Theo giáo sư Lê Nam Trà, Phó Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, chỉ 10% trẻ em VN được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ có nguy cơ tử vong gấp 4 lần trẻ được bú mẹ.
Sữa mẹ được xem là một vaccine giúp phòng tránh tử vong cho hàng triệu trẻ em, có tỷ lệ dinh dưỡng và kháng thể cao, tránh được nguy cơ nhiễm độc…Nhưng số trẻ được bú mẹ còn quá ít.
60% bà mẹ nuôi con không đúng cách
Đây là một trong những thông tin được Bộ Y tế công bố trong điều tra mới nhất nhân tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ. Cụ thể nhiều bà mẹ đã cho trẻ ngừng bú quá sớm, ăn đồ ăn đặc như người lớn khi mới 4 – 6 tháng tuổi, ăn những chất quá giàu đạm, ít chất xơ khi mà hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện khiến trẻ biếng ăn, chậm phát triển. Thậm chí, quá nhiều bà mẹ đã bỏ phí nguồn sữa quý giá của mình khi chỉ có 55% cho trẻ bú ngay trong vòng giờ đầu sau sinh và khoảng 36% bà mẹ có ý định cho con bú kéo dài đến 24 tháng tuổi.
Đáng lo ngại hơn, một số chuyên gia cho biết, Việt Nam đang có một rào cản chung đối với việc nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn, đó là nhận thức sai lầm của nhiều bậc cha mẹ và nhân viên y tế rằng bà mẹ không có sữa ngay sau khi sinh để có thể cho trẻ bú sớm và mẹ không đủ sữa để cho trẻ bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Thậm chí, nhân viên y tế còn khuyên các bà mẹ cho trẻ ăn sữa bột.
Trẻ được bú mẹ có nguy cơ tử vong thấp hơn bốn lần trẻ không được bú mẹ.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Bá Thủy, nuôi con bằng sữa mẹ là cách cung cấp dinh dưỡng đầy đủ nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, có tác động nhiều nhất đến sự sống còn trong hai năm đầu đời của trẻ. Nhưng thực trạng hiện nay ở Việt Nam có thể gây những tác động xấu đối với sự phát triển, cũng như làm tăng nguy suy dinh dưỡng và tử vong ở trẻ nhỏ. Hơn nữa điều này có thể ảnh hưởng tới việc thực hiện Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ 4 của Việt Nam là giảm tỷ lệ tử vong trẻ em vào năm 2015, Thứ trưởng Nguyễn Bá Thủy cảnh báo
Sữa bột “giết” sữa mẹ
Nhằm khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ, nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ em, từ năm 2006, Chính phủ đã có Nghị định số 21 quy định về việc kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dùng cho trẻ nhỏ. Mặc dù vậy, vi phạm các quy định trong văn bản này vẫn diễn ra rất phổ biến. Đây chính là một thực trạng đang tác động tiêu cực tới việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Kết quả thanh kiểm tra mới đây nhất của Bộ Y tế cho thấy, tại khoa sơ sinh của một số bệnh viện, nhân viên y tế vẫn sử dụng bình bú cho trẻ bệnh lý ăn với lý do không đủ nhân viên để thực hiện cho trẻ ăn bằng cốc và thìa. Không ít căng tin bệnh viện bán sữa cho trẻ dưới 12 tháng tuổi. Thậm chí, sổ y bạ của một số bệnh viện còn in cả trang bìa quảng cáo sữa dành cho trẻ dưới 12 tháng tuổi. Trong khi đó các áp phích, tờ rơi tuyên truyền việc nuôi con bằng sữa mẹ lại hầu như không có ở các bệnh viện.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh sữa và sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ cũng thường xuyên vi phạm nghị định 21 của Chính phủ. Kiểm tra 124 sản phẩm thì có tới 26 sản phẩm ghi thiếu, hoặc ghi không đầy đủ trên nhãn mác dòng chữ “Chú ý sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”. 23 sản phẩm không ghi dòng chữ “Chỉ sử dụng sản phẩm này theo chỉ dẫn của bác sĩ”…
Thanh tra Bộ Y tế cũng phát hiện một số trang web, báo chí vi phạm quy định quảng cáo sữa dành cho trẻ nhỏ; 53,3% sản phẩm bình bú và núm vú giả ghi nhãn chưa đầy đủ, phần lớn không ghi khuyến cáo ” Sử dụng núm vú giả ảnh hưởng không tốt tới việc nuôi trẻ bằng sữa mẹ” hay ” Việc sử dụng bình bú có thể làm cho trẻ bỏ bú mẹ và có nguy cơ bình tiêu chảy”…
Sữa mẹ bảo vệ trẻ chống bệnh tậtNucleotide là một thành phần tự nhiên trong sữa mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa các phản ứng miễn dịch khi trẻ được tiêm phòng. Chất này chịu trách nhiệm cung cấp sự miễn dịch để chống lại các dịch bệnh ở trẻ. Đặc biệt, sữa mẹ có các bạch cầu, kháng thể (IgA) và các tiểu thể (lysozyme) làm giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn gây tử vong cao ở trẻ. Nuôi con bằng sữa mẹ còn có tác dụng tốt về phương diện tâm lý. Việc cho con bú mẹ làm gắn bó tình cảm giữa mẹ con, giúp trẻ phát triển tốt về mặt tình cảm và trí tuệ sau này. Sữa mẹ đóng góp vào việc bảo vệ sức khỏe bà mẹ như giảm thiếu máu, thiếu sắt, giảm nguy cơ ung thư vú, ung thư tử cung. |