Những đứa trẻ mới chập chững tập đi thường hay gào khóc, những trẻ mới thành niên hay ganh đua nhau… là những dấu hiệu thường thấy khi trẻ muốn được cha mẹ chú ý nhiều hơn, nhất là với người mẹ.
Trẻ gây chú ý vì muốn được cha mẹ chú ý nhiều hơn
Nhưng kể cả đối với con cái đã trên 20 tuổi, phân biệt đối xử vẫn là nguyên nhân của các bệnh tâm lý cần đến sự giúp đỡ của bác sĩ chuyên khoa. Một nghiên cứu phân tích 275 mối quan hệ giữa người mẹ với con cái đã trưởng thành ở tiểu bang Boston, Mỹ đã khám phá sự liên quan do cha mẹ thiên vị và sự trầm cảm ở người con.
“Sự phân biệt đối xử của cha mẹ với con cái có thể ảnh hưởng quan trọng đến cảm nhận về sự hạnh phúc ở con cái – ngay cả đối với những người con ở tuổi trung niên” – GS Karl Pillemer cho biết.
Việc khám phá mối liên hệ này ở nhóm những người đứng tuổi là tương đối mới. Hơn 2/3 bà mẹ được phỏng vấn thừa nhận họ có phân biệt đối xử giữa các con mình. Các bà mẹ đã trả lời các câu hỏi như: họ có thương một trong số các con của mình nhiều hơn hay không, hoặc có mâu thuẫn với một trong số các con không…
Về phía những người con đã thành niên (20 tuổi trở lên), một con số lớn khác thường là có đến 90% cho biết mẹ họ có sự thiên vị, chủ yếu đối với người con nào chăm sóc họ lúc về già.
Các câu trả lời này càng thu hút sự quan tâm khi cho thấy trầm cảm nặng chỉ xảy ra với những đứa con không được ưu ái như các anh chị em khác của họ. Những anh chị em trong gia đình có cha mẹ phân biệt đối xử con cái có xu hướng không thân thiện nhau.
Tuy nhiên, GS Pillemer và tác giả Jill Suitor của Trường đại học Purdue khám phá rằng những người con được cưng chiều hơn cũng có những khó khăn của họ. Họ thường phải đấu tranh với cảm giác có lỗi và cảm giác mình buộc phải chăm sóc cha mẹ khi về già.