Một nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới được đăng trên tạp chí Pediatrics, cho thấy, trẻ em trên thế giới không thích tham gia hoạt động thể chất mà suốt ngày dán mắt vào màn hình tivi và vi tính ngày càng tăng.
“Xét về mức độ vận động thể chất, chúng tôi không thấy nhiều khác biệt giữa trẻ em ở các nước nghèo và các nước phát triển”, tiến sĩ Guthold, người đứng đầu nghiên cứu, nói. “Lớn lên ở một nước nghèo không có nghĩa rằng, trẻ em ở đây cần phải vận động nhiều hơn.”
Nghiên cứu đã được tiến hành với 72.845 học sinh ở độ tuổi từ 13 đến 15 tại 34 quốc gia thuộc châu Mỹ, châu Á, châu Âu và vùng Trung Đông.
Tiêu chí được các nhà khoa học đưa ra cho một học sinh vận động thể chất tích cực là phải tập thể dục ít nhất 1 giờ/ngày và 5 ngày/tuần – không kể thời gian các giờ học giáo dục thể chất ở trường.
Những trẻ em, dành nhiều hơn 3 giờ/ngày xem TV, chơi game điện tử, hay nói chuyện phiếm với bạn bè ngoài thời gian đến trường và làm bài tập về nhà, được cho là lười vận động.
Kết quả điều tra cho thấy, chỉ có ¼ học sinh nam và 15% học sinh nữ tham gia vật động thể chất tích cực, dựa theo những tiêu chí đánh giá được đưa ra ở trên.
Ngược lại, cũng theo những tiêu chí này, có tới 25% học sinh nam và 30% học sinh nữ được cho là lười vận động
Myanmar là quốc gia có tỷ học sinh lười vận động thấp nhất với 13% đối với học sinh nam và 8% đối với học sinh nữ.
Trong khi đó, quốc gia có học sinh lười vận động nhất là St. Lucia quốc đảo Cayman, với 58% học sinh nam và 64% học sinh nữ không tham gia các hoạt động thể chất thường xuyên.
Mặc dù nghiên cứu không điều tra những lý do khiến trẻ lười tham gia các hoạt động thể chất, nhưng tiến sĩ Guthold cho rằng quá trình đô thị hóa cùng với sự phát triển của ô tô, TV và game vi tính chính là những nguyên nhân khiến trẻ em ngày càng lười vận động.
Để giúp học sinh tham gia các hoạt động thể chất nhiều hơn, tiến sĩ Guthold cho rằng cần tăng cường tính hiệu quả của các giờ học giáo dục thể chất tại trường đồng thời cần tuyên truyền cho học sinh về tầm quan trọng của việc tập thể dục. Ngoài ra, các quốc gia cũng nên khuyến khích học sinh đi bộ và xe đạp tới trường nhằm tăng cường sức khỏe thể chất cho học sinh.