Trước nghi án về một loại sữa bột của Công ty Synuatra sản xuất làm cho 3 bé gái Trung Quốc từ 4 – 15 tháng tuổi có hiện tượng dậy thì sớm khiến dư luận hoang mang, vậy đây có phải là nguyên nhân thực sự hay không, chúng tôi đã trao đổi với Bác sĩ Vũ Chí Dũng – Phụ trách Khoa Nội tiết, Chuyển hoá và Di truyền, Bệnh viện Nhi Trung ương để giúp bạn đọc có cái nhìn khái quát hơn về vấn đề dậy thì sớm ở trẻ.
Dậy thì sớm do nhiều nguyên nhân
Ông Vũ Chí Dũng cho biết, vài ngày nay khi thông tin về một số trẻ em Trung Quốc có biểu hiện dậy thì sớm nghi do uống sữa, có khá nhiều người quan tâm, lo lắng về hiện tượng dậy thì sớm của con và đưa đến khám tại phòng khám chuyên khoa Nội tiết, Chuyển hoá và Di truyền, Bệnh viện Nhi Trung ương.
Những biểu hiện của dậy thì sớmDậy thì sớm là sự bắt đầu một cách bất thường của dậy thì, thường ở trẻ em gái trước 8 tuổi và trẻ trai trước 9 tuổi. Một số biểu hiện dậy thì sớm ở trẻ gái như: tuyến vú phát triển sớm, có kinh nguyệt sớm, phát triển sớm lông sinh dục… Hoặc ở trẻ trai thì có biểu hiện như: giọng ồm, ria mép, cơ bắp phát triển, dương vật phát triển sớm về kích thước, trong trường hợp dậy thì sớm trung ương thì tinh hoàn phát triển thể tích sớm so với tuổi thực… |
Riêng chiều ngày 12/8, có 7 trường hợp đến khám, trong đó có 3 cháu nghi dậy thì sớm và 4 cháu gái có biểu hiện tuyến vú phát triển sớm đơn thuần. Tuy nhiên, khi các bác sĩ hỏi cha mẹ các trẻ này xem có đang cho con uống sữa bột của Công ty Synuatra sản xuất tại Trung Quốc không thì đều được họ trả lời không.
Theo số liệu của Bệnh viện Nhi Trung ương, từ năm 2002 đến nay, có khoảng 70 trường hợp trẻ đến khám được khẳng định là dậy thì sớm trung ương, trong đó chủ yếu là trẻ em gái. Đa số các trẻ gái dậy thì sớm này không phát hiện được nguyên nhân (dậy thì sớm vô căn).
Theo Bác sĩ Vũ Chí Dũng, có rất nhiều nguyên nhân gây dậy thì sớm ở trẻ như: do tố bẩm của gia đình, hội chứng Mccune-Albright; do u thần kinh trung ương, tăng sản thượng thận bẩm sinh, u thượng thận nam hóa ở trẻ trai, u tinh hoàn ở nam, u buồng trứng ở nữ, nguyên nhân ngoại sinh do sử dụng các thực phẩm ăn uống hoặc các thuốc chữa bệnh có chứa hoạt chất của các hocmon sinh dục. Ngoài ra, khi không tìm được nguyên nhân cụ thể thì được cho là dậy thì sớm vô căn.
Để kết luận trẻ có bị dậy thì sớm thực sự hay không và để chẩn đoán nguyên nhân của dậy thì sớm thì trẻ cần được thăm khám lâm sàng và được làm các xét nghiệm như: XQ tuổi xương; siêu âm buồng trứng, tử cung, thượng thận, định lượng các hocmon LH, FSH, testosteron ở trẻ trai và estradiol ở trẻ gái, prolactin, chụp CT sọ não nếu có chỉ định.
Nếu phát hiện được nguyên nhân dậy thì sớm thì sẽ điều trị nguyên nhân, trong trường hợp dậy thì sớm trung ương không phát hiện được nguyên nhân (vô căn), trẻ sẽ được điều trị bằng các thuốc đặc biệt có tác dụng ức chế phát triển các đặc tính sinh dục và cải thiện chiều cao.
Không nên quá hoang mang, lo lắng khi cho con uống sữa
Theo Bác sĩ Vũ Chí Dũng, nếu sữa có thành phần hormone giới tính có thể góp phần là tác nhân gây dậy thì sớm. Thành phần hocmon giới tính là hoàn toàn bị cấm pha trộn hay có mặt trong sữa cũng như bất kỳ loại thực phẩm nào khác.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, để kết luận việc sữa có là nguyên nhân gây dậy thì sớm ở trẻ hay không thì phải có những nghiên cứu, những bằng chứng khoa học hết sức cụ thể. Các bà mẹ không nên quá hoang mang, lo lắng khi cho con uống sữa.
Sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng tốt nhất đối với trẻ nhỏ. Nếu trong trường hợp buộc phải nuôi con bằng sữa ngoài hoặc cho con uống sữa để bổ sung dinh dưỡng thì các bà mẹ nên chọn những hãng sữa có tên tuổi, địa chỉ rõ ràng và đã được công bố và cấp chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Các bậc cha mẹ cần dành thời gian quan tâm nhiều hơn đến sự phát triển của con trẻ. Nếu trẻ em gái dưới 8 tuổi và trẻ em trai dưới 9 tuổi có những dấu hiệu dậy thì sớm, bất thường như trên thì cần đưa con đi khám chẩn đoán sớm. Tuỳ từng nguyên nhân cụ thể, bác sĩ sẽ đưa ra những biện pháp điều trị kịp thời hay những lời khuyên thích hợp.