩn, có độ PH phù hợp sẽ tránh gây kích ứng hay dị ứng. Nếu không có điều kiện, các bậc cha mẹ có thể dùng nước lọc để tắm hằng ngày cho trẻ cũng rất an toàn. Khi thấy da trẻ có các dấu hiệu bất thường: sần, nổi mụn, mọc rôm,có đốm, ráp, đỏ, các đám mất màu, tốn thương có vảy…, cần phải đưa đi khám, tránh tình trạng viêm nhiễm, nhiễm trùng gây nguy hại tính mạng của trẻ.