Ngày 10/8/2010, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai đề án phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) cho trẻ em 5 tuổi tới 63 tỉnh, thành phố. Tại đây, các tỉnh, thành phố đã đưa ra các giải pháp thực hiện đề án, đồng thời cũng chỉ ra những khó khăn cần giải quyết để đề án thực sự có hiệu quả.
Một bước chuyển cho giáo dục mầm non
Đề án PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015 với mục tiêu củng cố, mở rộng mạng lưới trường, lớp, bảo đảm đến năm 2015, có 95% số trẻ em trong độ tuổi năm tuổi được học 2 buổi/ngày; Đến năm 2015 có 100% trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non được học chương trình giáo dục mầm non mới, chuẩn bị tốt tâm thế cho trẻ vào học lớp 1; 100% giáo viên dạy mầm non năm tuổi đạt chuẩn trình độ đào tạo vào năm 2010, phấn đấu đến năm 2015 có 50% giáo viên đạt trình độ từ cao đẳng sư phạm mầm non trở lên, 80% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp mức độ khá…
Kinh phí thực hiện đề án là 14.660 tỷ đồng, gồm 4 dự án: Xây dựng phòng học, phòng chức năng theo quy định của điều lệ trường mầm non, dự kiến: 9.200 tỷ đồng; mua sắm trang thiết bị, đồ chơi, dự kiến: 2.200 tỷ đồng; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và hỗ trợ trẻ em nghèo, dự kiến: 2.900 tỷ đồng; xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia cho 86 huyện khó khăn; dự kiến: 360 tỷ đồng…
Hà Nội hiện là địa phương đầu tiên đã ban hành kế hoạch phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi với mục tiêu 100% số quận, huyện, thị xã đạt chuẩn vào năm 2014. Trong đó chú trọng vai trò nòng cốt của các trường công lập (hơn 80% số trường là công lập) và có tới hơn 86% số trẻ được hưởng định mức từ ngân sách nhà nước (2 triệu đồng/trẻ/năm). Thành phố dành gần 3,1 tỷ đồng để triển khai đề án nâng cao chất lượng giáo dục mầm non đến năm 2015. Phấn đấu huy động 35% số trẻ 3 tuổi, 95% số trẻ 3-5 tuổi và 100% trẻ 5 tuổi ra lớp.
Những nỗi lokhông dễ giải quyết
Tuy các địa phương đều đưa ra lộ trình và quyết tâm thực hiện đề án, nhưng năm học đầu tiên (2010 – 2011) thực hiện phổ cập cho trẻ 5 tuổi, khó khăn nhất chính là nhiều nơi đang đứng trước mối lo thiếu chỗ học. Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, trong tổng số 135.909 phòng học mầm non có tới non nửa là bán kiên cố và còn tới gần 21% là học nhờ và học tạm (28.315 phòng). Chuyện thiếu trường, thiếu phòng học không chỉ xảy ra ở vùng sâu, xa, vùng nông thôn khó khăn, mà cả ở thành phố lớn. Hà Nội có 827 trường mầm non, 10.868 nhóm, lớp nhưng mới chỉ đáp ứng chỗ học cho 26% số trẻ nhà trẻ và 86,3% trẻ mẫu giáo.
Bên cạnh cơ sở vật chất, yếu tố đội ngũ nhà giáo đóng vai trò quan trọng quyết định sự thành công của đề án. Trong tổng số 18.000 giáo viên hiện có, còn tới 10.000 người là giáo viên ngoài biên chế (chiếm 54%), 7.500 giáo viên chưa có trình độ đào tạo đạt chuẩn. Phần lớn giáo viên mầm non được đào tạo chắp vá, qua nhiều loại hình đào tạo, năng lực còn hạn chế.
Để thực hiện mục tiêu đề “Phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010-2015”, theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, các địa phương không thể trông chờ vào ngân sách Nhà nước đầu tư cho GDMN mà hãy tự mở rộng hình thức xã hội hoá giáo dục bằng cách khuyến khích người dân mở trường, lớp tư thục; tìm kinh phí, nguồn tài trợ cho phát triển hệ thống GDMN.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, các tỉnh, thành cần tập trung vào một số nhóm giải pháp căn bản là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đề án trong các cấp, ngành, xã hội,. Đồng thời, trong giai đoạn 2013 – 2015, Bộ GD&ĐT nên tập trung hỗ trợ các địa phương khó khăn về cơ sở vật chất; tiếp tục xây dựng bổ sung số phòng học, phòng chức năng còn thiếu; tiếp tục điều chỉnh bổ sung chính sách cho giáo viên mầm non, phấn đấu thực hiện nâng lương theo định kỳ cho giáo viên các trường mầm non dân lập. Khi đề án PCGDMN cho trẻ 5 tuổi được thực hiện, những khó khăn về trường, lớp, cơ sở vật chất… sẽ được ngân sách hỗ trợ, tạo tiền đề để hệ thống GDMN phát triển sang một giai đoạn mới, dù đó là cả một chặng đường dài.