Mùa tựu trường hằng năm cũng trùng với mùa lũ về. Trong bao lo toan cho con trẻ vào năm học mới, còn một nỗi lo luôn ám ảnh phụ huynh: “Sông, rạch tứ bề. Tụi nhỏ đi học, đi chơi mà không biết bơi, lỡ có chuyện gì…”.
Sơ sẩy là chết
Chiều 27/7/2010, hai chị em Yến Nhi (chín tuổi) và Chí Tính (7 tuổi), ở phường 8, thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu cùng chơi đùa ở một mương nước gần nhà. Đến hơn 18g cùng ngày, không thấy hai em về nhà, gia đình đi tìm thì phát hiện cả hai đều đã chết đuối dưới mương. Trước đó vài ngày, ở thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, bé Nguyễn Thành Phát, 6 tuổi, cũng bị chết đuối sau khi được đưa đến nhà cô giáo để học thêm trong hè. Cái chết thảm thương xảy ra trong khoảng thời gian cô giáo đi vắng, Phát ra mé sông chơi, trượt chân rơi xuống nước. Một ngày giữa tháng 7/2010, sau bữa cơm trưa, bé Nguyễn Thị Cẩm Tiên (9 tuổi, ở xã An Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) đem tô, chén, đũa xuống mé mương rửa. Do bất cẩn, Tiên bị trượt chân té nhào xuống mương. Lúc đó, cha mẹ bé đi vắng, hàng xóm không ai hay biết. Khi mọi người phát hiện thì Tiên đã tắt thở dưới mương.
Khoảng 18 giờ ngày 16/5/2010, trong lúc vui đùa cùng các bạn, Nguyễn Văn Quốc Duy (7 tuổi, ở thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), trượt chân té xuống một hố nước trong khu vực công trình xây dựng Trung tâm thương mại huyện Phong Điền. Không đầy 15 phút sau, khi người lớn được báo đến tìm, vớt lên thì Duy đã chết.
Không phải chỉ khi vắng người lớn, mà ngay lúc có người lớn bên cạnh nhưng chỉ cần một chút lơ đễnh là trẻ em vẫn bị chết đuối.
Hiểm họa vùng sông nước
Theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH Đồng Tháp, bảy tháng đầu năm 2010, toàn tỉnh có 24 trẻ em chết đuối. Cùng thời gian này, Sở LĐ-TB-XH tỉnh An Giang cho biết, có bốn trẻ chết đuối. Tuy nhiên, do hệ thống báo cáo từ chính quyền cơ sở đến huyện, tỉnh không phải lúc nào cũng kịp thời nên những số liệu trên chưa phải là con số cuối cùng; thực tế, số trẻ em chết đuối còn cao hơn rất nhiều. Thậm chí, số liệu từ một dự án của Sở Y tế Đồng Tháp nghiên cứu về tình trạng trẻ em chết đuối gần đây cho thấy, số trẻ em chết đuối ở tỉnh này cao gấp 10 lần số trẻ em chết do sốt xuất huyết. Thống kê chưa đầy đủ của Bộ LĐ-TB-XH cũng cho thấy, mỗi năm ở nước ta có khoảng 12.000 người chết đuối (không thua kém số người chết do tai nạn giao thông), chủ yếu là trẻ em. Các địa phương có tỷ lệ trẻ chết đuối cao nhất là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Đi học trên ghe xuồng là một trong những mối hiểm họa với các em học sinh
Tổng chiều dài hệ thống giao thông đường thủy (bao gồm các sông, mương, kênh rạch) ở ĐBSCL khoảng 28.000km. Ngoài ra, còn phải kể đến những ao nuôi thủy sản, mương, hố phục vụ cho các công trình xây dựng đang ngày càng nhiều quanh các khu dân cư, khu đô thị trong những năm gần đây. Tất cả diện tích mặt nước đó, bên cạnh việc phục vụ giao thông thủy, phát triển kinh tế – xã hội, mặt khác lại ẩn chứa nhiều nguy cơ về chết đuối nước, nhất là với trẻ em. Tắm sông, đùa giỡn cạnh ao mương, qua đò ngang, đi học trên ghe xuồng, đi bắt ốc, hái rau dưới kênh… đều là những hoạt động tiềm ẩn hiểm họa chết đuối đối với trẻ em ĐBSCL. Vào mùa nước nổi hàng năm, khi mực nước trên các sông, kênh, rạch ngày một dâng cao thì nguy cơ trẻ em bị chết đuối càng gia tăng. Tuy nhiên, nguyên nhân của các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do phần lớn các em không biết bơi – nói chính xác hơn là không được dạy bơi.
