Khi cha mẹ, thầy cô giáo đặt mục tiêu quá xa vời và muốn trẻ làm theo ý họ, một số trẻ rất nhạy cảm, tỏ ra cứng rắn ngoài mặt để tự bảo vệ mình và đôi khi đi đến hành vi hiếp đáp người khác.
Nhiều bậc cha mẹ thực hiện chế độ nuôi dạy quá tử tế và nghiêm túc để mong con mình trở thành một người thành đạt nhưng không ngờ rằng điều này có thể gây tác động xấu cho trẻ.
Vượt rào vì quá bó buộc
Sinh ra trong một gia đình giàu có, bé Nhân rất được cha mẹ rất cưng chiều, chăm lo rất mực và cũng “được” đặt rất nhiều kỳ vọng. Nhân mới 7 tuổi mà bố mẹ đã nghĩ sẽ rèn Nhân trở thành một trang nam nhi “số dzách” và đã ghép Nhân vào khuôn phép cứng nhắc từ rất sớm.
Không chỉ biết nói lời thưa gửi như các bạn, mà Nhân còn phải biết ứng xử lịch sự, lời cảm ơn-xin lỗi luôn ở cửa miệng, không được cự cãi bạn, không chơi đất cát, ngồi phải có phong thái, không được ngồi bệt hoặc chồm hổm… Khi nào bé quên thì bố mẹ nhắc nhở ngay, riết rồi Nhân trở thành “ông cụ non” và luôn cảm thấy bị bó buộc. Hậu quả là chỉ khoảng nửa năm sau, Nhân vượt rào “sắt”, làm toàn những điều mình thích và quậy ngất trời.
Bé không chỉ thường xuyên chọc phá bạn bè mà đụng chút là nhổ nước bọt đánh phẹt xuống đất trước mặt người khác, hay gây hấn và đánh bạn; chuông vào học reo rồi nhưng vẫn nhẩn nha ngoài sân; đặc biệt là thích cãi lời bố mẹ, người lớn và cảm thấy rất đắc thắng…
Hay như bé Châu, mới vào lớp một đã “được” ba mẹ ép học đủ các môn năng khiếu, cả những môn em không hề hứng thú nhưng ba mẹ lại cho là có ích cho sự phát triển trí thông minh, trí tuệ và cảm xúc của con như học đàn piano, múa ba lê, chơi cờ tướng… Sau chỉ chừng 2 năm, bé Châu tung hê mọi thứ và trở thành một đứa trẻ hoàn toàn khác, bảo gì cũng không làm, không chịu luyện tập những môn mà bé không thích học và cả những môn học khác.
Trẻ quậy phá do… người lớn
Bình thường, đôi khi trẻ em không nghe lời người lớn hoặc nói dối khi sợ hãi, khi bị rầy la nhưng khi mắc chứng rối loạn quậy phá, trẻ thường khó tuân theo những quy luật thông thường, như không chịu nghe lời người lớn, ngay cả khi bị phạt nặng; hung dữ hơn so với bạn cùng lứa, luôn cãi vã, làm lớn chuyện và lúc nào cũng muốn mình là người thắng cuộc.
Ngoài ra, trẻ có thể từ chối các bổn phận hằng ngày như không làm bài vở, không giữ vệ sinh cá nhân, có hành vi phá phách, đe dọa hoặc phá hoại đồ đạc của người khác… Thậm chí một số trẻ còn có những hành vi xấu như trộm cắp, thường xuyên nói dối ngay cả khi không cần nói dối, chửi thề quá mức hoặc xúc phạm như phỉ báng, phun nước bọt vào người khác…
Có nhiều yếu tố góp vào tình trạng rối loạn quậy phá của trẻ em. Trước hết là những khó khăn do chính gia đình mang đến, như cha mẹ bất đồng ý kiến trong cách dạy và giúp đỡ con, cha mẹ thường cãi nhau và không có thì giờ chăm lo cho con, thậm chí có những trường hợp cha mẹ còn lôi kéo trẻ vào sự tranh cãi khiến trẻ lo lắng về sự an toàn và yên ấm của gia đình.
Thứ đến là những khó khăn trong môi trường học tập do những áp lực từ bạn bè, trường học và từ bản thân trẻ. Đặc biệt là khi cha mẹ, thầy cô giáo đặt mục tiêu quá xa vời và muốn trẻ làm theo ý họ, một số trẻ rất nhạy cảm, tỏ ra cứng rắn ngoài mặt để tự bảo vệ mình và đôi khi đi đến hành vi hiếp đáp người khác.
Công bằng khi nhìn nhận trẻ
Hãy nhận ra những ưu điểm và bỏ qua những khuyết điểm của trẻ để không chỉ biết phạt khi trẻ làm sai hoặc mắc sai lầm mà biết khen ngợi, động viên trẻ đúng lúc.
Một nguyên tắc đơn giản là nếu muốn con cái nghe lời thì cha mẹ nên học cách lắng nghe trẻ, vì vậy phụ huynh cần dành thời gian chơi đùa vui vẻ và lắng nghe trẻ. Qua đó, khuyến khích trẻ bằng những việc làm cụ thể, gương mẫu của mình hơn là dùng lời lẽ bắt buộc, đe dọa hay trừng phạt; khi trẻ làm điều sai, dạy trẻ không đổ lỗi cho người khác; khi gặp chuyện không tốt thì không đổ thừa do vận xấu mà biết nhìn lại sự việc và rút kinh nghiệm…
Điều quan trọng là phụ huynh cần kiểm soát tốt cảm xúc của mình, không đánh đập hay mắng chửi thậm tệ khi trẻ làm điều sai trái, biết chờ cho cơn nóng giận lắng xuống rồi mới nói chuyện với con về những sai quấy mà trẻ đã làm. Khi phụ huynh cảm thấy mất tự tin, không thể đối phó và không biết phải làm gì trước những vấn đề khó khăn trong gia đình hoặc khi hành vi quậy phá làm xáo trộn việc học của trẻ, khiến trẻ hoặc người khác bị tổn thương thì cần gặp chuyên viên tư vấn tâm lý để được trợ giúp.
Bs Phạm Ngọc Thanh