Trẻ con sáu – bảy tháng tuổi là bắt đầu biết lật, biết bò. Để đỡ “bận rộn” với sự hiếu động của trẻ và để con sớm biết đi, các bậc phụ huynh thường mua xe tập đi cho trẻ. Thế nhưng, ít ai quan tâm đến những tác hại từ vật dụng tưởng như vô hại này. Thực tế, nhiều mẫu xe tập đi đã bị phát hiện là không phù hợp quy định về an toàn.
“Mê hồn trận” xe tập đi
Các loại xe tập đi bày bán trên thị trường hiện nay phần lớn được nhập từ Trung Quốc, chỉ một số ít từ Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia… Chiếm thị phần lớn là loại xe bằng chất liệu nhựa, có 6 – 8 bánh, dành cho trẻ từ sáu tháng tuổi trở lên. Tùy kiểu dáng, mẫu mã, xe có giá từ 220.000đ – 720.000đ/chiếc. Riêng loại xe tập đi đa năng bốn bánh, có thể chuyển thành bập bênh, xe ô tô cho trẻ chơi có giá từ 1.100.000đ – 1.700.000đ/chiếc. Ngoài ra, còn có loại xe tập đi bằng gỗ có tay vịn, bốn bánh xe có vòng cao su giúp bé đẩy đi trên nền trơn mà không bị quá đà, giá từ 260.000đ – 385.000đ/ chiếc. Tuy nhiên, các cửa hàng chuyên bán đồ chơi trẻ em trên đường Hai Bà Trưng (Q.1) chủ yếu trưng bày loại xe nhựa vì bán chạy hơn. Một chủ cửa hàng cho biết, với loại xe nhựa, chỉ cần cho trẻ ngồi vào tự tập đi, còn loại xe tập đi bằng gỗ thường, phải có người lớn đi kèm. Có lẽ vừa muốn con tập đi, vừa muốn đỡ phải trông coi nên phần lớn phụ huynh thường chọn mua loại xe tập bằng nhựa.
Nhiều phụ huynh khi chọn mua xe tập đi cho con thường chỉ để ý đến mẫu mã, kiểu dáng, giá cả mà ít chú ý đến các yếu tố an toàn cho trẻ khi sử dụng. Trong khi đó, xe tập đi là mặt hàng thuộc danh mục đồ chơi trẻ em nên dù là loại nào thì cũng phải đạt các yêu cầu về cơ lý, chống cháy, giới hạn mức thôi nhiễm của một số nguyên tố độc hại, giới hạn về hợp chất hữu cơ độc hại… theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em (QCVN:2009/BKHCN). Tất cả các loại xe tập đi nhập khẩu hay sản xuất trong nước đều phải được công bố phù hợp với các quy định trên cơ sở kết quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức chứng nhận được chỉ định và trước khi lưu thông trên thị trường, phải được dán tem hợp chuẩn theo quy định.
Tuy nhiên, qua kiểm nghiệm các mẫu xe tập đi cho trẻ, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Trung tâm 3) đã phát hiện rất nhiều mẫu xe không phù hợp quy định về an toàn cơ lý (độ sắc cạnh, khe hở, phanh thắng…), với số lượng lên đến hàng ngàn chiếc. Thậm chí, có mẫu xe không phù hợp quy định về giới hạn mức thôi nhiễm của một số yếu tố độc hại. Tất cả các mẫu xe không đạt quy chuẩn đều được cảnh báo trên trang web của Trung tâm 3. Tuy nhiên, ông Hoàng Lâm – PGĐ Trung tâm 3 cho rằng, trước đây quy định cũ không bắt buộc kiểm tra yêu cầu cơ lý nên chắc chắn có rất nhiều mẫu xe không đạt vẫn đang được bày bán trên thị trường. Ngay cả những mẫu xe không đạt mà Trung tâm 3 đã khuyến cáo, nếu các cơ quan chức năng không kiểm soát chặt thì cũng sẽ “lọt cửa”.
Theo ông Lâm, người tiêu dùng khi mua xe nên chú ý đến các chi tiết của xe như: khe hở có quá lớn hay quá nhỏ không, vì trẻ có thể cho tay vào dẫn đến kẹp tay; hay các đầu đinh, ốc, vật sắc cạnh của xe có được bao bọc kỹ lưỡng không để tránh gây thương tích cho trẻ; phanh thắng có đảm bảo an toàn…
Thương tật từ chiếc xe nhiều bánh
Cử nhân Vật lý trị liệu Hà Thị Kim Yến – chuyên viên VLTL BV Nhi Đồng I, khuyến cáo: “Những chiếc xe tập đi can thiệp vào những vận động tự nhiên của đứa trẻ, đặc biệt là dáng đi. Những trẻ ngồi xe tập đi nhiều có dáng đi cứng đơ, bước chân ngắn, thậm chí bàn chân bị lật nghiêng khi đi, nhón nhón chân vì cứ phải bơi bơi trong chiếc xe tập đi trong một thời gian dài. Trong khi đó, bàn chân bước đi bình thường là bàn chân đặt thẳng theo trục của chi dưới”.
Tại Khoa Vật lý trị liệu BV Nhi Đồng I, nhiều bé phải chỉnh lại dáng đi bằng xe chuyên dụng |
Phân tích ở khía cạnh y học về mối nguy hiểm đối với trẻ, thì do xe tập đi thường được thiết kế có nhiều bánh nên dễ dàng chuyển động xoay hoặc tăng tốc, trong khi đứa trẻ sáu – bảy tháng tuổi không đủ sức để kiểm soát. Đứa trẻ càng ở lâu trong một chiếc xe tập đi, dù chỉ một giờ/ngày, cũng làm gia tăng khả năng trẻ gặp tai nạn. BV Nhi Đồng I từng tiếp nhận những ca bệnh nhi bỏng do xe tập đi lao thẳng vào nồi nước sôi, hoặc theo đà của xe tập đi, đứa trẻ văng ra khỏi xe và bị chấn thương sọ não vì ngã xuống bậc thềm.
“Vào khoảng sáu – bảy tháng tuổi, bộ xương của đứa trẻ mới chỉ đủ sức chống đỡ cơ thể để ngồi một mình. Đứng đi sớm cho trẻ cứng cáp là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Nếu ép trẻ phải đi sớm khi bộ xương chưa sẵn sàng, có thể dẫn đến nhiều biến chứng. Hầu như tháng nào chúng tôi cũng tiếp nhận những ca có liên quan đến xe tập đi. Những trường hợp chân vòng kiềng đều có yếu tố nguy cơ là sử dụng sớm xe tập đi hoặc đứa trẻ biết đứng từ rất sớm, khoảng bảy tháng tuổi”, cử nhân Kim Yến dẫn chứng.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, nếu có nhu cầu sử dụng xe tập đi, các bậc phụ huynh nên mua chiếc xe càng ít bánh càng tốt và các bánh xe phải có khóa để bảo đảm an toàn cho trẻ. Tuy nhiên, phương pháp giúp con đi đứng tốt nhất là cha mẹ hỗ trợ và để trẻ tự trải nghiệm các vận động tự nhiên như rướn người lên, bò, trèo…
Nhiều nước trên thế giới như Canada đã cấm sử dụng hoàn toàn các loại xe tập đi. Còn tại Mỹ, dù không có lệnh cấm, nhưng các nhà sản xuất bị buộc phải tìm kiếm những thiết kế ngày càng an toàn hơn và tại những bệnh viện nhi đồng, biểu tượng xe tập đi luôn bị gạch bỏ bằng một dấu chéo đỏ.