Trong hai ngày (4-5/5), Bộ Y tế tổ chức Hội nghị lần thứ 18 Ban điều phối Liên minh các đối tác phòng chống lao toàn cầu tại Hà Nội.
Hội nghị có tầm quan trọng đặc biệt trong việc hoạch định chiến lược phòng chống bệnh lao hiệu quả trên phạm vi toàn cầu.
Mỗi năm có khoảng 3.000 ca lao kháng thuốc
Phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, sự ra đời và hoạt động tích cực của Liên minh phòng chống lao toàn cầu đã đáp ứng tính cấp bách về việc ngăn chặn căn bệnh nguy hiểm này, tạo ra sự công bằng trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho mọi người dân. Đồng thời, chia sẻ trách nhiệm không biên giới trong việc ngăn chặn và khống chế bệnh lao.
Tiêm phòng cho trẻ sẽ giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh lao
Theo PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ, Giám đốc BV Phổi TƯ, Chủ nhiệm chương trình chống lao Việt Nam, tuổi bệnh nhân lao trong những năm gần đây có nhiều thay đổi. Tỷ lệ lao phổi tăng ở nhóm tuổi trẻ và ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Phân tích sâu về xu hướng cho thấy, mặc dù có giảm hàng năm ở nhóm tuổi trung niên (đặc biệt ở nữ giới) nhưng lại có hai nhóm tuổi tăng ở mức đáng lo ngại: Thanh thiếu niên và người già. TS Sỹ cho rằng, điều này có thể chi phối đến tình hình dịch vì luôn có một số lượng nguồn lây “tiềm tàng” ở nhóm trẻ tuổi. Bệnh sẽ kéo dài trong cuộc đời họ nếu không được chữa khỏi. “Bệnh lao ở Việt Nam có xu hướng trẻ hóa một phần do liên quan đến lối sống hoặc nhiễm HIV của một bộ phận thanh thiếu niên”- TS Sỹ nhấn mạnh.
Một nguyên nhân nữa làm cho tình hình dịch tễ bệnh lao ở Việt Nam chậm thay đổi, theo TS Sỹ đó là tình hình lao phổi đa kháng thuốc chưa được kiểm soát tốt. Theo điều tra kháng thuốc trên toàn quốc, tỷ lệ lao đa kháng thuốc (MDR) trong lao phổi mới xuất hiện hàng năm là 2,7% và trong số lao điều trị lại là 19%. Như vậy, mỗi năm có khoảng 3.000 trường hợp MDR. Con số này nếu không được quản lý tốt sẽ là nguồn lây dai dẳng trong cộng đồng.
Theo đánh giá của BV Phổi TƯ, tình hình lao phổi đang có xu thế dịch tễ phức tạp, trong đó xu hướng tăng các bệnh lao ngoài phổi, lao phổi smear, lao tái phát và điều trị lại.
Dịch vụ khám ban đầu còn nhiều hạn chế
Liên minh phòng chống lao được thành lập sau cuộc họp của Ủy ban đặc biệt đầu tiên về dịch tễ bệnh lao tại London (Anh) vào tháng 3/1998. Sáng kiến phòng chống lao đã đưa ra tuyên bố Amsterdam về phòng chống lao vào tháng 3/2000. Sáng kiến này kêu gọi hành động từ các đoàn đại biểu cấp Bộ trưởng của 20 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam xếp thứ 12 trong số 20 nước có gánh nặng bệnh lao trên toàn cầu, với khoảng 150.000 bệnh nhân lao các thể xuất hiện hàng năm và khoảng 12.000 ca đồng nhiễm lao/HIV.
|
Trăn trở với công tác phòng chống lao, TS Sỹ đánh giá, hiện rất thiếu cán bộ làm công tác chống lao vì nguy cơ lây nhiễm cao, thu nhập thấp; Thuốc uống chống lao trôi nổi trên thị trường không thể quản lý nổi; Người dân vẫn có thói quen tự chữa bệnh mà không cần điều trị theo đúng phác đồ làm tăng tỷ lệ kháng thuốc; Hiện có khoảng 20.000 phạm nhân có tỷ lệ mắc lao và lao kháng thuốc cao hơn nhiều ngoài cộng đồng. Qua điều tra dịch tễ cho thấy, một số lượng bệnh nhân lao tìm kiếm dịch vụ khám ban đầu tại các cơ sở y tế tư nhân, các bệnh viện ngoài hệ thống chống lao mà chưa được chẩn đoán, điều trị tốt.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Việt Nam là quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao trên thế giới, mặc dù Chính phủ, Bộ Y tế đã dành nhiều sự quan tâm và ủng hộ cho công cuộc phòng chống. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam khẳng định tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ những hoạt động phòng chống lao của Ngành y tế và Chương trình chống lao ở Việt Nam. Gần đây, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Khám chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của mỗi người dân trong công cuộc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Chính phủ cũng tập trung nhiều nguồn lực đầu tư cho công tác y tế nói chung và công tác phòng chống các bệnh xã hội, trong đó có bệnh lao. Các hoạt động này nhằm nâng cao năng lực của y tế các tuyến, đặc biệt là tuyến cơ sở, đảm bảo cho công tác chống lao hoạt động hiệu quả.
Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cam kết ủng hộ hoạt động phòng chống lao của ngành y tế và Chương trình chống lao quốc gia. Cam kết ủng hộ các hoạt động của Liên minh phòng chống lao toàn cầu tại Việt Nam. “Chúng tôi kêu gọi sự ủng hộ nhiều hơn nữa từ cộng đồng quốc tế, Liên minh toàn cầu cho hoạt động phòng chống lao ở Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đặc biệt các nước có tình hình bệnh lao, lao kháng thuốc và lao/HIV cao” – Phó Thủ tướng nói.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho rằng, Liên minh phòng chống lao toàn cầu ra đời tuy chưa lâu nhưng đã thể hiện sự cam kết và quyết tâm của cộng đồng quốc tế ngăn chặn bệnh lao. Bộ Y tế Việt Nam và Chương trình chống lao Việt Nam hoàn toàn ủng hộ các tôn chỉ mục đích của Liên minh này.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu, công cuộc phòng chống lao trên toàn cầu còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là với các quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao như Việt Nam. Càng nặng nề hơn khi đại dịch HIV chưa được ngăn chặn và tình trạng lao kháng đa thuốc vẫn chưa được kiểm soát. Đói nghèo đồng hành với bệnh lao, đó cũng là một trở ngại lớn.