Mấy hôm nay, không biết Ti học ở đâu, toàn gọi bà theo kiểu: “Bà bà bà bà nội ơi…”. Bé ngày nói lắp càng nhiều, và hầu như là nói lắp từ đứng ở đầu câu.
Bé Ti 19 tháng, đã nói được nhiều từ và ghép thành câu rồi. Bà nội bảo: “Ở nhà, bé ghép được 1 câu tối đa là 10 từ. Thông thường là 3 – 4 từ/câu, nói khá chuẩn và ít ngọng”.
Thế mà mấy ngày hôm nay, không biết bé học ở đâu mà lại đâm ra nói lắp. Gọi bà, gọi mẹ toàn: “Bà bà bà bà nội ơi…”, “Mẹ mẹ mẹ ngồi đây”… Mẹ Ti đã nhắc lại câu từng từ một để bé nhắc lại. Thế mà bé lại tưởng mẹ cười đùa và nói lắp tiếp. Bé ngày nói lắp càng nhiều, và hầu như là nói lắp từ đứng ở đầu câu.
Khi gặp trường hợp bé từ 2 – 5 tuổi nói lắp, bố mẹ cũng không nên lo lắng quá. Nhiều bé khi mới bắt đầu học nói có thể nói “lúng búng”, nói lắp vì không kịp nghĩ ra từ ngữ thích hợp. Hiện tượng này không phải là hiện tượng nói lắp như người lớn.
Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, trẻ em nói lắp thường có cha hay mẹ cũng nói lắp (ngay cả trường hợp cha mẹ chỉ nói lắp khi còn bé). 5% trẻ em bị tật nói lắp nhưng chỉ 1% tiếp tục nói lắp khi lớn lên. Số bé trai bị nói lắp gấp 3 lần số bé gái. Một số trẻ lắp có thể sẽ tránh nói và bị đoán nhầm là mắc chứng câm. Nói lắp không có liên hệ đến phát triển tính thông minh của bé. Tuy vậy nhiều trẻ nói lắp bị la rầy, chê cười hay bêu riếu sẽ có những triệu chứng tâm thần như mắc cỡ, né sợ, lơ đãng, hoặc trở nên khó chịu, thô bạo, giận dữ, v.v… .
Phần lớn (65%) trẻ nói lắp sẽ từ từ biết nói chậm lại và khi có đủ tự tin sẽ dần dần bớt bị lắp. Nhưng nếu 12 tháng sau khi bắt đầu nói lắp mà vẫn không bớt thì cha mẹ nên cho đi bác sĩ để trị chữa vì nếu bị lâu như vậy tật sẽ không thuyên giảm. Nếu không chữa sớm (trước 5 tuổi – tốt nhất là độ 2 tuổi rưỡi), trẻ sẽ tìm cách tự giải quyết bằng những phương cách không đúng (như dùng chữ tương tự, đồng nghĩa, nói quá chậm, dùng sai chữ, dùng chữ tổng quát như “cái ấy”, “gì gì đó”) và quen tật này luôn và sẽ rất khó sửa chữa.
Bố mẹ không nên bắt con biểu diễn nói trước người lớn
Trẻ em có thể hết nói lắp khi lớn lên
Mẹ Luti trên diễn đàn Làm cha mẹ chia sẻ kinh nghiệm: “Có khi việc nói lắp của bé chỉ để mong được bố mẹ quan tâm nhiều hơn thôi. Ngày trước con một người bạn của mình cũng bị nói lắp lúc bắt đầu đi học ở trường. Cô giáo càng mắng thì càng nói lắp nhiều hơn. Sau đó, bố mẹ thay đổi một số chiến lược và bé quen với việc xa bố mẹ để đi học thì bé hết nói lắp”.
Chuyên gia tâm lý Lê Khanh đưa ra lời khuyên dành cho các bố mẹ khi con nói lắp:
Khi nói với con, bố mẹ nên nói chậm, rõ và ngắn gọn – nhất là với các câu hỏi hay có nội dung mà trẻ phải đáp lại. Tập cho trẻ đọc những câu thơ ngắn, các câu ca dao. Khi cháu tỏ ra bối rối hay khó khăn trong việc diễn tả chúng ta nên có những gợi ý và khen khi cháu nói đúng và rõ.
Bố mẹ không nhắc lại những gì cháu vừa nói sai, nói lắp ( hãy bỏ qua như chưa nghe thấy) và chỉ yêu cầu : “Con nói chậm lại cho mẹ, để mẹ nghe rõ hơn”. Không tỏ ra bực mình hay cười đùa, trêu chọc khi cháu nói lắp .
Bố mẹ cũng nên lưu ý đến những cách ứng xử giữa bố mẹ và cháu – xem cháu có bị đánh mắng, trách phạt hay có điều gì làm cho cháu lo hãi không? Chúng ta tỏ ra quan tâm đến cháu trên các phương diện khác nhưng không quá chú trọng đến việc cháu nói lắp và buộc cháu phải nói cho đúng – vì tập trung vào chuyện chỉnh âm có khi làm cho trẻ căng thẳng hơn.
Hiện nay, nhiều bố mẹ cũng thường xuyên bắt con biểu diễn nói cho người khác xem hoặc nóng vội, hối thúc trẻ nói. Điều đó cũng khiến con dễ bị nói lắp. Tránh nói hộ hết câu cho con, kiên nhẫn chờ cho trẻ tìm ra chữ và khen ngợi sau đó.
Điều quan trọng nhất là bố mẹ cần dành nhiều thời gian quan tâm chăm sóc đến con, nói chuyện nhiều với con và kịp thời phát hiện những sai lầm của con để uốn nắn.