Đánh vào tâm lý muốn dành những gì tốt nhất cho đứa con sắp chào đời của các thai phụ, nhiều bác sĩ đã không ngại kê những đơn thuốc với giá… trên trời
Đến khám thai tại một bệnh viện phụ sản lớn tại TPHCM, chị N.T.V tá hỏa khi được kê một toa thuốc bổ sung sắt và canxi dùng trong một tháng, mỗi loại 60 viên, hết gần 800.000 đồng. “Tôi phải đến tiệm thuốc bên ngoài tìm những loại thuốc khác có tính năng tương đương xem thử chứ đồng lương công chức làm sao kham nổi chừng ấy” – chị V. bộc bạch.
Nhân viên nhiều nhà thuốc không đọc được toa thuốc do một bác sĩ cấp
Đắt tiền, khó mua
Chị V. kể không những đắt mà khi ra ngoài tìm mua những thuốc được bệnh viện phụ sản này cho thì chẳng nơi nào bán; có nơi nhân viên nhà thuốc còn không thể đọc được tên thuốc ghi trong toa. Cầm toa thuốc của chị V., chúng tôi phải nhờ đến mấy vị bác sĩ chuyên khoa mới dịch được dòng chữ nguệch ngoạc ghi trên toa thuốc là gồm hai loại: S’Docalci và Mama Natal, hai loại thuốc nhập khẩu từ Hoa Kỳ.
Chúng tôi đã đi đến nhiều nhà thuốc trên địa bàn TPHCM nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Ngay cả một số nhà thuốc lớn gần Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương cũng không có hai loại này.
Nhiều cách để chọn
Khi đi hỏi mua hai loại thuốc trên, chúng tôi nhận được nhiều lời khuyên của dược sĩ tại các nhà thuốc rằng nên chọn các loại thuốc nội rẻ tiền và phổ biến hơn. Nhân viên một nhà thuốc trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 còn tận tình tra cứu thành phần, công dụng của hai loại thuốc này rồi đưa ra những thuốc khác có tác dụng tương đương, giá dao động chỉ từ 2.000 – 3.000 đồng/viên.
Đối với S’Docalci, chúng tôi nhận được nhiều lời khuyên nên thay bằng Calci-D, một loại thuốc bổ sung phổ biến cho thai phụ và cả người già, với giá chỉ từ 4.000 – 5.000 đồng/vỉ 10 viên. “Thai phụ mua loại này nhiều lắm vì giá rẻ, lại tốt. Chứ công nhân lao động làm gì có tiền mua loại mấy ngàn đồng một viên” – nhân viên một nhà thuốc trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh chia sẻ.
Trao đổi vấn đề này với tiến sĩ – bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, chúng tôi cũng nhận được lời khuyên về một số loại thuốc nên thay thế khác, như Calci-D (bổ sung canxi) hay Ferrovit, Adofex (bổ sung sắt). Tiến sĩ – bác sĩ Lê Thị Thu Hà còn cho biết trong đa số các thuốc nội bổ sung sắt và canxi cho thai phụ, hầu hết đều không chứa DHA và EPA, một số thuốc ngoại có chứa 2 chất này nên có giá đắt hơn. Tuy nhiên, thai phụ vẫn có thể sử dụng các thuốc bình thường rồi bổ sung DHA, EPA thông qua các thực phẩm rất giàu những chất này như cá biển (cá thu, cá mòi, cá hồi…), tôm, cua, yaourt, phô mai…
Tiến sĩ – bác sĩ Lê Thị Thu Hà khuyến cáo toa thuốc dùng S’Docalci và Mama Natal mà chúng tôi đưa, với chỉ định sử dụng 2 viên/loại/ngày, là có phần thừa mà chỉ nên dùng 1 viên/loại/ngày. Ví dụ, Mama Natal có hàm lượng vitamin A là 3.000 đơn vị/viên, trong khi hàm lượng tốt nhất cho cơ thể vẫn là dưới 5.000 đơn vị/ngày. Hàm lượng acid folic là 1.000 mcg trong mỗi viên cũng vừa đủ cho một ngày.
Nên nói rõ khả năng chi trả
Theo thạc sĩ – bác sĩ Mai Công Danh, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, khi đi khám thai, thai phụ nên trình bày thẳng thắn với bác sĩ về điều kiện kinh tế của gia đình. Với các loại thuốc bổ sung trên, có nhiều phương án với nhiều giá cả khác nhau. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại thuốc ngoại chất lượng cao, nhắm vào đối tượng khá giả. Tuy nhiên, vẫn có nhiều loại thuốc nội tốt được sử dụng phổ biến. Nên cho thầy thuốc biết rõ về tình hình sức khỏe cũng như khả năng chi trả của bản thân để được hướng dẫn những đơn thuốc tốt nhất, các loại thực phẩm bổ sung phù hợp túi tiền mà vẫn bảo đảm cho sự phát triển toàn diện của thai nhi.