Mới đây, các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu ung thư – Trường Đại học London (Anh) và nhóm các đồng nghiệp Nhật Bản vừa chứng minh rằng ở những phụ nữ mắc bệnh ung thư mang thai, thai nhi trong bụng có nhiều nguy cơ bị nhiễm bệnh ung thư từ mẹ thông qua nhau thai.
Bằng cách phân tích DNA của một phụ nữ bị chết vì bệnh máu trắng và con gái mới sinh của bệnh nhân, các nhà khoa học nhận thấy rằng tế bào ung thư ở cả hai mẹ con đều chia sẻ chung một loại gen đột biến là BCR – ABL1. Tuy nhiên, đứa bé có tế bào ung thư này không phải là do di truyền gen từ mẹ. Phân tích mẫu máu sau đó đã chỉ ra rằng: ung thư đã lan truyền từ người mẹ sang bé gái ngay từ khi cô bé còn ở trong bụng mẹ. Các nhà khoa học cũng cho biết: thông thường, khi các tế bào lạ được truyền qua nhau thai vào thai nhi thì hệ miễn dịch sẽ phát hiện và tiêu diệt, điều này lý giải cho việc hiếm xảy ra hiện tượng truyền bệnh ung thư từ mẹ sang con. Tuy nhiên, trong trường hợp của một số bệnh nhân, một số tế bào bị lỗi gen, chẳng hạn như lỗi gen kiểm soát chức năng miễn dịch, thì tế bào ung thư vẫn có thể truyền qua và dẫn tới hiện tượng truyền bệnh ung thư từ mẹ sang con nêu trên.