Hôm lớp tổ chức liên hoan cho Giang đi du học ở nhà cô chủ nhiệm, Giang làm cô giáo choáng vì chỉ vào mớ cải ngọt hỏi: Rau gì đây hả cô, phải làm thế nào ạ?
Cô thử hỏi lại các bạn có mặt hôm đó, thật đáng ngạc nhiên là gần 20 bạn thì chỉ có 7 bạn biết chính xác là rau cải ngọt và đã từng nhặt rau, 8 bạn biết lờ mờ rằng đó là rau họ cải nhưng không gọi tên chính xác là gì, còn lại là không biết vì chưa từng đi chợ, nấu nướng bao giờ, trong số đó có không ít bạn gái.
Những cô cậu “ngố”
Những học sinh như Giang không phải là hiếm gặp, nhất là ở các thành phố lớn. Tình trạng chung của các em là lịch học kín mít, từ học chính đến học thêm, học ở trường, học ở lò, học ở nhà. Với rất nhiều mục tiêu đặt ra: Phải đạt danh hiều học sinh giỏi, phải kiếm học bổng du học… các em “quay cuồng” trong đống sách vở.
Nên mới có những chuyện hài như trường hợp của Hà, một công tử bột Sài thành, thi xong Đại học, được ra Bắc, về quê nội ở Hải Dương chơi. Và lần đầu tiên trong đời, Hà được “mục sở thị” và sờ vào một….con bò. Đầu tiên cậu còn sợ hãi vì tưởng bò biết….cắn. Chuyện lạ với nhiều người nhưng không lạ với Hà vì suốt 12 năm, con thì mải học, bố mẹ bận rộn với công việc kinh doanh nên có đi đâu mà biết!
Làm việc nhà – một cách thư giãn hiệu quả, không tốn kém.
Nhiều gia đình khá giả cũng không “sai khiến” con tham gia các công việc ngoài chuyện học. Chị Hiền (GV trường THPT L.V.C Hà Nội) kể chuyện có một bác phụ huynh ở Quảng Ninh cho 2 anh con trai lên Hà Nội học. Một đứa cấp 3, một đứa ĐH nhưng đều….vống như nhau. Bởi vị phụ huynh này ngoài việc mua nhà cửa, sắm đầy đủ các vật dụng tiện nghi cần thiết, nhờ một cô cháu ở cùng để chuyên nấu cơm rửa bát thì cuối mỗi tuần lại lên….tổng vệ sinh dọn dẹp và chuẩn bị đồ ăn cho tuần sau. Hai anh con trai không biết làm gì, chỉ việc học, mà không học thì …..chơi điện tử hoặc la cà với bạn bè.
Chính bác này cũng than thở: Nhà có điều kiện cho con đi du học nhưng không yên tâm cho cháu đi, vì đến giờ, việc gấp là quần áo cháu cũng không biết làm, huống chi lo cuộc sống một mình nơi xứ lạ.
Hãy cho con tham gia làm việc nhà và các hoạt động xã hội
Trẻ con Việt Nam thường được bao bọc, chăm sóc kĩ quá nên khi ra đời thường yếu đuối, khả năng tự xử lý các tình huống cuộc sống kém.
Điều này khác hẳn lối giáo dục phương Tây, nơi trẻ con được dạy rèn tính tự lập từ rất sớm. Chị Lauren (quốc tịch Italia) hiện là giáo viên tiếng Anh cho 1 trường mẫu giáo, đang sống cùng chồng và con gái tại Hà Nội cho biết: “Con gái chị được hướng dẫn tự làm mọi việc ngày từ nhỏ, bố mẹ chỉ can thiệp khi thật cần thiết. Mới 8 tuổi nhưng cháu đã rất tự giác.”
Chính vì thế mà 18 tuổi chúng đã có thể sống tự lập, có thể “ra riêng”, tự tìm chỗ học, chỗ làm và có thể đi du lịch khắp nơi.
Vậy nên các bậc cha mẹ thực sự cần thay đổi cách suy nghĩ của mình. Theo chuyên gia tâm lý Phương Hà, việc khuyến khích trẻ tham gia việc nhà và các hoạt động xã hội sẽ góp phần hoàn thiện nhân cách trẻ, giúp trẻ sống tự lập và cảm nhận cuộc sống có ý nghĩa hơn. Những lợi ích có được là rất lớn:
– Trẻ có thể thư giãn sau những giờ học tập căng thẳng, biết thêm những kiến thức thực tế bổ ích, không chỉ ngập đầu mệt mỏi trong đống sách vở.
– Trẻ sống hòa nhập, biết chia sẻ, cảm thông với người khác hơn. Một đứa trẻ quá sung sướng sẽ dễ dàng trở nên ích kỷ. Chúng sẽ không biết trân trọng thành quả của lao động cũng như việc phải bỏ sức lực để có nó.
– Trẻ tham gia việc nhà cũng như các hoạt động xã hội sẽ giảm tình trạng “nhàn cư vi bất thiện”. Vì không phải làm gì nên chúng dành thời gian rỗi để chơi game, lướt net, là cà quán xá, tụ tập bạn bè, tạo nên những ảnh hưởng tiêu cực tới nhân cách và lối sống.
– Trẻ sẽ sống tự tin và tự lập hơn, biết tự lo cuộc sống của mình. Trong bộ phim “Three men and a baby”, một người mẹ đã nói với con trai của mình rằng: Mẹ giúp con, nghĩa là mẹ sẽ không làm gì cả. Con hãy tự lo cuộc sống của mình để cảm thấy mình sống có ý nghĩa chứ không phải là người vô dụng.