Một số nghiên cứu chứng minh, 35 tuổi trở lên thực sự là chuyện quan trọng với phụ nữ và cả đàn ông khi họ quyết định “lên chức”.
Sau tuổi 30, không chỉ khả năng thụ thai giảm mà bạn còn phải đối mặt với nguy cơ vô sinh. Theo ước tính, có tới gần 20% phụ nữ 35-39 tuổi vô sinh – hiếm muộn.
Ảnh hưởng của tuổi tác đến thai kỳ
Trong quá khứ, những người mẹ lớn tuổi thường là khi họ đã có đến 5-6 đứa con trước đó. Sinh nhiều con có thể dẫn tới nhiều vấn đề về sức khỏe cho mẹ. Ngày nay, phần lớn phụ nữ làm mẹ muộn là do lập gia đình muộn nhưng họ vẫn được hưởng chế độ dinh dưỡng khỏe mạnh và đa dạng.
Sinh con muộn đồng nghĩa với việc người mẹ phải đối mặt với nhiều vấn đề về y tế hơn như chứng tiểu đường, cao huyết áp hay những bệnh mãn tính khác, có thể ảnh hưởng đến thai kỳ và lúc chuyển dạ.
Các nghiên cứu về ảnh hưởng của tuổi tác người mẹ lên thai kỳ chỉ ra rằng, ngoài sự gia tăng chứng tiểu đường thai kỳ, còn tăng tỷ lệ nhau thai bám thấm và sinh non. Bên cạnh đó, làm mẹ lớn tuổi cũng làm tăng tỷ lệ mang song thai/đa thai. Ngay cả những người mẹ khỏe mạnh ngoài tuổi 35 thì họ vẫn cần đi khám thai nhiều, thực hiện nhiều siêu âm, được chỉ định chọc dò ối so với nhóm thai phụ trẻ hơn.
Ảnh hưởng của tuổi tác đến bào thai
Người mẹ lớn tuổi có nguy cơ bào thai bất thường gene cao như hội chứng Down, hội chứng Edward hoặc hội chứng Patau. Một số nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ bất thường gene có thể là 1/500 thai phụ (35-39 tuổi), 1/250 thai phụ (40-44 tuổi) và lên tới xấp xỉ 1/70 nếu mang thai ngoài tuổi 45. Người mẹ lớn tuổi cũng phải tiến hành nhiều xét nghiệm hơn, gồm xét nghiệm CVS (lấy mẫu nhung màng đệm) hoặc chọc dò ối, giúp chẩn đoán những bất thường ở bào thai để có biện pháp can thiệp kịp thời.
Nguy cơ thai lưu ở người mẹ lớn tuổi cũng cao hơn. Nghiên cứu cho thấy, số lượng thai lưu cuối thai kỳ ở người mẹ trên 40 tuổi cao hơn hẳn. Trong khi thống kê cho biết, tỷ lệ thai lưu là khoảng 5-6/1000 thai phụ ở độ tuổi 20-39 thì có thể tăng lên 9/1000 thai phụ ở độ tuổi trên 40.
Ảnh hưởng của tuổi tác đến quá trình sinh nở
Nếu bạn trên 35 tuổi thì khả năng bạn cần các biện pháp như gây tê màng cứng, thúc sinh hoặc dùng kẹp forcep trong quá trình sinh nở cao hơn. Tỷ lệ sinh mổ ở những người mẹ lớn tuổi cũng cao hơn nhóm tuổi khác.
Một số nghiên cứu cho thấy, người mẹ lớn tuổi có giai đoạn 2 của chuyển dạ dài hơn vì các cơ ở tử cung thiếu linh hoạt. Điều này giải thích vì sao cách kích thích sinh lại được dùng phổ biến ở những người mẹ lớn tuổi.