Không thể ngồi chờ
Trong nỗ lực hạn chế tình trạng trẻ em chết đuối, thời gian qua, nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã triển khai một số chương trình như tổ chức các điểm giữ trẻ tập trung mùa lũ; dạy bơi cho trẻ; các đội tình nguyện cứu người đuối nước – nhất là trong những tháng cao điểm mùa mưa, lũ; tuyên truyền để trẻ không biết bơi không tự ý xuống sông, kênh, rạch một mình; hạn chế trẻ đi ghe tàu khi không có người lớn đi cùng…
Ông Nguyễn Thanh Bình – Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh An Giang, cho biết, hằng năm ngoài việc tổ chức các điểm giữ trẻ mùa lũ, tỉnh còn triển khai phổ cập bơi cho trẻ. Năm 2009, toàn tỉnh có khoảng 1.000 trẻ được nuôi giữ ở 39 điểm và hơn 18.000 trẻ từ 6 – 11 tuổi được dạy bơi ở 634 lớp phổ cập bơi. Tại Đồng Tháp, những năm gần đây, ngoài việc tổ chức mỗi năm hàng trăm điểm giữ trẻ trong mùa lũ, tỉnh còn tổ chức hơn 400 lớp phổ cập bơi cho hơn 10.000 trẻ. Mới đây, UBND tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các địa phương tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng bơi, cứu đuối và chương trình phổ cập bơi lội trong toàn tỉnh. Tỉnh Đoàn Cà Mau cũng vừa phối hợp với Huyện Đoàn Thới Bình tổ chức lễ ra quân dạy bơi cho thiếu nhi.
Trẻ lội bộ đi học, không thể lường trước chỗ nào nước sâu
Tuy các địa phương ở ĐBSCL đã có nhiều nỗ lực, nhưng trên thực tế, việc triển khai các lớp phổ cập bơi cho trẻ, đưa chương trình dạy và học bơi vào các trường tiểu học, phổ thông đang gặp rất nhiều khó khăn. Đã có nhiều ý kiến từ các cơ quan hữu trách ở Trung ương và các địa phương đề nghị nên đưa môn bơi vào trường tiểu học và trung học như một phần của môn học thể dục, nhưng đề nghị này đến nay vẫn không thể hiện thực hóa được. Khó khăn lớn nhất là thiếu giáo viên dạy bơi và cơ sở vật chất, cụ thể là hồ bơi.
Càng nhiều trẻ em biết bơi thì nguy cơ chết đuối càng giảm! Đồng tình với quan điểm này, một cán bộ Phòng GD-ĐT huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp nêu ý kiến: “Không thể cứ ngồi chờ bộ này, ngành kia mà cần có sự chủ động giúp đỡ trẻ từ gia đình – nhà trường – cơ quan chức năng địa phương. Vì sao không biến các giờ ngoại khóa không cần thiết thành những giờ tổ chức cho các em đi học bơi ở các hồ bơi, ao, kênh gần trường với sự hướng dẫn của giáo viên hoặc cán bộ ngành thể dục thể thao có chuyên môn? Nếu chưa có nguồn tài trợ thì kinh phí sẽ do phụ huynh đóng góp. Đó là một sự đầu tư hết sức cần thiết cho con em mà không phụ huynh nào từ chối”.